Thơ Đường luật của các Thiền sư thời Lý*

Nhà Lý là triều đại mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ, ổn định, lâu dài của dân tộc ta. Tồn tại 216 năm (từ năm 1010 đến năm 1225), trải qua 9 đời vua (mở đầu là vua Lý Công Uẩn, kết thúc là Lý Chiêu Hoàng), Nhà Lý là một trong những vương triều phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Làm nên thành tựu lớn lao đó, có sự đóng góp không nhỏ của những nhân tài Phật giáo – những vị Thiền sư – những trí thức tinh hoa của thời đại ấy. Họ không chỉ đóng góp trí tuệ, công sức trong việc kiến tạo vương triều Lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy những thành quả của nhà Lý trong suốt nhiều năm sau đó, mà còn là lực lượng chủ yếu đặt nền móng xây dựng và phát triển văn hóa, đặc biệt là văn học thời Lý. Trong việc xây dựng và phát triển văn học thời Lý ấy, sự đóng góp nổi bật nhất, thành tựu to lớn nhất của các tác giả - thiền sư thời Lý là ở mảng/loại hình thơ Đường luật. Điều này thể hiện trên một số phương diện sau:

Thứ nhất, về đội ngũ tác giả:

Trong số 57 tác giả hữu danh có tác phẩm in trong sách “Thơ văn Lý - Trần” (Ủy ban KHXH Việt Nam – Viện Văn học – Nxb KHXH, H, 1977, Tập 1), có đến 39 tác giả (chiếm 70%) là nhà sư / thiền sư. Đứng đầu đội ngũ thiền sư - tác giả thơ Đường luật thời Lý ấy là Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018). Ông không chỉ là người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua khai mở triều Lý bởi những sáng tác thơ Đường luật (thể sấm) từ thời Lê Sơ, mà còn là người khai mở thơ Đường luật, cũng là khai mở văn học thành văn thời Lý. Điều đặc biệt nữa là, trong 39 thiền sư - tác giả thơ Đường luật thời Lý ấy có Một người là nữ - Ni sư Lý Ngọc Kiều (pháp danh là Diệu Nhân). Và, vinh hạnh thay, Bà cũng là Một trong Hai Nữ tác giả văn học Đầu tiên trong lịch sử văn học thành văn Việt Nam.

Những con số trên thật ấn tượng !

Thứ hai, về số lượng tác phẩm:

Do nhiều nguyên do khác nhau, mà nguyên do chủ yếu là chiến tranh, di sản văn học viết thời Lý hiện còn, được tập hợp in thành sách không nhiều. Đúng như nhà thơ Lý Tử Tấn sống vào giữa thế kỷ XV, nhận định: “Phần còn lại chỉ là một, hai trong trăm ngàn phẩn” những sáng tác của các nhà văn thời Lý. Những tác phẩm thơ Đường luật của các Thiền sư thời Lý cũng chịu chung số phận như vậy. Tuy thế, với số lượng tác giả là nhà sư/thiền sư chiếm số lượng lớn nói ở trên, không khó hiểu khi số lượng tác phẩm (để lại được tập hợp trong sách Thơ văn – Lý-Trần) của các tác giả là nhà sư cũng chiếm số lượng nhiều nhất. Cụ thể, trong 109 tác phẩm thành văn ở cả hai loại hình văn và thơ, tác phẩm của các nhà sư chiếm số lượng nhiều hơn, với 67 tác phẩm (trên 60%). Trong số 67 tác phẩm văn học ấy, đa số các tác phẩm thuộc loại hình thơ ca (có 59 tác phẩm, chiếm gần 90%), số tác phẩm thuộc loại hình văn (bài văn ngắn và bi ký) chỉ có 08 tác phẩm. Căn cứ vào nội dung tác phẩm, thơ ca thời Lý có 4 thể chủ yếu, là: thơ sấm vĩ, thơ suy lý, thơ trữ tình, thơ tự sự. Có một điểm chung là, để chuyển tải nội dung trên, các nhà thơ – thiền sư thời Lý đều sử dụng / vận dụng hình thức / vỏ là thơ Đường luật (đương nhiên là viết bằng chữ Hán). Như vậy, 59 tác phẩm thơ ca (thơ, kệ) của các nhà thơ-thiền sư thời Lý là thơ Đường luật Việt Nam. Trong di sản thơ Đường luật của các Thiền sư thời Lý ấy, có một số tác phẩm như: Bài thơ “Thị đệ tử” (Bảo với đồ đệ) của Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018), bài thơ “Đáp nhân tri túc chi vấn” (Trả lời người hỏi về hai chữ “Tri túc”) của nhà sư Nguyễn Trí Bảo (?-1190), bài kệ “Hưu hướng Như Lai” (Đừng theo bước Như Lai) của Thiền sư Nguyễn Quảng Nghiêm (1122-1191), bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) của Đại sư Mãn Giác (1052- 1096),… được đánh giá là những tác phẩm đỉnh cao của văn học thời Lý.

