Thổ mượn kim bài Thỏa thuận Adana 1998 chia cắt Syria?

Bất chấp việc bị phản đối, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định, Ankara có quyền thực hiện chiến dịch 'Mùa xuân Hòa bình' ở Syria, nhờ Thỏa thuận Adana 1998.

Vậy thực chất thỏa thuận này bao gồm những gì?

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hành động quân sự ở Syria là “hợp pháp”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9/10 tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” (“Operation Peace Spring”, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là “Baris Pinari”) ở miền bắc Syria, chống lại các tay súng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra ba mục tiêu chính của chiến dịch: Một là bảo vệ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ khỏi những kẻ khủng bố; Hai là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria; Ba là đảm bảo "sự trở lại của những người tỵ nạn Syria đã bị chiến tranh xua đuổi khỏi quê hương".

Sau đó, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp sự hỗ trợ cả trên không lẫn trên bộ cho nhóm phiến quân mang tên “Quân đội Syria Tự do” (FSA - Free Syrian Army), một nhóm vũ trang tự xưng là phe đối lập Syria, chia làm 2 đường từ phía tây sông Euphrates (phía tây tỉnh Aleppo) tiến sang phía đông con sông này và từ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ tiến sang.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thôi ý định lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thôi ý định lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Chiến dịch quân sự trái phép của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của chính quyền Syria. Damascus cáo buộc “hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc xâm lược và chiếm đóng trái phép, đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”; do đó, Syria có quyền chính đáng để tự vệ cả về cả ngoại giao và quân sự, theo Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định về quyền tự vệ.

Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu cùng với các cường quốc khác như Nga, Mỹ, Iran và các quốc gia thuộc khối Ả Rập.

Bất chấp bị cộng đồng quốc tế phản đối, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, Ankara có quyền thực hiện chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” ở Syria nhờ Thỏa thuận Adana năm 1998, cho phép chính phủ nước này có quyền thực hiện các hoạt động xuyên biên giới với “quy mô nhỏ” chống lại những kẻ khủng bố ở khu vực biên giới Syria.

Nội dung của Thỏa thuận Adana 1998 như thế nào?

Thỏa thuận Adana được ký kết vào ngày 20/10/1998, vào thời điểm quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vô cùng căng thẳng và hai nước láng giềng này đang nằm trên bờ vực chiến tranh.

Khi đó, Damascus đã cho phép Abdullah Ocalan, lãnh đạo Đảng Công nhân người Kurd (PKK), trú ẩn và chỉ đạo các hoạt động của PKK, trong lãnh thổ của mình. Khi Ankara đe dọa tiến hành các hoạt động quân sự, Damascus đã trục xuất Ocalan và đóng cửa các trại PKK ở nước này.

Thỏa thuận Adana được vạch ra để giúp hai bên khôi phục quan hệ song phương.

Theo thỏa thuận này, Syria công nhận PKK là một tổ chức khủng bố và cam kết không cung cấp bất kỳ loại hỗ trợ nào, từ tài chính, hậu cần đến quân sự cho tổ chức này.

Thỏa thuận Adana gồm những điều khoản mang tính nguyên tắc như sau:

1. Trục xuất lãnh tụ PKK Abdullah Ocalan khỏi lãnh thổ Syria và cam kết Ocalan sẽ không bao giờ được phép vào Syria.

2. Các phần tử PKK ở nước ngoài sẽ không được phép vào Syria.

3. Phá hủy các trại huấn luyện và căn cứ của PKK trong lãnh thổ Syria và bảo đảm chắc chắn PKK sẽ không được phép hoạt động ở Syria.

4. Bắt giữ và xét xử nhiều thành viên PKK. Danh sách này đã được Syria chuẩn bị và chuyển giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã xác nhận các điểm nêu trên. Trên cơ sở các nguyên tắc trên, các bên cũng đã đồng ý về các điểm cụ thể như sau:

1. Syria sẽ không cho phép bất kỳ hoạt động nào xuất phát từ lãnh thổ của mình gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ. Damascus sẽ không cho phép bất cứ cá nhân và tổ chức nào cung cấp vũ khí, tài liệu hậu cần, hỗ trợ tài chính và cấm các hoạt động tuyên truyền của PKK trên lãnh thổ của mình.

2. Chính quyền Damascus đã công nhận rằng, PKK là một tổ chức khủng bố Syria, cấm mọi hoạt động của PKK và các tổ chức liên kết trên lãnh thổ của mình.

3. Syria sẽ không cho phép PKK thành lập các trại huấn luyện và các cơ sở để trú ẩn hoặc tiến hành các hoạt động mang tính thương mại (nhằm gây quỹ hoạt động) trên lãnh thổ của mình.

