Thơ Đường luật của hai tác giả nữ thời Lý*

Nhà Lý là triều đại mở đầu cho thời kỳ Độc lập Tự chủ ổn định, lâu dài của quốc gia Đại Việt, đồng thời cũng là triều đại phát huy những tiền đề văn học thành văn thời Đinh-Tiền Lê để định hình diện mạo nền văn học Việt Nam (với hai loại hình chủ yếu: văn học dân gian, văn học thành văn/văn học viết / với đội ngũ tác giả hữu danh, và những tác phẩm in ấn bằng giấy mực) trong suốt lịch sử hàng ngàn năm sau. Làm nên thành tựu đó, có sự đóng góp không nhỏ của nữ giới, tiêu biểu là hai nữ tác giả thơ Đường luật, là Lý Ngọc Kiều (một Ni sư với pháp danh là Diệu Nhân) và Nguyên phi Ỷ Lan – một Phật tử mộ đạo, Hoàng hậu của vua Lý Thánh Tông.

1. Thi sĩ - Ni sư Diệu Nhân (1041-1113)

Ni sư Diệu Nhân họ Lý, tên húy là Ngọc Kiều, là con gái đầu của Phụng Càn vương (tức Lý Nhật Trung, con trai vua Lý Thái Tông (1054-1072), người hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, lộ Bắc Giang (nay là huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Ngôi làng nơi Bà sinh ra nằm dưới chân núi Phật Tích có tiếng về Phật học xưa nay. Thủa nhỏ, Bà nổi tiếng với thiên tư hiền thục và thông minh, ngôn hạnh có phép tắc. Vua Lý Thánh Tông (ông nội) mang Ngọc Kiều vào cung nuôi dưỡng. Tới tuổi trưởng thành (15, 16), vua đem Ngọc Kiều gả cho người họ Lê, làm Châu mục châu Chân Đăng. Giữa lúc hương lửa đương nồng thì chống Bà qua đời. Kể rằng, một hôm, Bà than rằng: Ta nhìn thế gian này hết thảy sự vật đều như mộng ảo, huống hồ bọn vinh hoa nhất thời còn làm sao trông cậy ? Rồi Bà đem hết tư trang bố thí, cắt tóc xuất gia. Bà đến chùa do Thiền sư Chân Không (tên thật là Vương Hải Thiềm (1046-1100), người cùng làng Phù Đổng) trụ trì, xin chịu giới hạnh Bồ Tát, nghiên cứu về yếu lý tâm học. Bà được Thiền sư Chân Không chỉ bảo, cho đạo hiệu là Diệu Nhân và để trụ trì ở Ni viện. Sau khi sư Chân Không viên tịch, Bà kế tục sư phụ, trở thành người đứng đầu thế hệ thứ 17 dòng Thiền Nam phương. Ni sư Diệu Nhân mất ngày 1/6 năm Quý Tỵ, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ tư (tức ngày 15 tháng 7 năm 1113), thọ 72 tuổi. Tác phẩm của Bà chỉ còn lại 1 bài kệ “Sinh lão bệnh tử” nói về 4 nỗi khổ trong một đời người theo quan niệm nhà Phật. Bài “Sinh lão bệnh tử”:

Sinh lão bệnh tử

Tự cổ thường nhiên

Dục cầu xuất ly

Giải phọc thiêm triền

Mê chi cầu Phật

Hoặc chi cầu Thiền

Thiền, Phật bất cầu

(Đỗ) Uổng khẩu vô ngôn !

Dịch nghĩa:

Sinh, lão, bệnh, tử

Lẽ thường xưa nay vẫn thế.

Muốn cầu siêu thoát

Nhưng cởi trói cũng chính là buộc chặt thêm

Mê muội thì mới cầu Phật.

Nhầm lẫn thì mới cầu Thiền.

Chẳng cần Thiền, chẳng cần Phật

Mím mồm lại, không nói gì.

Dịch thơ (Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình):

Sinh, lão, bệnh, tử,

Lẽ thường tự nhiên.