Thứ ba, về nội dung tác phẩm:

Những thiền sư - nhà thơ Đường luật thời Lý quan tâm, phản ánh trong các tác phẩm của mình hầu hết mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, hùng cường, ổn định, lâu dài. Song, một mảng đề tài lớn, một xu hướng sáng tác nổi bật nhất của các thiền sư - nhà thơ Đường luật đời Lý (qua những tác phẩm thơ Đường luật để lại nói đến trên đây) là mảng đề tài về Con Người trong sự chi phối / ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và trong mối quan hệ Tam giáo: Phật - Lão - Nho. Phật giáo là tôn giáo ngoại lai, từ bên ngoài truyền vào nước ta từ lâu, đến thời Lý nó đã “cắm rễ” sâu bền, và đã trở thành Quốc giáo. Nhưng những vấn đề cơ bản nhất của Phật giáo (cũng là vấn đề của không riêng Phật giáo), như: “sống - chết”, “sinh-lão-bệnh-tử”, “sắc - không”, “xuất thế - nhập thế”, “tâm – pháp”, “niết bàn”,…là gì vẫn chưa phải là đã được những người theo đạo Phật và xã hội thấu đạt. Để làm sáng tỏ những phạm trù đó, đồng thời để tháo gỡ những băn khoăn, cũng là những cản trở con đường đến với “giác ngộ”, “giải thoát”, “niết bàn”,…của phật tử, nhiều vị thiền sư đã đưa ra những kiến giải của mình. Và, thật cao siêu, những kiến giải mang tính triết lý đó phần lớn được các nhà sư chuyển tải dưới dạng thơ ca theo thể Đường luật.

Trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ xin đi vào tìm hiểu vấn đề “sống - chết”, “sinh - lão - bệnh - tử” qua một số tác phẩm của các thiền sư – nhà thơ Đường luật thời Lý. Không chỉ trong thời hiện đại mà trước đó, đã có không biết bao người đã hỏi một câu hỏi: “Sống tự đâu đến, chết đi về đâu?” (Sinh tòng hà lai, tử tòng hà khứ?). Là những phật tử, các thiền sư – nhà thơ Đường luật thời Lý cũng đau đáu đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn đó. Và, rất nhiều người trong số họ đã đưa ra câu trả lời; trong đó, phần lớn những câu trả lời này hiện vẫn được những học giả đương đại tan đồng và quảng bá.

Thiền sư – nhà thơ Đường luật đầu tiên ở đời Lý nói đến vấn đề sinh – tử trong thơ là nhà sư Đào Thuần Chân (?-1101). Vấn đề này được Ngài đưa ra khi sắp viên tịch, qua bài kệ “Thị đệ tử Bản Tịch” (Bảo học trò Bản Tịch).

Dịch nghĩa:

Bản tính chân như thường không có tínhLàm sao có thể từng sinh diệt?Thân thể là hiện tượng sinh diệtThể tính của hiện tượng chưa từng sinh diệt.

Dịch thơ (Đỗ Văn Hỷ): “Chân tính” thường không tínhSinh diệt có bao giờThân là nguồn sinh diệtPháp tính vẫn như xưa.

