'Thơ hóa' những kỷ vật kháng chiến

Nằm ở tầng trệt trong khu tập thể Nam Đồng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội), căn nhà của Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Tiến Ruyện khá chật hẹp.

Tuy nhà thấp nhỏ nhưng mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đặc biệt là những kỷ vật gắn bó với ông trong suốt quá trình chiến đấu được trưng bày như một phòng lưu niệm thu nhỏ. Điều thú vị là mỗi kỷ vật đều được chú thích bằng những câu thơ giản dị, dễ nhớ, khiến người xem rất thích thú.

Qua lời giới thiệu của ông Ruyện, các hiện vật được sắp xếp thành những chủ đề khác nhau: Kỷ vật của gia đình; kỷ vật cá nhân trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc; những món quà lưu niệm, phần thưởng đạt được. Tuy chỉ là hiện vật cá nhân nhưng đã khắc họa phần nào cuộc sống của một gia đình thuần nông có tinh thần cách mạng, luôn ủng hộ kháng chiến, phản ánh chân thực đời sống của người chiến sĩ lăn lộn trên nhiều chiến trường. Mỗi hiện vật đều ẩn chứa trong đó những câu chuyện cụ thể, sinh động. Có những kỷ vật đã qua hơn 60 năm vẫn được ông gìn giữ cẩn thận. Ông nhớ lại những ngày “Ra đi cầm súng đánh Tây/ Quần nâu nhất bộ mặc ngày giặt đêm”. Trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, Đỗ Tiến Ruyện là chiến sĩ của Trung đoàn 50 thuộc Khu Tả ngạn chiến đấu trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc. Chiến công đầu anh lính trinh sát Ruyện cùng đồng đội lập được là trận phục kích bắt sống tên quan ba và lính Pháp đi trên xe Jeep qua Hưng Yên. Mảnh dù là chiến lợi phẩm thu được trong dịp đó đã theo ông suốt chặng đường chiến đấu. Sau này giữ lại, ông đã đề thơ: “Phục đường Ba chín Hưng Yên/ Chặn xe bắt được một tên Tây xù/ Trên xe đầy ắp súng dù/ Dù hoa bịt mắt quân thù từ nay”.

 Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Tiến Ruyện giới thiệu với người xem những kỷ vật kháng chiến.

Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Tiến Ruyện giới thiệu với người xem những kỷ vật kháng chiến.

Tháng 4-1965, Đỗ Tiến Ruyện lại tiếp tục có mặt trong đội hình Sư đoàn 325 hành quân Nam tiến. Đây là chặng đường chiến đấu gian khổ, thời gian kéo dài nhất, do vậy ông có nhiều hiện vật hơn. Đó là “Mũ tai bèo trèo bao đồi núi/ Thay cho hộ chiếu đi khắp Đông Dương”; là “Bi đông đựng nước bên mình/ Hành quân xung trận đình huỳnh ta đi”; hay: “Võng anh là chiếc giường trưa/ Đêm nằm trở giấc võng chao như thuyền”. Bên những vật dụng trang bị cá nhân còn có cả những hiện vật là chiến lợi phẩm thu được của địch như: Bật lửa, xác máy bay, vải dù... Những quả bom, lựu đạn kẻ thù đã sử dụng reo rắc bao tội ác nhưng dưới bàn tay của người chiến sĩ quân giải phóng đã trở thành những vật dụng hữu ích: “Lựu đạn mỏ vịt thời Tây/ Tạo thành bật lửa truyền tay nhau dùng/ Đi đêm, hút thuốc, ngủ rừng/ Soi thư đọc vội cười rung đất hầm”...

Cầm trên tay chiếc lưỡi lê, ông Ruyện giới thiệu đây là vật dụng đa năng được trang bị cá nhân khi lắp vào súng là lưỡi lê, tháo ra làm dao găm hay kéo cắt dây thép gai. Tháng 12-1966, trong thời gian chiến đấu ở Đức Cơ (Gia Lai), khi đang là Chính trị viên Đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn 101, ông đã dùng vật dụng này để cắt dây thép gai trinh sát đồn bốt địch, sau đó rút về đơn vị an toàn, tạo thuận lợi cho đơn vị tiêu diệt địch.

Bên cạnh các kỷ vật còn có nhiều bức ảnh, tư liệu lịch sử ông thu thập được trên sách báo. Tất cả đều được chú thích, ép giấy bóng kính cẩn thận. Bà Đỗ Thị Ròn (vợ ông Ruyện) tâm sự: “Ông nhà tôi nâng niu từng kỷ vật như một phần của đời mình. Kể cả những hiện vật của bố, mẹ, vợ, con và các cháu đều được ông gìn giữ cẩn thận. Nhờ vậy con cháu trong nhà luôn trân quý những tình cảm, tâm huyết của ông gửi gắm trong đó, coi các hiện vật là tài sản chung của gia đình”. Là thương binh hạng 2/4, lại thêm tuổi già khiến sức khỏe suy giảm, thường xuyên đau yếu, ông cẩn thận phòng xa nên đã căn dặn con cháu bằng những lời lẽ hết sức cảm động: “Cha để lại cho các con những kỷ vật của ông bà, xương máu của đời cha, 3 cuộc chiến tranh xông pha bom đạn, đi khắp Đông Dương, tình bạn nghĩa đời...”.

Tủ lưu niệm với hàng trăm kỷ vật “biết nói” trở thành bài học sinh động trực quan để ông Ruyện giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, những hy sinh gian khổ mà ông đã trải qua, từ đó động viên con cháu cố gắng noi gương, phấn đấu tu dưỡng luyện rèn. Với tâm huyết của một cựu chiến binh có niềm đam mê với những kỷ vật kháng chiến, ông thường xuyên được các trường học trên địa bàn quận Đống Đa mời đến kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh. Mỗi khi đến với các cháu, ông lại mang theo một vài kỷ vật, bức tranh để minh họa cho câu chuyện thêm sinh động. Bước sang tuổi 90, tuy chân chậm, mắt mờ nhưng mỗi khi cầm những kỷ vật ấy, ông thấy rất phấn khởi, tự hào và thường kể lại một cách say sưa. Đồng đội, người thân biết ông có nhiều kỷ vật quý thường xuyên đến tham quan, nghe kể chuyện, ôn lại kỷ niệm chiến trường. Chính tình cảm và sự nhiệt thành của cựu chiến binh Đỗ Tiến Ruyện đã góp phần “truyền lửa” cho những người yêu mến kỷ vật kháng chiến, từ đó thêm tự hào về lịch sử hào hùng của quân đội và nhân dân Việt Nam.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tho-hoa-nhung-ky-vat-khang-chien-623963