Thổ Nhĩ Kỳ 'bóp nghẹt' cuộc chiến chiếm Tripoli của ông Haftar

Nỗ lực chiếm thủ đô Tripoli của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đột ngột chấm dứt sau sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc cung cấp máy bay không người lái vũ trang Bayraktar.

Nỗ lực chiếm thủ đô Tripoli từ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đột ngột chấm dứt sau sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc cung cấp máy bay không người lái vũ trang Bayraktar.

Cuộc xung đột ở Libya bước sang giai đoạn mới với việc lực lượng LNA do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy hứng một loạt thất bại lớn do chiến lược mới được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, theo trang tin DW (Đức).

Một tay súng của GNA phóng súng cối trong cuộc đụng độ với lực lượng đối địch LNA ở ngoại ô thủ đô Tripoli, Libya. Ảnh: REUTERS

Một tay súng của GNA phóng súng cối trong cuộc đụng độ với lực lượng đối địch LNA ở ngoại ô thủ đô Tripoli, Libya. Ảnh: REUTERS

Kể từ năm 2014, Libya bị chia rẽ thành hai phe quyền lực ở miền Đông và miền Tây. Tháng 4-2019, lực lượng LNA đóng ở miền Đông phát động chiến dịch tấn công GNA để chiếm thủ đô Tripoli.

Với sự yểm trợ trên không của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng lính đánh thuê người Nga và các quốc gia khác, lực lượng ông Haftar nhanh chóng giành được thắng lợi ban đầu.

Tuy nhiên, những tháng gần đây, sự hỗ trợ về công nghệ và chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho lực lượng GNA của Thủ tướng Fayez Serraj đã chặn đà tiến quân của ông Haftar. Thậm chí, GNA còn giành lại một số khu vực chiến lược từ LNA.

Cuộc chiến máy bay không người lái lớn nhất thế giới

Sức mạnh trên không đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc xung đột Libya. Địa hình sa mạc tương đối bằng phẳng ở phía Bắc và vùng duyên hải của Libya đã khiến các đơn vị trên bộ dễ dàng bị phát hiện và gần như không có nơi ẩn nấp trong lúc giao tranh.

Lực lượng trên không của cả phía GNA lẫn LNA đều sử dụng máy bay chiến đấu thời Liên Xô và Pháp vốn đã lạc hậu và được bảo trì kém.

Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy LNA. Ảnh: REUTERS

Phần lớn cuộc chiến trên không ở Libya là có sự tham gia của máy bay không người lái (UAV). Với gần 1.000 cuộc không kích do các UAV tiến hành, ông Ghassan Salame - Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Libya đã gọi cuộc xung đột ở Libya là “cuộc chiến máy bay không người lái lớn nhất thế giới”.

UAV hữu ích vì nhiều lý do. UAV không chỉ cung cấp thông tin giá trị để phát hiện kẻ thù từ một khoảng thời gian khá lâu trước đó mà còn có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ngay lập tức với tỉ lệ thành công khá cao.

Trong trường hợp UAV bị bắn rơi và phá hủy, phi công vẫn an toàn tại căn cứ và có thể lập tức vận hành chiếc UAV khác cất cánh.

Thắng lợi ban đầu của lực lượng LNA

Sự xuất hiện của máy bay không người lái Wing Loong do Trung Quốc sản xuất đã tạo ra khác biệt đáng kể cho năng lực quân sự của LNA.

Lần đầu tiên được LNA tung ra trong trận chiến đánh chiếm TP cảng Derna ở miền Đông Libya năm 2016, Wing Loong đã có tác động quyết định tới kết cục trận đánh. Các lực lượng ông Haftar nhanh chóng đánh bại đối thủ ở Derna.

UAV Wing Loong I tại triển lãm hàng không Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: CHINA DAILY

Máy bay không người lái Wing Loong của Trung Quốc chủ yếu do các phi công UAE vận hành và cất cánh từ căn cứ Al Khadim thuộc phía Đông Libya. Nhờ bán kính chiến đấu 1.500 km, Wing Loong có thể phóng tên lửa dẫn đường chính xác và ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên đất Libya.

Trong chiến dịch đánh chiếm Tripoli mà ông Haftar phát động hồi tháng 4-2019, Wing Loong đã được sử dụng rất hiệu quả. Các lực lượng chính phủ Tripoli nhiều lần bị đẩy lùi và vây hãm.

Thổ Nhĩ Kỳ “bóp nghẹt” cuộc chiến của ông Haftar

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào tháng 12-2019 khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Thủ tướng Fayez al-Serraj cùng lực lượng GNA.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận quân sự và hàng hải với GNA hồi cuối năm ngoái. Và thỏa thuận này đã bắt đầu gặt hái kết quả vào tháng 4.

Được tiếp viện khoảng 4.000 lính đánh thuê Syria, các lực lượng GNA đã có được những tiến bộ tuy chậm mà chắc trên mặt trận Tripoli. Giới phân tích nhận xét sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này có thể đối chọi UAE ở Libya và sẽ không cho phép ông Haftar chiếm Tripoli, theo DW.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã cản trở các tuyến tiếp viện của ông Haftar. Ảnh: AP

“Nếu mọi thứ diễn ra theo chiều hướng này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bóp nghẹt các nỗ lực chiến tranh của ông Haftar ở Tripoli”, chuyên gia Jalel Harchaoui tại Viện Clingendael (Hà Lan) nói.