Qua bài kệ trên, ta có thể thấy nhà sư Thuần Chân cho rằng trong vũ trụ không có gì tồn tại độc lập, riêng biệt tuyệt đối. Tất cả đều tương đối như “có” với “không”, “sinh” với “diệt”, “niết bàn” với “luân hồi”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục khi đọc bài thơ trên của Thuần Chân, cho rằng: Chừng nào còn đi tìm “niết bàn” là vì còn ở trong “luân hồi”, đến khi đạt đến “niết bàn” thực sự rồi thì “luân hồi” cũng mất theo. Đấy là tùy theo quan điểm nhìn vậy. Ở trong cái ý thức thuần lý thì có “vật” và “ngã” là hai lưỡng nguyên, vượt lên ý thức trực giác hợp cả tình lẫn lý thì “vật” mất mà “ngã” cũng mất. (Nguyễn Đăng Thục – Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận hóa, 1997, tr 310).

Không lâu sau sư Thuần Chân, nữ thi sĩ đầu tiên của văn học Việt Nam - Ni sư Diệu Nhân (1041-1113) đã đặt ra và giải quyết trực điện vấn đề sinh - lão - bệnh - tử ngay từ tên một bài kệ là “Sinh lão bệnh tử”:

Sinh lão bệnh tửTự cổ thường nhiênDục cầu xuất lyGiải phọc thiêm triềnMê chi cầu PhậtHoặc chi cầu ThiềnThiền, Phật bất cầu(Đỗ) Uổng khẩu vô ngôn!

Dịch nghĩa:

Sinh, lão, bệnh, tửLẽ thường xưa nay vẫn thế.Muốn cầu siêu thoátNhưng cởi trói cũng chính là buộc chặt thêmMê muội thì mới cầu Phật.Nhầm lẫn thì mới cầu Thiền.Chẳng cần Thiền, chẳng cần PhậtMím mồm lại, không nói gì.

Dịch thơ (Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình):

Sinh, lão, bệnh, tử,Lẽ thường tự nhiên.Muốn cầu siêu thoát,Càng trói buộc thêm.Mê, phải cầu Phật,Hoặc, phải cầu Thiền.Chẳng cầu Thiền, Phật,Mím miệng ngồi im.

Qua bài thơ này ta có thể thấy, Ni sư Diệu Nhân cho rằng sinh – diệt là cái lẽ thường niên sống động “tự nhiên nhi nhiên”, có sinh, có diệt, không nên quá chú tâm hay quá lo sợ về điều đó. Đừng cho sinh – lão - bệnh - tử là những nỗi khổ trong một đời người. Thái độ “Mím miệng không nói” trước sự sinh – sự tử thể hiện sự bình thản, không đau đáu vào đấy, nhưng cũng không quay đi. Đó là một triết lý thường nhiên để thích ứng với thiên nhiên.

Đồng quan điểm với Ni sư Diệu Nhân, sư Vạn Trì Bát (1049-1118) cũng cho rằng sinh - tử là lẽ tất nhiên của sự vật, không nên ngạc nhiên hay thắc mắc, đừng quan tâm vô ích. Ông nói rõ quan điểm ấy trong lời kệ “Hữu tử tất hữu sinh” trước khi nhập tịch:

Hữu tử tất hữu sinhHữu sinh tất hữu tửTử vi thế sở biSinh vi thế sở hỷBi hỷ lưỡng vô cùngHốt nhiên thành bỉ thửƯ chư sinh tử bất quan hoàiÚm tô lô tất lý!

Dịch nghĩa:

Có chết tất có sốngCó sống tất có chếtChết thế gian khócSống thế gian mừngKhóc mừng đều vô cùngBỗng nhiên phân kia khácSống chết chẳng quan hoàiUm tô lô tất lại ! ! !

Thiền sư Bảo Giác (? – 1173) khi truyền tâm ấn cho Thiền sư Tĩnh Giới có cùng quan điểm với sư Vạn Trì Bát, cũng cho vấn đề sinh - tử là lẽ tất nhiên của sự vật, người ta quan tâm đến vô ích: “Sinh, lão, bệnh, tử là cái lẽ thường nhiên ở đời, riêng ta làm sao mà thoát khỏi được”. Ông để lại bài kệ “Qui tịch” (Trở về cõi tịch mịch).

Dịch nghĩa:

Muôn vàn hiện tượng trở về với cái không, không nơi nương tựaTrở về cõi tịch mịch thì chân như là cơ trước mắtCái tâm đạt ngộ đã viên mãn không thể chỉ ra được(Quan niệm) cái tâm như ánh trăng ở trong nước (chính là phương pháp để ) gạt bỏ cái tâm.

