Thổ làm nóng thêm căng thẳng Đông Địa Trung Hải

Tàu thăm dò Oruc Reis tiếp tục thực hiện khảo sát địa chấn tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải trong 10 ngày tới.

Tối 11/10, Hệ thống cảnh báo hàng hải NAVTEX của Thổ Nhĩ Kỳ gửi đi thông báo tàu thăm dò Oruc Reis của nước này sẽ thực hiện khảo sát địa chấn tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải trong 10 ngày tới.

Đội tàu khảo sát của Thổ Nhĩ Kỳ trở lại Đông Địa Trung Hải.

Đội tàu khảo sát của Thổ Nhĩ Kỳ trở lại Đông Địa Trung Hải.

Tàu Oruc Reis sẽ tiến hành các hoạt động trong khu vực, bao gồm cả phía nam đảo Kastellorizo của Hy Lạp, theo thông điệp được gửi bởi hệ thống cảnh báo hàng hải NAVTEX.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi đi thông báo cùng ngày, tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở phía đông Địa Trung Hải "từ ngày 12 đến ngày 20/10" ở cả phía nam của đảo Kastellorizo, hay Meis của Hy Lạp, đúng ở khu vực mà con tàu này đã thực hiện khảo sát hồi tháng 8 và tháng 9.

Hai tàu khác, Ataman và Cengiz Han sẽ đi cùng tàu Oruç Reis trong mười ngày tới.

Như vậy, thông báo mới nhất từ phía Ankara cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo dài thêm căng thẳng với Hy Lạp thời gian tới.

Tàu Oruc Reis đã được kéo trở lại bờ vào tháng trước để thực hiện công việc bảo trì theo kế hoạch và các quan chức cho biết nó sẽ quay trở lại phía đông Địa Trung Hải để tiếp tục công việc của mình ngay sau quá trình này.

Hai nước đã trải qua một tháng căng thẳng do hoạt động thăm dò của tàu Oruc Reis. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng đang có mâu thuẫn về các yêu sách liên quan đến vùng lãnh thổ trên biển; các vùng chồng lần tài nguyên, nguồn hydrocarbon trong khu vực.

Ngoại trưởng hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã tiến hành cuộc đối thoại về căng thẳng tại đây hồi tuần trước. Tuy nhiên, chưa rõ các kết quả cụ thể thì tiếp tục diễn ra việc Ankara thúc đẩy hoạt động thăm dò trở lại khu vực.

Theo truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas sẽ tới Ankara vào giữa tuần này để tham dự một cuộc họp, trong đó vấn đề Đông Địa Trung Hải sẽ là trọng tâm.

Tháng trước, khi Ankara rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp lấy lý do để "cho phép các biện pháp ngoại giao" trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU). Tại hội nghị này, EU khẳng định sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục hoạt động khảo sát trong khu vực - động thái mà Ankara tuyên bố làm căng thẳng hơn nữa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

Trong căng thẳng lần trước, Chính phủ trung hữu của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã huy động hạm đội của mình để phá vỡ cuộc khảo sát dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển mà Athens khẳng định là “thềm lục địa của Hy Lạp”. Động thái cho thấy rõ ràng quyết tâm sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ quyền chủ quyền của Athens ở Biển Aegean và Đông Địa Trung Hải.

Va chạm giữa tàu chiến của hai nước đã xảy ra, khiến 1 tàu hộ tống Thổ Nhĩ Kỳ bị đâm thủng ở mạn, khiến căng thẳng leo thang khi cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau là kẻ gây hấn, thách thức chủ quyền quốc gia của mình, nhưng Hy Lạp nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Sau bảy tuần đứng trước nguy cơ đụng độ quân sự, Ankara đã rút tàu của mình trước áp lực của châu Âu và Mỹ.

Tàu thăm dò Oruc Reis đậu tại bến cảng ở Istanbul.

Theo giới chuyên gia, Hy Lạp đang đối mặt với thách thức an ninh nghiêm trọng từ quốc gia đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ và buộc họ chỉnh đốn lại các lực lượng quân sự của mình để nhanh chóng đối mặt với tình huống khẩn cấp.

Căng thẳng mới với Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Athens phải xem xét lại các ưu tiên trong chiến lược mua sắm trang, thiết bị quân sự của mình.

Vào ngày 12 tháng 9, Hy Lạp đã thông báo một kế hoạch mua vũ khí mới, bao gồm 18 chiếc Rafales mới và đã qua sử dụng; 4 khinh hạm và 4 trực thăng chống tàu ngầm. Hy Lạp cũng có khả năng sẽ nhận được 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sau năm 2025.

Bộ Quốc phòng nước này cũng sẽ tuyển dụng 15.000 binh sĩ trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ việc chuyên nghiệp hóa quân đội Hy Lạp.

Thế nhưng, quan trọng hơn là Athens đã thành lập một Bộ chỉ huy tác chiến liên hợp đặc biệt mới cho các đơn vị tinh nhuệ của Hy Lạp hoạt động chủ yếu ở vùng Biển Aegean.

Trong những diễn biến mới nhất, Ankara tiếp tục thể hiện nỗ lực đạt được hòa bình thông qua đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh đối thoại nhằm đạt được sự chia sẻ công bằng các nguồn lực ở khu vực. Theo giới chức ngoại giao tại Ankara, các phái đoàn quân sự của cả hai bên đang tham gia một loạt các cuộc đàm phán kỹ thuật do NATO tổ chức kể từ ngày 10/9.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tho-lam-nong-cang-thang-dong-dia-trung-hai-3420488/