Thơ Đỗ Thành Đồng: 'Rách' khâu lành những vết thương

Thơ Đỗ Thành Đồng ám tượng bởi thi ảnh có cấu tạo hình vuông, kín ngăn cảm xúc rồi bật ra thảng thốt. Trong thơ anh vừa có sự dằn vặt, vừa đau đớn, vừa đồng hiện như 'bản năng' của người 'thợ săn' con chữ. Đọc 'Rách', tôi như thấy anh đã làm lành những vết thương bao năm tưởng như mưng mủ.

Nhà thơ Đỗ Thành Đồng (thứ 2, trái sang) và nhà giáo, nhà thơ Ngô Mậu Tình (ngoài cùng, bên phải).

Nhà thơ Đỗ Thành Đồng (thứ 2, trái sang) và nhà giáo, nhà thơ Ngô Mậu Tình (ngoài cùng, bên phải).

Theo Từ điển Bách Việt, “rách là ở trạng thái không còn nguyên mảnh, có những chỗ bị tách, bị thủng ra”. Việc khâu vá vì rách là việc làm thường xuyên, cần có cho tất cả những vật con người sử dụng.

Trong thơ Tagor đã có hình tượng vá rách đám mây trong cơn bão: “Nước xuống sau đám mây rách toang/có sợi chỉ nào vá lại” (Trăng non). Nhà thơ Bảo Ninh cũng đã dùng hình ảnh người chiến sĩ trở về sau ngày chiến thắng đã “làm lành vết thương mẹ”. Song với Đỗ Thành Đồng, “rách” được nhìn qua đêm với cảm xúc mãnh liệt về người mẹ một đời gian khó, khổ cực.

Anh cố vá đêm “vào từng giấc nhỏ” với một khát khao mong manh sẽ làm điều gì đó cho mẹ. Nhưng anh đã nhận ra đó là điều không thể. “Đêm như tấm áo rách” là khuôn dạng thầm ước, tự soi vào bản thân mình và nhìn thấy “những sợi chỉ buồn tuột ra” một cách bất lực, vô vọng về sự không lành lặn.

Thì ra mẹ mới là người vá hoàn hảo nhất. Mẹ đâu cần giấc mơ. Mẹ vá hết lớp này đến lớp khác. Mẹ tần mẫn, thầm lặng hết mình để giữ cho con một nụ cười lành lặn. Mẹ đã bao phen “vá chằng vá đụp” “giữa mặt ngày không còn chỗ tối”. Mẹ hiện lên thật đẹp với “núm vú xõa vầng trăng”. Dưới núm vú này, con đã lớn lên, trưởng thành. Vầng trăng của con hôm nay bắt đầu từ vú mẹ. Câu thơ hiện sinh thật tài hoa khi miêu tả hình tượng về người mẹ của mình cũng như bao người mẹ khác trên trái đất này.

Từ câu chuyện kể về cuộc đời của mẹ, Đỗ Thành Đồng đã chuyển hóa thành cảm xúc biểu cảm rất linh hoạt. Nhà thơ như đồng hiện khi “cắn vào cơn đói của mẹ”, cắn vào khao khát của đấng sinh thành rồi đau khổ hiểu ra rằng “niềm vui rách nửa nụ cười”. Có lẽ, suốt đời mẹ chưa hề có nụ cười lành lặn. Đó là nỗi dằn vặt suốt đời của con. Đó cũng là tình mẹ bao la vĩnh hằng không gì đánh đổi.

Từ đêm rách đến nụ cười không lành lặn là sự tiếp nối của mạch ngầm cảm xúc trên nền “rách” của thi ảnh “ngày nay con vụng về hơn đứa trẻ”. Vì thế, con không thể nào “khâu” được cơn đau của mẹ cũng như tuổi tác mẹ đã bung ta từng mảng. Con chỉ biết nhìn, biết đau, biết sám hối, biết khổ. Phải rồi, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”, hay nhà thơ Nguyễn Duy đã từng thú nhận “Ta đi trọn kiếp con người/ Vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru”.

Mẹ chính là nơi nương tựa vô cùng vững chãi cho con sau mỗi lần vấp ngã, nơi mỗi người có thể thổ lộ mọi điều thầm kín. Mẹ là hình ảnh thu nhỏ của những ước mong, những khát khao thanh bình và hạnh phúc, nguồn động viên, tình yêu cả những day dứt, dằn vặt, trăn trở. Chính vì thế, Đỗ Thành Đồng thấy mình vụng về với mẹ cũng là điều hiển nhiên.

“Hơi thở mẹ mềm sợi chỉ”, thơ Đỗ Thành Đồng.

Bài thơ khép lại bằng bốn câu thơ ám tượng khiến cả bài thơ rung lên bằng những rung chấn của con chữ: “hơi thở mẹ mềm như sợi chỉ/luồn qua những vết thương con/còn những mũi kim xương tủy/mẹ giữ cho mình”. Đây là sự giác ngộ của những người con đã lớn. Bởi khi nhận ra hơi thở của mẹ là sợi chỉ khâu lành vết thương cho con là điều không dễ dàng. Nhưng thấy được mũi xương kim tủy mẹ giữ lại cho mình thì thật độc đáo.

Ra là thế, mẹ “rách một đời”. Con tưởng như “vá” cho mẹ. Cuối cùng, chính con được mẹ “khâu” lành vết thương. Kết thúc thật bất ngờ và thật đẹp.

Rách” là câu chuyện về tình mẫu tử, sự tự ngộ thức của những đứa con với mẹ và cũng có thể là lời tự thú của một người nghệ sĩ với quê hương đất nước. Lời thơ chân thành thiết tha, hình tượng trải dài vuông vắn được nén lại thật chặt để bung nở nhiều vấn đề cho người đọc.

Với tôi, đọc bài thơ này như thấy được mình, và vết thương bao năm được “khâu” lại. Từng bước một, tôi trưởng thành hơn!

Lệ Thủy, ngày 19/7/2020

NMT

Nguyên văn bài thơ

Rách

ĐỖ THÀNH ĐỒNG

Đêm như tấm áo rách

con vá vào giấc nhỏ

sợi chỉ buồn tuột ra

mong manh giấc mơ lành lặn

ngày xưa mẹ vá chằng vá đụp

cố cho con một nụ cười lành

giữa mặt ngày không còn chỗ tối

núm vú xõa vầng trăng

con cắn vào cơn đói của mẹ

niềm vui rách nửa nụ cười

một nửa để dành khơi lửa

mái lều rách giữa thế gian

ngày nay con vụng về hơn đứa trẻ

không khâu được cơn đau của mẹ

từng mảng tuổi tác bung thêm

càng vá nỗi già càng rách

hơi thở mẹ mềm sợi chỉ

luồn qua những vết thương con

còn những mũi kim xương tủy

mẹ giữ cho mình.

26/7/2018

ĐTĐ

Nhà giáo Ngô Mậu Tình

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tho-do-thanh-dong-%E2%80%9Crach%E2%80%9D-khau-lanh-nhung-vet-thuong-78432