Dịch thơ (Đỗ Văn Hỷ):

Muôn pháp về không, không tựa nương,Chân như trước mắt, một con đườngCái tâm liễu ngộ khôn nơi chỉNhư bóng trăng nằm đáy đại dương.

Qua tác phẩm này, nhất là hai câu cuối, ta thấy nhà thơ đã giác ngộ cái lẽ thường niên qua thiên nhiên như “Thủy nguyệt, nguyệt tâm” / “Trăng nước, trăng tâm” đến thực tại sống động “tự nhiên nhi nhiên” như Ni sư Diệu Nhân đã nói đến ở trên. Nước là nước (là có thật), còn “tâm” chỉ là bóng trăng dưới nước (“tâm” là không có). Thái độ đó cho thấy Thiền sư Bảo Giác đã đạt tới một cảnh giới viên mãn của “tâm”, như trăng chìm vào nước, đáy nước tìm trăng, không tìm thấy cái ý nghĩa hợp lý tương đối của tâm nữa. Thiền sư Giới Không (? - ?) cho rằng sự vật trên đời đều là hư ảo như ánh sao ở trong mâm nước, không nên cho đó là thật. Điều này được ông thể hiện (đọc) qua bài thơ “Sinh tử” (sống chết) trước khi mất:

“Ngã hữu nhất sự kỳ đặcPhi thanh, hoàng, xích, bạch, hắcThiên hạ tại gia, xuất giaThân sinh ố tử vi tặcBất tri sinh tử dị lộSinh tử chỉ thị thất đắcNhược ngôn sinh tử dị đồTrám khước Thích Ca, Di LặcNhược tri sinh tử, tử sinhPhương hội lão tăng xứ nặcNhữ đẳng hậu học môn nhânMạc nhận bàn tinh quỹ tắc.

Dịch nghĩa:

Ta có một việc rất lạ lungKhông phải xanh, vàng, đỏ, trắng, đenTrong thiên hạ kẻ tại gia cũng như xuất giaHam sống sợ chết ấy là giặcKhông biết rằng sống chết (tuy là) hai đường khác nhauNhưng (chẳng qua) cũng chỉ là sự mất, sự được đó thôi.Nếu nói sống chết là hai đường khác nhauẤy là lừa dối cả Thích Ca và Di LặcNếu biết được sống là chết, mà chết cũng là sốngThì mới lĩnh hội được chỗ sâu kín của ta.Các ngươi, những học trò theo học taĐừng cho quỹ tắc của bóng sao trong mâm là thật.

Dịch thơ (Băng Thanh):

Ta có một việc này rất lạChẳng phải xanh, vàng, đen, trắng, đỏ,Thiên hạ tại gia và xuất gia “Tham sinh, ố tử” là giặc đó!Biết đâu sinh tử tuy hai đường,Nhưng cũng chỉ là sự “mất”, “có”.Nếu bảo sinh tử thực khác nhau,Là lừa Di Lặc và Phật tổ.Muốn hiểu ý ta, chỗ kín sâu,Phải rõ: tử sinh là sinh tửĐệ tử, các ngươi, người học sau,Chớ nhận lầm bóng sao, quỹ độ.

Tạo hóa có sinh có diệt. Sinh – lão – bệnh – tử là cái lẽ tự nhiên sống động ai sinh ra cũng phải trải qua. Ở đời ai ai cũng phải (đến lúc) chết, không ai có thể thoát được. Đó là nhận thức / quan niệm đúng đắn ta thấy qua những bài thơ của các tác giả là thiền sư đề cập đến trên đây. Nhận thức đúng, đã là tốt lắm rồi. Nhưng vấn đề của thời đại đặt ra là từ nhận thức đúng đắn ấy, phải chỉ ra được / phải làm cho những người đang ở “cõi mê” ấy con đường để giải thoát khỏi cõi u mê / lầm lạc/nhận thức chưa đúng ấy, để tiếp tục sống, để đón nhận một cách bình thản cái chết. Qua những tác phẩm trên, ta mới chỉ thấy các nhà thơ mới chủ yếu nêu lên nhận thức / cách hiểu / quan niệm (đúng đắn) của mình về sinh – tử, mà chưa đưa ra được cái cách / hướng dẫn người ta chế ngự nỗi lo buồn, sự sợ hãi hay quan tâm, vướng bận quá mức về sinh – lão - bệnh - tử.

