Thơ Hương Giang – Dòng dung nham của mùa thu

Gần đây, trên Facebook xuất hiện một giọng thơ khác lạ, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật giới thiệu với những người làm văn học nghệ thuật như thế. Đó là tác giả thơ trẻ có bút danh Hương Giang, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hương Giang. Hương Giang thuộc thế hệ 9X 'đời cuối', sinh năm 1997, hiện là sinh viên Học viện Puskin (Nga).

Nhà thơ trẻ Hương Giang

Nhà thơ trẻ Hương Giang

Tôi cũng mới biết Hương Giang qua giới thiệu của thi sỹ đàn anh Quảng Bình. Ông đọc thơ Hương Giang, giới thiệu thơ Hương Giang với tất cả sự trân quý. Trong một bài thơ, Hương Giang viết:

...

Như là mong đợi ngày ghép tạng các autograft cho trái đất

Một nửa trái tim phương Đông & một nửa trái tim phương Tây

(Đi tìm trái tim Đông Tây)

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật không ngần ngại đánh giá: “Hương Giang xem tình yêu là sự vị tha của thế giới”. Trước sự “hỗn loạn”, tất thảy đang được chứng kiến, tôi nhớ một lần nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có commet/ bình luận trong một status/ dòng trạng thái của tôi là “Con người đang ngày càng rời xa cái đẹp”. Đáng sợ! Vâng, để níu kéo lại cái đẹp, chỉ có tình yêu, tình yêu giữa con người, tình yêu thiên nhiên, môi trường nơi mình đang sống và tình yêu với trái đất – một hành tinh sống mênh mông, nhưng cũng đang quá đỗi mong manh. Tôi cảm nhận được, “phương thuốc” cứu rỗi trong thơ Hương Giang.

Hôm nay là ngày đầu tháng 8, tháng mùa thu. Tôi đang có mặt tại Hà Tĩnh, quê hương của Hương Giang, nơi nữ sinh – tác giả trẻ này sinh ra, nơi đã trở thành một phần trong tâm hồn Hương Giang. Hà Tĩnh đang mưa to, chấm dứt “cơn khát” đằng đẵng.

Bảnh mắt ra, tôi vào Facebook và gặp ngay bài thơ “Dòng dung nham của mùa thu” trên trang cá nhân Hương Giang. Hương Giang viết bài thơ này lúc 03h00 sáng (giờ Moskva) trước khi đi vào giấc ngủ muộn. Lúc đó, nước Nga cũng đã sang ngày 01/8.

Dòng cảm xúc vẫn trong “trạng thái Hương Giang”, không tách mình ra thế giới:

anh nhìn cô gái ấy chứ không nhìn tôi

cô gái ngồi trên chiếc ghế gỗ mỏi mệt nhìn bầu trời tháng Tám

trong trái tim mọc một cụm nấm trắng

đóa ậm ự bung cánh

hình như mùa hè sắp chết phải không anh?

Mùa thu vàng nước Nga

Tôi có cảm giác như Hương Giang đang ngồi trên chiếc ghế bằng gỗ sồi, một mình bên bờ sông Neva. Làn gió băng qua sông “quất” vào Hương Giang từng lọn làm nữ sinh này bừng tỉnh, khi “nhìn bầu trời tháng Tám”. Tháng tám, làm con người nhớ bao sự kiện cách đây 75 năm. Trên đất Nga, càng khó quên. Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Ở Việt Nam, cách mạng tháng Tám dẫn đến sự ra đời của một nhà nước mới. Người Việt Nam, càng khó quên.

Những ngày mừng vui và bi thảm

Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử thứ nhất của Mỹ mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Điêu tàn và chết chóc.

Tôi nghĩ sau thi ảnh “một cụm nấm mùa thu” trong câu thứ ba của khổ thơ đầu, Hương Giang không nói về những cây nấm trong rừng, đang nhú và mùa thu người ta đi hái nấm. Và tôi hiểu vì sao “anh nhìn cô gái ấy chứ không nhìn tôi”, vì “cô gái ấy” đang nhớ lại, hoài niệm, nhức buốt về những ngày đã qua, lo lắng về những ngày sắp tới. Sự sống bây giờ không phải bị đe dọa bởi “cụm nấm mùa thu”, thi ảnh ám ảnh gợi cho con người nhớ đến “đám mây hình nấm” sau khi Mỹ thả xuống Nhật Bản hai quả bom nguyên tử. Nó đã mang khuôn mặt khác:

...

đóa ậm ừ bung cánh

có phải mùa hè sắp chết phải không anh?

Chính vì thế, trái tim nhà thơ trẻ Hương Giang, run lên trước những điều có thể xảy ra:

...

những thay đổi thật kinh

con kiến im lặng trong góc tối

trăm con mối gào lên

Tự nhiên tôi nhớ bài thơ “Đàn kiến” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và tiểu thuyết “Mối chúa” của nhà văn Tạ Duy Anh. Những “con kiến” không biết phải như thế nào, chỉ có “im lặng trong góc tối”, trong khi “trăm con mối” – tôi nghĩ phải hàng ngàn, hàng triệu con, trong đó có mối chúa “gào lên”. Gào để trấn an đàn kiến, vào gào lên vì số phận mình. Mối chỉ biết thương mối, dối lừa kiến.