Muốn cầu siêu thoát,

Càng trói buộc thêm.

Mê, phải cầu Phật,

Hoặc, phải cầu Thiền.

Chẳng cầu Thiền, Phật,

Mím miệng ngồi im.

Trước Ni sư Diệu Nhân trên dưới 10 năm, một nhà thơ – thiền sư đời Lý là Đào Thuần Chân (?-1101) đã nói đến vấn đề Sinh - Tử trong bài kệ “Thị đệ tử Bản Tịch” (Bảo học trò Bản Tịch). Dịch nghĩa:

Bản tính chân như thường không có tính

Làm sao có thể từng sinh diệt?

Thân thể là hiện tượng sinh diệt

Thể tính của hiện tượng chưa từng sinh diệt.

Dịch thơ (Đỗ Văn Hỷ):

“Chân tính” thường không tính

Sinh diệt có bao giờ

Thân là nguồn sinh diệt

Pháp tính vẫn như xưa.

Sư Thuần Chân cho rằng trong vũ trụ không có gì tồn tại độc lập, riêng biệt tuyệt đối. Tất cả đều tương đối như Có với Không, Sinh với Diệt, Niết bàn với Luân hồi.

Là một phụ nữ, đã trải qua đủ mọi cung bậc của tình yêu, sự đau khổ vì sự mất mát người chồng, chính vì vậy, cái nhìn Sinh – Tử của Ni sư Diệu Nhân tuy có điểm chung, nhưng có nét riêng biệt. Kể rằng, Bà tu luật hạnh Thiền học, được phép Tam ma địa (Samadhi) nổi tiếng là cự phách trong hàng Ni sư bấy giờ. Những người đến cầu học, Bà dạy họ tập luyện về môn Đại thừa. Bà nói:

“Nếu tự tính trở về được nguồn thì phép đi thẳng hay phép đi dần dần đều có thể nhập siêu được cả. Bà thường yên lặng, ghét thanh sắc và ngôn ngữ. Có người hỏi: “Hết thảy chúng sinh bệnh, cho nên ta cũng bệnh, tại sao Bà ghét thanh sắc?”. Bà thuật lời giáo lý rằng: “Ví bằng lấy sắc thấy ta, lấy thanh âm tìm ta, đấy là người thi hành tà đạo, không thể thấy được Như Lai”. Lại có người hỏi: “Ngồi tĩnh tọa làm gì?”. Bà đáp: “Bản lai không đi”. Lại hỏi: “Làm sao không nói?”. Bà đáp: “Đạo vốn không nói”. Qua đây có thể biết Ni sư Diệu Nhân xuất gia để tìm một Chân lý thực tiễn để trả lời cho cảnh ngộ vô cùng đáng thương của Bà (mất người yêu lý tưởng, chán trò đời biến đổi tang thương). Cảm nhận được sự đau khổ của bản thân, Bà đã tìm giải thoát cho đau khổ ở triết lý nhà Phật. Nhưng không phải theo con đường tiêu cực Tiểu thừa, mà Bà nghĩ ngay để con đường Bồ Tát Đại thừa “Tự giác giác tha” lấy Tình yêu và Trí tuệ làm lẽ sống. Từ kinh nghiệm ở trường đời của mình, Bà biết kết hợp hài hòa / dung hợp uyển chuyển giữa Trí tuệ với Tình yêu, không cường điệu quá một Tình yêu (dễ đưa người ta đến bảo thủ), cũng không đề cao quá Trí tuệ (hay đưa người ta đến khách quan lạnh lung). Chính vì vậy, Ni sư Diệu Nhân đã giải quyết vấn đề Sinh – Lão – Bệnh – Tử theo cảm quan và giác ngộ của mình. Bà cho Sinh – Lão - Bệnh - Tử là cái lẽ thường niên trong thực tại sống động “tự nhiên nhi nhiên”, có Sinh có Diệt:

“Sinh, lão, bệnh, tử

Lẽ thường tự nhiên”.