Như để khắc phục những hạn chế ấy, cũng bàn về vấn đề sinh – tử, song một số thiền sư- nhà thơ Đường luật thời Lý đã đưa ra hướng / cách làm thế nào để giải thoát khỏi cái bể khổ âu lo về sinh – tử một cách rất tích cực. Người đầu tiên đưa ra quan niệm nhân sinh tích cực, lạc quan trước cuộc sống là Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018). Ông cho rằng mọi vật, mọi việc trên đời luôn luôn biến động, vô thường. Con người cũng không thoát khỏi lẽ vô thường ấy được. Đời người ngắn ngủi, là “có” mà cũng là “không”; là có sinh (tất) có tử. Đời người chỉ đáng coi là một ánh chớp rất ngắn ngủi, trong đó sự thịnh hay sự suy cũng mong manh và nhỏ nhoi như giọt sương bám ở đầu ngọn cỏ kia. Nhưng có nhiều người do không hiểu cái lẽ “tự nhiên nhi nhiên”, là sự tất yếu của pháp tướng ấy đã muốn có sự vĩnh hằng, ổn định cho nên mới đau khổ, sợ hãi. Để tránh đau khổ, để vượt qua nỗi sợ hãi ấy, Thiền sư Vạn Hạnh cho rằng con người ta phải “nhậm vận” - mặc cho vận đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy”. Tư tưởng triết học ấy của Vạn Hạnh thể hiện trong bài “Thị đệ tử” (Bảo với đồ đệ):

Thân như điện ảnh hữu hoàn vôVạn mộc xuân vinh thu hựu khôNhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa:

Người đời như bóng chớp, có rồi không,Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo.Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi,Vì sự thịnh suy (cũng mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ.Dịch thơ (của Ngô Tất Tố):Thân như bóng chớp Có rồi Không,Cây cối xuân tươi, thu não nùngMặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãiKìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

Không chỉ cùng quan niệm nhân sinh tích cực, lạc quan trước cuộc sống của Thiền sư Vạn Hạnh, gần 100 năm sau, Thiền sư Nguyễn Quảng Nghiêm (1122-1191) mạnh mẽ hơn, thúc giục những đấng nam nhi: “Nam nhi tự mình có cái chí tung trời / Đừng đi theo bước của Như Lai”. Điều này thể hiện trong bài kệ “Hưu hướng Như Lai” (Đừng theo bước Như Lai) để lại lúc sắp thị tịch:

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứSinh vô sinh hậu thuyết vô sinhNam nhi tự hữu sung thiên chíHưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Dịch nghĩa:

Thoát ly được (lòng ham muốn đi vào) Niết bàn mới có thể bàn tới chuyện đi vào Niết bàn,Sau khi sinh vào cõi vô sinh mới nên nói vô sinh.Nam nhi tự mình có cái chí tung trời,Đừng đi theo bước của Như Lai.

Dịch thơ (Nguyễn Đức Vân – Đào Phương Bình):

Thoát tịch diệt xong, (hãy) bàn tịch diệtSau vô sinh, (rồi) hãy nói vô sinhLàm trai lập chí xông trở thẳmTheo gót Như Lai luống nhọc mình.

Ngay từ tiêu đề bài thơ, nhà thơ đã khuyên (đệ tử) “Đừng theo bước Như Lai”, và kêu gọi “Làm trai lập chí xông trời thẳm”. Có được Nhận thức ấy, chứng tỏ, tác giả đã thấu triệt vấn đề sống – chết (Liễu sinh tử). Ông hoàn toàn liễu ngộ, không còn phân biệt sống - chết như hai danh từ trừu tượng “có – không” nữa. Đừng quan tâm, đừng nói quá nhiều về sống – chết. Không như quan điểm của một số người muốn kéo dài mãi mãi sự sống của mình / bất tử để hưởng thụ; không như có người công phu tìm kiếm tiên dược để cầu trường sinh bất tử với thế gian này; cũng không run sợ trước cái chết, Thiền sư Quảng Nghiêm thúc giục người ta hãy phấn đấu, nỗ lực để biến đổi con người hiện lại thành con người khác: “Làm trai lập chí xông trời thẳm”. Và như thế phải bắt đầu phấn đấu từ cái vị trí cảnh ngộ hiện tại trở đi, nhẫn nại, can đảm, âm thầm, chớ nên mơ màng hướng theo chỗ Như Lai đi mà đi. Đó là lối sống tích cực, tinh thần Nhập thế mà nhà sư muốn truyền lại cho thời đại ông và hậu thế.

