Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố muốn tự phát triển 'vũ khí tối thượng'

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây đưa ra tranh luận bất ngờ rằng, đất nước ông cũng nên được cho phép phát triển vũ khí hạt nhân như các cường quốc khác trên thế giới.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa ngày 20/3/2019 (Ảnh: Newsweek)

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa ngày 20/3/2019 (Ảnh: Newsweek)

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế trung tâm Anatolian tại tỉnh Sivas, Tổng thống Erdogan đã hoan nghênh thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận về hợp tác với Mỹ và Nga mới đây, cùng lúc tiết lộ về khả năng đối thoại với Trung Quốc trong tương lai. Ông Erdogan sau đó còn nhắc lại việc làm thế nào mà “một số quốc gia sở hữu các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân” và “không chỉ có một hay hai nước”.

“Thế nhưng tôi lại không thể sở hữu tên lửa có đầu đạn hạt nhân sao? Tôi không chấp nhận điều đó” – ông Erdogan nói – “Ngay hiện tại, gần như tất cả các nước phát triển đều sở hữu tên lửa hạt nhân”.

Theo ước tính, Mỹ đã triển khai khoảng 50 trong tổng số vũ khí hạt nhân của họ tới Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong chính sách chia sẻ hạt nhân của khối đồng minh NATO – theo một bản báo cáo mà NATO công bố hồi tháng 7. Các vũ khí này, đặt tại căn cứ Incirlik, thuộc quyền kiểm soát của Mỹ thế nhưng một số người vẫn nêu quan ngại về sự an toàn của họ trong khu vực này trong bối cảnh bất ổn trong khu vực gia tăng.

Vào năm 1980, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong đó phản đối việc vũ khí hạt nhân rơi vào tay các nước khác ngoài “các siêu cường được công nhận” bao gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc. Thế nhưng các thế lưc khác như Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel đều được cho là đã phát triển và sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Dù là một thành viên của NATO kể từ năm 1952, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mối quan hệ với các thành viên còn lại trong khối trở nên căng thẳng khi tăng cường quan hệ với Nga. Ankara mới đây còn bất chấp lời cảnh báo của Washington để mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga. Hôm thứ Tư vừa qua, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng họ đã bắt đầu khóa huấn luyên sử dụng S-400 tại thị trấn Gatchina ở Nga.

Trong tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng trước thương vụ trên bằng cách loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển mẫu phi cơ chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có động thái phản đòn khi công bố mẫu phi cơ hế hệ 5 của họ là Su-57 và mẫu Su-35 được nâng cấp nhân chuyến thăm của ông Erdogan tới Triển lãm Hàng không và không gian quốc tế (MAKS) tổ chức ở ngoại ô Moscow.

Sau khi quan sát kỹ mẫu Su-57, ông Erdogan đã hỏi ông Putin rằng mẫu này có để bán hay không và ông Putin trả lời: “Có chứ, ông có thể mua nó”. Cả hai nhà lãnh đạo cùng cười lớn.

Thổ Nhĩ Kỳ tuy nhiễn vẫn hứng thú với nhiều loại vũ khí do Mỹ chế tạo. Mới trong hôm 4/9, ông Erdogan tiết lộ rằng ông sẽ sớm đàm phán về việc mua hệ thống tên lửa đất - đối - không Patriot - được thiết kế chủ yếu để bắn hạ tên lửa đạn đạo, chứ không đa nhiệm như S-400 - với Tổng thống Trump nhân kỳ họp Đại hội đồng LHQ sắp tới. Tuy nhiên, ông Erdogan nói rằng ông sẽ chỉ mua hệ thống này “dưới những điều khoản tương tự” mà Nga từng đưa ra trong thương vụ S-400.

Theo Newsweek

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tho-nhi-ky-bat-ngo-tuyen-bo-muon-tu-phat-trien-vu-khi-toi-thuong-366078.html