4. Syria sẽ không cho phép các thành viên PKK sử dụng quốc gia của mình để quá cảnh sang nước thứ ba.

5. Syria sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thủ lĩnh của tổ chức khủng bố PKK xâm nhập vào lãnh thổ nước mình và sẽ chỉ thị cho chính quyền địa phương tại các khu vực biên giới hành động quyết liệt để đạt được hiệu quả đó.

Cho đến trước khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011, Ankara đã được hưởng lợi rất nhiều từ Thỏa thuận Adana trong cuộc chiến chống lại PKK, nhưng đến nay, họ tiếp tục lợi dụng nó để đạt được mục đích xấu xa của mình.

Ankara đã cáo buộc người Kurd Syria là một chi nhánh của PKK, sự hiện diện của họ dọc biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra nguy cơ về an ninh đối với nước này.

Mặc dù trong các điều khoản của thỏa thuận không có điều nào cho phép Thổ Nhĩ Kỳ được tự ý tung quân xâm nhập Syria, nhưng Ankara đã lấy cớ chính quyền của ông Assad không làm tròn nghĩa vụ trong Thỏa thuận Adana, tung quân vào Syria, mượn danh nghĩa đánh “khủng bố người Kurd” để chiếm đóng trái phép vùng lãnh thổ phía bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mượn Thỏa thuận Adana để chia cắt Syria?

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở 2 chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria mang tên “Lá chắn Euphrates” (Operation Euphrates Shield, từ 24 tháng 8 năm 2016 đến ngày 29 tháng 3 năm 2017) và “Cành Ô liu” (Operation Olive Branch, từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 24 tháng 3 năm 2018).

Kết quả của các chiến dịch này là việc Ankara đã hậu thuẫn cho nhóm phiến quân FSA đánh chiếm hầu hết khu vực phía bắc và tây bắc Syria (phía tây sông Euphrates) từ tay người Kurd, trong đó có những thành trì quan trọng như thành phố Azaz, Afrin, al-Bab, thị trấn Tall Rifat, Jarabulus, al Rai…

Tuy nhiên, sau khi quét sạch khủng bố IS và người Kurd khỏi các khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả lại đất đai cho chính quyền Syria mà tiếp tục cử quân chốt giữ, hậu thuẫn cho FSA thành lập các chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát Syria Tự do (Free Syrian Police-FSP) để quản lý hành chính và bảo đảm an ninh, trật tự. Kể từ 2 chiến dịch quân sự này, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hiện diện trái phép ở miền Bắc Syria suốt từ năm 2016 đến nay.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã từng tuyên bố đầy ẩn ý rằng, nước này không có ý định xâm chiếm đất đai của bất cứ ai, sau khi các cuộc “bầu cử tự do công bằng được tổ chức tại Syria và mối đe dọa khủng bố bị loại bỏ”, họ sẽ trả lại đất đai cho “nhân dân Syria”, những người đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ mang quân sang giải cứu họ; sau đó sẽ rút quân khỏi lãnh thổ Syria.

Vậy khái niệm “nhân dân Syria” như trong tuyên bố của Ankara có nội hàm như thế nào? Đó thực chất là các đảng phái đại diện cho các nhóm phiến quân đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, tức là lực lượng chống chính quyền của ông Assad, chứ không phải là những người dân Syria đích thực.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng khủng bố và phiến quân chống chính phủ mới là “những người dân Syria bị chính quyền Assad áp bức”; vậy phải chăng “cuộc bầu cử công bằng” mà Ankara tuyên bố sẽ chỉ đạt được khi lực lượng đối lập lật đổ ông Assad lên nắm quyền ở Damascus và khi đó Erdogan mới chịu rút quân? Còn ngược lại, nếu phiến quân đối lập bị gạt ra rìa lịch sử Syria thì chính quyền Erdogan vẫn sẽ giữ quân đội ở Syria để đòi quyền “tự do, bình đẳng” cho khủng bố?

Với những âm mưu như vậy, dự báo tình hình Syria sắp tới sẽ diễn ra sẽ vô cùng phức tạp, bởi Ankara chắc chắn sẽ hỗ trợ cho lực lượng phiến quân FSA kiểm soát lâu dài cả dải biên giới phía bắc của Syria, giúp chúng xây dựng các chính quyền bù nhìn địa phương thân Thổ Nhĩ Kỳ đối lập với chính phủ hợp hiến của ông Assad, biến các khu kiểm soát của FSA ở phía Bắc Syria thành các vùng đệm dọc biên giới phía Nam nước này; tức là đang tiến hành một cuộc “chiến tranh xâm lược ủy nhiệm” đối với Syria, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Syria.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tho-muon-kim-bai-thoa-thuan-adana-1998-chia-cat-syria-3389590/