Mấy lời kết:

1. Văn học ở thời đại nào cũng là một bộ phận trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của thời đại ấy. Đó là công việc không bao giờ là dễ dàng. Văn học thời Lý nói chung, mảng thơ Đường luật của các thiền sư đời Lý nói riêng, cũng nằm trong quy luật ấy. Và, không quá khi khẳng định những thiền sư - tác giả thơ Đường luật đời Lý - tầng lớp có học thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội, còn giữ vai trò là những người mở đường/ đặt nền móng xây nên truyền thống đó của văn học Việt Nam. Nhiều thế hệ thiền sư – nhà thơ Đường luật đời Lý đã đóng góp vào công việc trọng đại đó với tất cả khả năng, suy nghĩ và sáng tạo nghệ thuật trong những sáng tác đầy trách nhiệm với Đạo, với Đời của mình. Trong một xã hội mà “nhân dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa” thì việc làm trên của các thiền sư không chỉ nhằm hoằng dương Phật pháp, tiếp độ chúng sinh, mà còn đưa chúng sinh vào con đường nhập thế, dấn thân vào các hoạt động xã hội, tham gia triều chính, yểm trợ chính quyền. Qua những vị thiền sư – nhà thơ Đường luật nói trên, chắc chắn là chưa thể nói hết được, nhưng cũng có thể khẳng định Phật giáo thời Lý không coi mình bên ngoài chính sự, không lợi dụng sự tôn kính của các bậc quân vương đối với tôn giáo mình để bài xích, loại trừ các tôn giáo khác. Phật giáo cũng không dùng cách thức hành xử cực đoan đề độc tôn, đề cao mình, mà trái lại, bằng trí tuệ uyên thâm, sâu sắc, bằng tinh thần từ bi, hỷ xả, Phật giáo luôn dung hòa các mối quan hệ, luôn đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và coi đó là tiêu chí cho sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

2. Thơ ca thời Lý nói chung, thơ Đường luật thời Lý nói riêng không phải là một cái gì đứng im, bất biến. Trái lại, đó là một thực thể luôn luôn phát triển, gắn liền với quá trình phát triển về mặt nhận thức của dân tộc Việt Nam. Từ dòng thơ sấm vỹ với hình thức nhận thức sơ khai pha màu sắc tín ngưỡng dân gian xuất hiện ở cuối thời Lê Sơ đầu thời nhà Lý, theo thời gian và yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển một nhà nước độc lập, của công cuộc phát triển văn hóa tinh thần của nhân dân đã trưởng thành và sự nghiệp giáo dục ngày một mở mang, hình thức nhận thức có vẻ “tiên nghiệm” của thơ sấm vĩ trên không đủ nữa. Những “đơn đặt hàng” của xã hội về cung cấp kiến thức hiểu biết sâu hơn về vũ trụ, về nhân sinh đã được các nhà văn, nhà thơ, trong đó đông đảo nhất là các nhà thơ – Thiền sư đã giải quyết thỏa mãn được. Thơ suy lý, thơ trữ tình, thơ tự sự lần lượt ra đời để đáp ứng nhu cầu trên. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo thời Lý, tấm gương sống tốt đời, đẹp đạo của các nhà sư thời Lý đã thúc đẩy xã hội hành động cho những giá trị tư tưởng nhân sinh quan tích cực, lạc quan, yêu đời khiến cho văn học thời Lý đạt tới Chân, Thiện, Mỹ.

3. Dòng văn học thời Lý nói chung, cụ thể là thơ Đường luật, tuy mang hình thức ngôn ngữ (dùng chữ Hán) và mọi quy cách, luật lệ của nước ngoài (thể thơ Đường bên Trung Quốc), nhưng nội dung dân tộc vẫn rất sâu sắc, bám sát và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra cho cả thời đại nhà Lý: xây dựng nền độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước hoàn chỉnh, ổn định lâu dài, chống xâm lăng.