...

hôm qua trên news feed xì xào một cái chết

họ nói để trân trọng mặt trời

để thất vọng mặt người

tôi nghĩ có ai đó đã hứa với cô ấy như anh đã từng hứa với tôi:

“anh sẽ quay về bên em khi anh đã đi rồi"

sự sống có thể mù

sao đêm vẫn sáng

cô ấy víu mây bằng mắt nắng

mây víu bầu trời víu vào chơi vơi

người bấu víu người...

Bây giờ “news feed” có thể rất nhiều, nhất là trong thời kỳ hội tụ công nghệ, không ai có thể độc quyền và ban ơn “news”. Nhiều cái chết, không chỉ là con người, mà chỉ riêng cây cỏ, có thể có một loài thực vật “đặc hữu” nào đó đã biến mất trong sinh thái, tại sao chỉ “xì xào”. Có nguyên nhân từ sự vô cảm của con người, từ chủ nghĩa vị kỷ trong thời đại mở lên ngôi. Thời đại ấy, đàn kiến vẫn bị bọn mối lừa dối, xem cái chết tự nhiên thế, hoặc cái chết để tế, “trân trọng mặt trời”. Không bọn mối nào nghĩ đến “thất vọng mặt người” đâu. Vì thế, tất cả đều bối rối “sự sống có thể mù/ sao đêm vẫn sáng”, tất cả víu vào nhau, vào “chơi vơi”.

Sông Nê va

Tại Hội nghị “Văn học nghệ thuật Bắc miền Trung 20 năm, những vấn đề lý luận và thực tiễn”, trong tham luận, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật viết: “Thế giới hoảng loạn vì đang bị mổ xẻ, rút ruột. Hết nạn dịch này đến nạn dịch khác. Hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Trái đất mang trong mình nỗi đau thương vong bệnh tật; đã tới lúc báo động để đi vào cuộc phẫu thuật, khâu nối, cứu rỗi chính mình”. Ông nói điều này như cung cấp cho người đọc pass để mở khóa thơ Hương Giang.

...

những âm dương bày ra trước mắt

thực ra để thắp lửa

ngọn lửa theo dấu môi trào lên miệng núi

dòng dung nham của mùa thu.

Tôi nghĩ “âm dương” mà Hương Giang nói đến ở đây không phải với tư cách là một cặp phạm trù trọng yếu của triết học cổ đại; mà nó là sự biệt ly, sự phá vỡ cân bằng trong chính con người và cuộc sống đương đại, trong những âm mưu và toan tính. Vì thế, biết bao lắng lo trở thành “ngọn lửa theo dấu môi trào lên miệng núi”. Và từ “miệng núi” trào lên “dòng dung nham của mùa thu”.

Lịch sử chỉ đúng với từng giai đoạn, nhưng không bao giờ mất đi. Ngày qua không trở lại, ngày mai chưa đến, nhưng giữa ngày qua – hôm nay – ngày mai luôn kết nối; cũng như quá khứ - hiện tại – tương lai luôn là một dòng chảy. Nhớ mùa thu đã qua, những sự kiện bi hùng cách đây 75 năm của loài người trong mùa thu ấy, để biết “thắp lửa” khát vọng, thành “dòng dung nham” làm cho mùa thu này và mùa thu mai sau trác tuyệt, làm cho cái đẹp luôn nảy nở, phồn sinh là nhiệm vụ của con người, vì mỗi con người và muôn người.

Hương Giang còn quá trẻ, nhưng đa diện về cách nhìn và nhận thức. Ngoài mảng thơ tình, Hương Giang còn có mảng thơ ẩn dụ thời cuộc, thời cuộc ẩn nấp sau những thi ảnh và vỉa tầng bài thơ. Tôi không muốn gọi thơ là tiền hiện đại, hiện đại hay hậu hiện đại như các nhà lý luận phê bình thơ chuyên nghiệp đã “tổng kết” để định danh thơ Hương Giang. Chỉ muốn nói rằng, Hương Giang đã cho thấy cách cảm, cách nghĩ, cách lắng lo và điều đó thể hiện trong thơ hoàn toàn mới. Đầy xa xót và trách nhiệm về cái đẹp, theo cách của Hương Giang/.

Ngày 01/8/2020

NĐH

Nguyên văn bài thơ:

DÒNG DUNG NHAM CỦA MÙA THU

Nguyễn Thị Hương Giang

anh nhìn cô gái ấy chứ không nhìn tôi

cô gái ngồi trên chiếc ghế gỗ mỏi mệt nhìn bầu trời tháng Tám

trong trái tim mọc một cụm nấm trắng

đóa ậm ự bung cánh

hình như mùa hè sắp chết phải không anh?

những thay đổi thật kinh

con kiến im lặng trong góc tối

trăm con mối gào lên

hôm qua trên news feed xì xào một cái chết

họ nói để trân trọng mặt trời

để thất vọng mặt người

tôi nghĩ có ai đó đã hứa với cô ấy như anh đã từng hứa với tôi:

“anh sẽ quay về bên em khi anh đã đi rồi"

sự sống có thể mù

sao đêm vẫn sáng

cô ấy víu mây bằng mắt nắng

mây víu bầu trời víu vào chơi vơi

người bấu víu người...

những âm dương bày ra trước mắt

thực ra để thắp lửa

ngọn lửa theo dấu môi trào lên miệng núi

dòng dung nham của mùa thu.

1/8/2020

NHG

Ngô Đức Hành

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tho-huong-giang-%E2%80%93-dong-dung-nham-cua-mua-thu-78445