Vì vậy ai đó “Muốn cầu siêu thoát” thì lại “Càng trói buộc thêm”. Bà bảo:

“Mê, phải cầu Phật

Hoặc, phải cầu Thiền”.

Nghĩa là “mê” / “ngu mê”, “mê muội” nên cầu sức Từ bi của Phật để giải thoát (có thể hiểu ý này như sau: Bồ Tát là hiện thân của lòng từ bi bác ái, tức là Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn”. Và “hoặc” / “ngờ vực” hoài nghi thiếu đức tin thì phải cầu đến Thiền (ý Bà là phải tu sửa ý thức (của mình) để thực nghiệm chân lý). Xưa nay, ai cũng biết, cầu Thiền là cầu “tri”, cầu Phật là cầu “hành”. Nhưng với Bà, Bà: “Chẳng cầu Thiền, Phật” chỉ “Mím miệng ngồi im”.

Tại sao vậy?

Bởi theo Bà, ở đời có Sinh có Tử, Sinh - Lão - Bệnh - Tử là việc thường nhiên / “tự nhiên nhi nhiên” (ai ai cũng phải trải qua) trong một thiên nhiên biến đổi. Cầu Phật, cầu Thiền để kéo dài sự Sống (bất tử), để “hết” 4 nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử là việc không tưởng. Cứ sống tự nhiên nhi nhiên: Con người ai cũng đến lúc già, có Sinh (tất) có Tử (không cưỡng được). (chẳng may) Có bệnh thì chữa trị mà sống (chữa đến mức “còn nước còn tát”), không chữa được (nan y) thì vui vẻ chết (sống chết có số). Không cần phải bận tâm quá. Cho nên “đạo bản vô ngôn” - “Mím miệng ngồi im” - im miệng không thuyết lý suy luận ngụy biện. Bởi vì:

“Sinh, lão, bệnh, tử,

Lẽ thường tự nhiên.

Muốn cầu siêu thoát,

Càng trói buộc thêm”.

Một triết lý hết sức đúng đắn, sâu sắc, có giá trị Thức tỉnh những ai vẫn còn “mê”, “hoặc” đắm chìm trong cầu xin mà không hành động để tự giải thoát cõi mê !

2. Thi sĩ - Nguyên phi Ỷ Lan (?-1117)

Đền chính thờ Nguyên Phi Ỷ Lan với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa nhà Lý. Nguồn: VOV

Tên thật và năm sinh của thi sĩ - Nguyên phi Ỷ Lan hiện chưa rõ, chỉ biết bà xuất thân trong một gia đình nông dân ở hương Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Nhân một chuyến tuần du đến Thổ Lỗi, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) bắt gặp bà đang hái dâu. Trong lúc mọi người đi xem xa giá của vua thì bà vẫn đứng dựa cây lan mà hát. Vua lấy làm lạ, cho vời tới hỏi, sau đó đón vào cung lập làm phu nhân, đặt hiệu Ỷ Lan (dựa gốc cây lan), rồi lại phong là Linh Nhân. Với cương vị Nguyên phi, bà đã 2 lần nhiếp chính. Lần đầu, Bà thay vua lo việc nội trị trong thời gian vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (năm 1069). Lần nhiếp chính thứ hai xảy ra sau khi vua Lý Thánh Tông mất vào năm 1072, Bà phải lèo lái chính quyền nhà Lý, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống thắng lợi (năm 1076), cứu nguy cho chủ quyền dân tộc. Thái hậu Ỷ Lan không chỉ có công sinh mà có công rất lớn trong việc dưỡng dục, đào tạo được một Minh quân cho đất nước - vua Lý Nhân Tông. Bà còn bỏ tiền trong nội phủ ra chuộc những người con gái nhà nghèo phải đi ở đợ rồi gả cho những người chưa vợ. Dân gian sùng đạo Phật, tôn bà là “Quan Âm”. Bà cũng là người mộ đạo Phật, từng đi du ngoạn nhiều nơi để tìm cảnh đẹp rồi cho xây tháp, dựng chùa. Vào những năm cuối đời mình, bà vẫn không quên chú ý tới đời sống của dân chúng. Trước khi mất vài ba tháng, bà còn khuyên vua ra lệnh cấm lệ giết trâu bò bừa bãi để dân đủ trâu cày, thoát khỏi tình trạng mấy nhà cày chung một con trâu. Nguyên phi Ỷ Lan mất ngày 25 tháng 9 năm Đinh Dậu, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 8, tức ngày 22 /11/1117. Tác phẩm để lại của Nguyên phi - Thi sĩ Ỷ Lan còn 01 bài kệ có tiêu đề “Sắc Không” (Sắc và Không).

