Thổ Nhĩ Kỳ biết 'sát thủ' sát hại Khashoggi nhưng chỉ biết 'bó tay' đứng nhìn?

Dù biết danh tính và có bằng chứng về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể trừng trị thủ phạm, nếu như kẻ đó đang trú ẩn an toàn ở Saudi Arabia.

Saudi Arabia đang muốn giải quyết vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong nội bộ.

Saudi Arabia đang muốn giải quyết vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong nội bộ.

Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc dẫn độ những người liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, các chuyên gia cho rằng cơ hội để nghi phạm phải chịu tội ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất nhỏ.

Phá vỡ sự im lặng của mình về vụ việc bằng tuyên bố hôm 23/10, Tổng thống Erdogan đã trình bày một số chi tiết về vụ sát hại nhà báo của tờ Washington Post diễn ra bên trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul.

Ông Erdogan cho biết một nhóm các công dân Saudi "đã lên kế hoạch trước" vụ giết người "tàn bạo" và kêu gọi vương quốc Ả Rập dẫn độ 18 nghi phạm tới Thổ Nhĩ Kỳ để đối mặt với công lý.

Hôm 24/10, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cho biết: "Nếu các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy bằng chứng hoặc nghi ngờ về sự tham gia của lãnh sự Saudi trong vụ ám sát Khashoggi, họ có thể gửi yêu cầu dẫn độ".

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nói với Al Jazeera rằng cơ hội dẫn độ là rất mong manh. Guclu Akyurek, chuyên gia về luật hình sự tại đại học Mef ở Istanbul cho biết: “Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia sẽ không đưa ra hành động dẫn độ chính công dân của mình”.

Theo Akyurek, trong trường hợp hai nước không có hiệp ước dẫn độ chung, lựa chọn duy nhất của họ là ký một thỏa thuận cá biệt, có giá trị trong trường hợp vụ việc nhà báo Khashoggi.

Về phần mình, William Schabas, Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Middlesex cho biết, một thỏa thuận như vậy là không thể. Schabas nói: “Nếu nghi phạm đang ở Saudi Arabia, vương quốc này không có nghĩa vụ pháp lý nào dẫn đến việc dẫn độ”.

Interpol là một lựa chọn

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là "tội ác ghê tởm không thể biện minh".

Trong bình luận công khai đầu tiên của ông kể từ thời điểm vụ việc xảy ra, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết, thủ phạm sẽ được đưa ra công lý với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ .

Tuy nhiên, vị Thái tử trẻ đang chịu áp lực ngày càng tăng khi công chúng tin rằng ông có thể biết nhiều chi tiết về vụ sát hại Khashoggi, thậm chí có thể là người đứng đằng sau thao túng vụ việc.

Giáo sư đại học Parma, Stefano Maffei, một chuyên gia về dẫn độ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhờ tới Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) nếu Saudi Arabia không hợp tác trong cuộc điều tra.

Tổng thống Erdogan sẽ gặp khó khăn khi muốn kẻ phạm tội phải bị trừng trị.

Khi được yêu cầu, Interpol sẽ ban hành "thông báo đỏ", một đề nghị bắt giữ và dẫn độ trên cấp độ quốc tế. Điều này sẽ khiến cho nghi phạm không thể đi đến những quốc gia khác ngoài Saudi nếu không muốn bị bắt giữ.

"Nghi phạm sẽ phải ở lại Saudi Arabia trong suốt quãng đời còn lại", Giáo sư Stefano Maffei nêu quan điểm.

Do cái chết của nhà báo Khashoggi có những yếu tố liên quan đến ngoại giao, trường hợp này càng khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ khó khăn hơn trong việc theo đuổi.

"Đại sứ quán và cơ sở lãnh sự là bất khả xâm phạm", Schabas nói, đồng thời giải thích rằng đó có thể là lý do tại sao nhiều người tin rằng vụ sát hại có thể được thực hiện tại đây.

Ngoài ra, nó cũng là lý do khiến các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ không thể đi vào lãnh sự quán Saudi trong vài ngày sau khi vụ bê bối diễn ra.

Tuy nhiên, Giáo sư Maffei cho biết, khả năng miễn trừ ngoại giao chỉ có giá trị đối với tòa nhà lãnh sự, chứ không phải là những người làm việc ở đó.

"Là một nhà ngoại giao không cho phép bạn có quyền giết bất cứ ai. Nếu một nhà ngoại giao bị quy trách nhiệm giết ai đó, đất nước mà vụ giết người xảy ra sẽ có toàn quyền xét xử nhà ngoại giao phạm tội", ông nói.

"Nhưng có một vấn đề khác. Nếu bằng chứng về vụ giết người nằm trong lãnh sự quán, cuộc điều tra sẽ đòi hỏi sự hợp tác của Saudi Arabia", Giáo sư Maffei nói thêm.

Đề cập đến Công ước Viên năm 1963, chuyên gia Akyurek của Đại học Mef cho biết: "Các viên chức lãnh sự có thể bị bắt giữ hoặc bị tạm giam xét xử trong trường hợp tội phạm nghiêm trọng và theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền".

Kêu gọi điều tra độc lập

18 người được cho là có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi đều đang ở Saudi Arabia và vừa bị ra lệnh bắt giữ. Điều này cho thấy động thái của Riyadh trong việc muốn tự giải quyết vụ việc trong nội bộ thay vì hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm thành viên cấp cao của Chính phủ Saudi cũng bị cách chức vì những cáo buộc liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi. Sau những vụ bắt giữ và cách chức này, một số tổ chức, bao gồm Liên Hợp Quốc và Nghị viện châu Âu đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập.

Tuy nhiên, Giáo sư Maffei cho rằng có rất ít cơ hội để đưa vụ việc ra các cơ quan quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

"Quyền hạn của ICC bị hạn chế trong các tình huống mà các quốc gia không thể hoặc không muốn truy tố", ông nói.

Đối với Schabas, việc giết một nhà báo trong lãnh sự quán không cấu thành tội phạm quốc tế. "Nó chỉ là một vụ giết người", ông nhấn mạnh.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-biet-sat-thu-sat-hai-khashoggi-nhung-chi-biet-bo-tay-dung-nhin-a408607.html