Cùng với việc điều động binh sĩ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã triển khai máy bay không người lái do nước này chế tạo sang Libya, cụ thể là Bayraktar TB2.

Tuy nhỏ hơn và tầm bay ngắn hơn Wing Loong nhưng Bayraktar TB2 vẫn đủ khả năng tấn công và tiêu diệt các mục tiêu mặt đất của LNA, quấy rối các tuyến tiếp viện và tấn công các căn cứ không quân từng được coi là an toàn.

Nhờ Bayraktar TB2, bộ binh GNA giờ đây có thể nắm rõ vị trí của đối phương và phản công khi có hỏa lực trên không yểm trợ.

Cùng với Bayraktar TB2, sự cung cấp kịp thời tên lửa Hawk từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp căn cứ không quân chính của GNA tại sân bay Mitiga ở Tripoli có thể hoạt động mà không lo bị tấn công.

Hiệu quả mà UAV mang lại vô cùng ấn tượng khi GNA mở chiến dịch phản công và trong chớp nhoáng đã chiếm lại các thị trấn ven biển Surman, Sabratah và Al-Ajaylat cùng thị trấn biên giới Al-Assah.

Thừa thắng xông lên, GNA liên tục tấn công căn cứ không quân Al-Watiya, nơi các lực lượng của ông Haftar sử dụng làm bàn đạp cho các chiến dịch của họ.

LNA cuối cùng đã để mất căn cứ Al-Watiya vào tay GNA hôm 18-5. Đây là đòn giáng nặng vào các tham vọng của ông Haftar ở phía Tây Libya vì đây không chỉ là tổng hành dinh của LNA trong khu vực mà còn là trung tâm tiếp tế và hậu cần.

Máy bay chiến đấu tầm xa Su-35 của Nga. Ảnh: REUTERS

Các đơn vị LNA đã buộc rút lui, đặc biệt khi các hệ thống phòng không Pantsir S-1 do Nga sản xuất và được UAE cung cấp bị phá hủy hoàn toàn. Pantsir S-1 bị phá hủy khiến các lực lượng thoái lui không được bảo vệ trước các đòn tấn công.

Các báo cáo truyền thông cho biết chính các thiết bị gây nhiễu của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mất phương hướng radar của Pantsir, khiến chúng dễ bị tổn thương trước các cuộc không kích của UAV Bayraktar.

Các cuộc phản công xa hơn về phía nam và đông Tripoli khiến gọng kìm bao vây TP của ông Haftar lỏng dần, buộc các lực lượng ủng hộ ông phải rút lui. Hàng trăm lính đánh thuê thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga sơ tán khỏi sân bay Bani Walid.

Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi cho biết một số máy bay chiến đấu của Nga từ căn cứ không quân Khmeimim (Syria) đã bay sang căn cứ của LNA tại Jufra, miền Trung Libya nhằm tăng cường lực lượng cho Nguyên soái Haftar và đồng minh.

Số máy bay này gồm 14 tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 bay với đội hộ tống gồm ít nhất hai chiếc tiêm kích Su-35. Động thái này nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ và GNA rằng thất bại của ông Haftar chỉ nên dừng lại ở mức này và Nga sẽ không để phía ông Haftar chịu thất bại thêm nữa.

Đại tướng không quân Mỹ Jeffrey Harrigian cho rằng mối đe dọa tiềm tàng ở đây là Nga có thể kiểm soát các căn cứ của LNA trên bờ biển Libya và triển khai lâu dài các vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực, tạo ra mối đe dọa an ninh thực sự ở sườn nam châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ lập “cầu hàng không” trước cuộc tấn công lớn ở Libya

Theo báo Izvestia (Nga), tuần trước, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lậpmột “cầu hàng không” từ TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tới Libya. Các máy bay quân sự và vận tải đang thực hiện một số chuyến bay mỗi ngày tới các sân bay do GNA kiểm soát. Hôm 27-5, GNA tuyên bố kế hoạch mở chiến dịch tấn công mới quy mô lớn chống lực lượng LNA.

Sự can thiệp vũ trang trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột Libya đã thay đổi cán cân sức mạnh và dẫn tới những thất bại đau thương cho LNA.

“Bây giờ, ông Haftar không chỉ mất lãnh thổ mà còn tiếp tục phải rút lui. Vị nguyên soái này có thể đã tìm cách đạt được một lệnh ngừng bắn nhưng GNA đang cố gắng không bỏ lỡ cơ hội và tiêu diệt hoàn toàn quân đối địch”, chuyên gia quân sự Dmitry Boltenkov nhận định.

Báo Izvestia dẫn nhận định của các chuyên gia tin rằng việc cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến sẽ dẫn đến giao tranh ác liệt trong những ngày tới.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tho-nhi-ky-bop-nghet-cuoc-chien-chiem-tripoli-cua-ong-haftar-915946.html