Sắc thị Không, Không tức Sắc

Không thị Sắc, Sắc tức Không

Sắc, Không câu bất quản

Phương đắc khế chân tông.

Dịch nghĩa:

Sắc là Không, Không

tức là Sắc

Không là Sắc, Sắc tức là Không.

Sắc, Không đều chẳng vấn vương gì

Thì mới khế hợp được với chân tống !

Dịch thơ (Hoa Bằng):

Sắc là không, không tức sắc,

Không là sắc, sắc tức không.

Sắc không đều chẳng quản

Mới khế hợp chân tông.

Sắc – Không / Có - Không - một vấn đề cũng hắc búa không kém vấn đề Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Trước bà Ỷ Lan, đã có nhiều nhà thơ Đường luật, đặc biệt là những nhà sư thời Lý đã đề cập đến và đưa ra hướng giải quyết của mình. Ví như:

- Nhà sư Viên Chiếu (999-1091) trong bài “Tâm không” (Cái Tâm là Không). Dịch nghĩa:

Thân thể người ta như tường vách đến lúc đổ nát,

Tất cả người đời đều vội vã, ai mà chẳng buồn.

Nhưng nếu nhận thức được rằng cái tâm là không, sắc tướng cũng là không,

Thì “sắc” với “không”, khi ẩn khi hiện, mặc nó đổi dời.

Dịch thơ (Ngô Tất Tố):

Thân như tường vách đã lung lay,

Lật đật người đời, những xót thay.

Nếu được “lòng không” không tướng sắc

“Sắc” “Không”, ẩn hiện, mặc vần xoay.

- Thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1117) - một Thiền sư sống (và chết) cùng thời với Ỷ Lan, có bài “Hữu không” (Có và Không):

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu, không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

Dịch nghĩa:

Bảo là “có” thì từ hạt cát, mảy bụi đều Có,

Cho là “Không” thì hết thảy đều Không.”

Có” với “Không” như ánh trăng dưới nước,

Đừng có bám hẳn vào cái “Có” (và cũng) đừng cho cái “Không” là “không”.

Dịch thơ (Huyền Quang):

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vừng trăng vằng vặc in sông,

Chắc chi có có, không không mơ màng.

Hai chữ “Sắc” – “Không” là thuật ngữ Phật giáo, là hai từ mang ý nghĩa khác nhau.

“Sắc” đứng đầu trong năm nhóm hợp thể hay Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Uẩn thứ nhất gọi là sắc uẩn bao gồm tứ đại là đất, nước, lửa, gió, và những gì từ bốn đại này tạo ra như năm căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, hay năm cảnh như hình dáng, âm thanh, mùi vị, sờ mó, ý thức. Nói tóm lại, tất cả thế giới vật thể, nội tâm hay ngoại giới, đều bao gồm trong sắc uẩn.

Trái lại, chữ “Không” là đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo thuộc hệ Bát nhã của Trung quán tông. Nhìn xem vạn vật hay con người trong thế giới hiện tượng, chúng ta thấy chúng đều hỗ tương tồn tại theo lý duyên khởi nên bản thân chúng là Không, trong nghĩa không có gì biệt lập mà có thể tồn tại (ví như cây lúa tự nó không thể tồn tại biệt lập, mà còn phải nhờ các duyên chung hợp mà ra, như đất, nước, nắng và thời tiết thì mới hiện hữu như một cây lúa để cho ta gạo). “Không” ở đây mang nghĩa vô tự tính, không có tự tính, gọi là Tính Không, xuất phát từ giáo lý Vô Ngã. Tính Không chính là sự khai triển lý duyên khởi, tương duyên tương sinh, yếu tính của đạo Phật.