4. Những nhà sư – thi sĩ Đường luật đời Lý đã xây dựng được trong văn học thời Lý một dòng văn học chuyên dùng thi ca để diễn đạt các phạm trù “sắc, không”, “sinh, lão, bệnh, tử”, từ bi, hỷ xả,… những triết lý Phật giáo cao siêu, mầu nhiệm đến gần hơn với chúng sinh.

5. Sự xuất hiện của nhà thơ nữ đầu tiên của văn học Việt Nam là một Ni sư cho thấy đạo Phật không trọng nam, khinh nữ như đạo Nho. Chỉ qua sáng tác còn lại có 1 bài, nhưng đã chứng tỏ các nhà sư, ni cô thông thái của đạo Phật thời Lý suy nghĩ hết sức độc đáo, ý thơ tuyệt vời về mặt triết lý.

6. Sở dĩ thơ Đường luật của các Thiền sư thời Lý đạt được những thành tựu to lớn đó là bởi vua đầu triều Lý là Lý Công Uẩn đã được giới sư sãi (đứng đầu là Thiền sư Vạn Hạnh) ủng hộ, và đã làm mọi cách để đưa lên ngai vàng thành công. Chính vì vậy, Phật giáo nói chung, đặc biệt là đội ngũ Thiền sư được Nhà Lý ủng hộ, xây dựng và phát triển. Dưới thời Lý, chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo chỉ mới bắt đầu, số Nho sĩ được đào tạo ra chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu về đội ngũ quan lại trong bộ máy quản lý của một nhà nước quân chủ ngày một mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, Phật giáo vô cùng phát triển, truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội. Trong nhân dân, số sư sãi và tín đồ Phật giáo chiếm một tỷ lệ khá đông. Theo nhà sử học Lê Văn Hưu (đời Trần) thì vào đời Lý “nhân dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa” (Đại Việt sử ký toàn thư , Nxb KHXH, H, 1967, T1, tr 192). Nhà vua và các tầng lớp quý tộc rất tôn sùng đạo Phật, nhiều người bỏ tiền ra dựng chùa, cúng ruộng cho nhà chùa. Một số nhà vua đã từng đi tu (như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông). Vua Lý Thánh Tông sáng lập ra một phái Thiền tông mới ở Việt Nam: phái Thảo Đường. Phần lớn nhà sư là tầng lớp có học thức hơn hết, là những trí thức lớn trong xã hội lúc đó, đóng vai trò quan trọng, in dấu ấn trong mọi lĩnh vực, từ việc xây dựng kiến trúc thượng tầng đến tổ chức xã hội và đời sống văn hóa-tinh thần trong xã hội, được các vua nhà Lý rất trọng vọng. Nhiều nhà sư tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị và giữ những cương vị quan trọng trong triều, như: Thiền sư Vạn Hạnh được phong là Quốc sư, các nhà sư Đa Bảo, Viên Thông được tham dự bàn bạc và quyết định các việc trong triều như những Cố vấn cao cấp của nhà vua. Có thể khẳng định, sự ổn định, vững bền của vương triều Lý, cũng như những thành tựu văn hóa – văn học thời Lý có dấu ấn và sự đóng góp tích cực của Phật giáo, mà cụ thể ở đây là những nhân tài Phật giáo – các vị thiền sư – trí thức lớn đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử văn học Việt Nam nói riêng như một mốc son chói lọi.

Những công lao, đóng góp to lớn trên đây của những thiền sư- nhà thơ Đường luật thời Lý đã được xã hội ghi nhận, được các chính trị gia, từ vua chí quan triều Lý hết lời ca tụng. Tác phẩm văn học của họ chắc chắn sẽ còn sống mãi với thời gian.----------------* Bài viết sử dụng tư liệu trong sách “Thơ văn Lý – Trần”, Tập 1, Ủy ban KHXH Việt Nam – Viện Văn học – Nxb KHXH, H, 1977, sẽ tham luận tại Hội thảo “Thơ Đường luật Việt Nam thời Lý” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc – Hội Thơ Đường luật Việt Nam tổ chức tại Từ Sơn - Bắc Ninh vào ngày 04-10-2019.

TS. Nguyễn Minh San (Phó TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam in)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tho-duong-luat-cua-cac-thien-su-thoi-ly-72238