Trong bài thơ “Sắc và Không” rõ ràng Nguyên phi Ỷ Lan đã phân biệt được 2 khái niệm cơ bản của Phật giáo: “Sắc” và “ Không”, và nêu quan điểm/thái độ của Bà (và cũng là lời khuyên chúng sinh): Sắc, Không đều chẳng vấn vương gì (thôi mặc cả) thì mới Thấu được chân tông !

Lời kết:

Trong đội ngũ gần 70 tác giả hữu danh của văn học thời Lý, hai bóng hồng trong đội ngũ ấy thật ít ỏi, nhỏ nhoi. Nhưng, đó là Của Hiếm, Của Độc, là Của Quý. Bởi, sự xuất hiện của Hai Bà đặt ra một số vấn đề: Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ (hơn 3%), nhưng hai nữ tác giả này có vai trò và vị trí rất quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, lịch sử phụ nữ Việt Nam nói chung và lịch sử văn học Việt Nam nói riêng. Sống trong xã hội phong kiến ở Việt Nam mang định kiến nặng nề với phụ nữ - tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, giới nữ không bao giờ được bình đẳng với nam giới, kể cả việc học hành, thi cử. Xã hội phong kiến không cho họ quyền học hành, được tham gia thi cử sòng phẳng với đấng mày râu, mặc dù họ - phụ nữ Việt Nam thông minh, trí tuệ không kém nam giới. Việc ở thời Lý xuất hiện hai nữ thi sĩ đều thuộc giới quyền quí, nhưng lại làm thơ Đường luật hay ngang ngửa (nếu không muốn nói có phần hơn) những nhà thơ Đường luật nam giới cùng thời, là chuyện lớn, chuyện kỳ diệu mà chỉ có một xã hội đang sống trong Hùng ca “Nam quốc sơn hà” mới dung dưỡng được. Hai Bà đều đã học chữ Thánh hiền – thứ chữ ngoại lai, thủa đó xã hội phong kiến cấm không cho học. Và, sử dụng thứ chữ đó để làm thơ Đường luật, thì phải nói Hai bà – là những phụ nữ Ngoại hạng. Và, cũng chỉ trong xã hội mà Phật giáo là Quốc giáo, mới dung dưỡng Hai Bà như vậy.

Hai Bà là tấm gương mở đường cho Phụ nữ Việt Nam học hành, thi thố chữ nghĩa với nam giới. Bởi, sau Hai bà, phải đến cuối thế kỷ 16- đầu thế kỷ 17, Việt Nam ta mới xuất hiện vị nữ Tiến sĩ Nho học đầu tiên – Nguyễn Thị Duệ - “Bà chúa Sao” - người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời đại phong kiến nước nhà.

Với vị trí là những Nữ văn sĩ đầu tiên của phụ nữ Việt Nam viết văn làm thơ, Hai Bà đã đặt một móc son chói lọi trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam. Đội ngũ tác giả văn học là nữ giới ngày nay vô cùng đông đảo, có nhiều tác phẩm đỉnh cao, có công mở đầu và soi sáng của Hai Bà.

Hai Bà đã góp phần làm Rạng danh Phụ nữ Việt Nam.

-----------------------

* Bài viết sử dụng tư liệu trong sách “Thơ văn Lý – Trần”, Tập 1, Ủy ban KHXH Việt Nam - Viện Văn học – Nxb KHXH, H, 1977, sẽ tham luận tại Hội thảo thơ Đường luật thời Lý trong thời gian tới tại Bắc Ninh.

Đặng Thị Ngọc Vân, PGĐ Trung tâm NCBT&PH văn hóa dân tộc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tho-duong-luat-cua-hai-tac-gia-nu-thoi-ly-71331