Thổ đánh tiếng được Mỹ 'bật đèn xanh' về người Kurd?

Tổng thống Erdogan cho biết Tổng thống Donald Trump đã có những 'phản hồi tích cực' đối với các kế hoạch quân sự của Ankara.

Ngày 17/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong một bài phát biểu tại tỉnh miền Trung Konya, đã tuyên bố có thể khởi động một chiến dịch quân sự mới tại Syria nhằm vào lực lượng bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) bất kỳ lúc nào.

Trở ngại lớn nhất vào lúc này là sự phản đối từ phía Washington. Tuy nhiên, ông Erdogan thẳng thắn tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phản hồi tích cực đối với các kế hoạch của Ankara với YPG.

Khi tuyên bố này được phát đi bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, có thể diễn biến thành các kịch bản như sau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Kịch bản thứ nhất, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thỏa thuận phù hợp với lợi ích cả hai bên. Trong vài ngày qua, Washington đã có những động thái đáng chú ý nhằm xoa dịu những căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Bao gồm việc Tổng thống Trump để ngỏ khả năng sẽ dẫn độ giáo sĩ Gulen và những người khác trong âm mưu đảo chính hồi tháng 7/2016 về Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, giữa Washington và Ankara đã có những cuộc điện đàm "bí mật và kịp thời" xung quanh vấn đề các kế hoạch quân sự của Ankara với YPG. Đặc biệt, Ankara và Washington đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Arab Saudi - đồng minh lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Chiến dịch quân sự với người Kurd và khủng hoảng cái chết của nhà báo sẽ có giá trị trao đổi tương đương. Bởi Washington cần bảo vệ những lợi ích hàng trăm tỷ USD của mình với Arab Saudi, trong khi Syria chỉ còn là vũng lầy mà Mỹ muốn rút chân. Những điều kiện này xứng đáng để đàm phán và trao đổi song song.

Như vậy, có thể đã có những thỏa thuận ngầm giữa hai bên ngay trên lưng YPG - nhóm vũ trang được Mỹ hậu thuẫn nhiều năm nay tại Syria. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, rất có thể Ankara sẽ phát động một cuộc chiến quy mô lớn vào người Kurd ngay trong một, hai ngày tới.

Còn kịch bản thứ hai, mà dễ xảy ra hơn. Thực tế ông Erdogan chỉ hé lộ về các "phản hồi tích cực" của ông Trump mà không có một thông tin nào chi tiết hơn. Như vậy, sự khó lường của ông Donald Trump vẫn đang hiện diện trong vấn đề này.

Dù Donald Trump có những biện pháp ngoại giao tích cực với Thổ Nhĩ Kỳ thì nhìn vào thực tế chiến trường, quân đội Mỹ vẫn đang xây dựng một loạt lô cốt, trạm quan sát mới tại các thành phố chiến lược của người Kurd ở phía Đông Syria.

Xe thiết giáp của Mỹ tuần tra tại thành phố Manbij - đang được người Kurd kiểm soát

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ khí tài quân sự cho lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và ngay lập tức, SDF điều quân đến các thành phố có nguy cơ giao tranh đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ để tăng viện.

Tiếp đến, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lời đe dọa trừng phạt thẳng tay vào những nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nếu các nhóm này động binh với YPG.

Như vậy, ông Trump vẫn đang hai mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, một mặt vui vẻ, thân thiện với Ankara, nhưng mặt khác, sự thân thiện đó như một lời thách thức: cứ động binh vào YPG, nhưng chớ làm một lính Mỹ nào bị thương. Điều này đẩy Ankara vào thế khó và vẫn chưa thể có một cuộc tấn công thực sự vào miền Đông Syria.

Kịch bản thứ ba, đây chỉ đơn thuần là một phát biểu mang tính úy lạo nội tại trong nước và tăng uy thế chính trị cho Tổng thống Erdogan. Thực tế từ sau hội đàm 4 bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức hồi cuối tháng 10/2018, Moscow đã bật đèn xanh cho các hoạt động chống YPG của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách coi nhóm này là một tổ chức khủng bố.

Từ thời điểm đó đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ dù đã huy động nhiều nghìn quân cùng hàng trăm xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng tăng viện các căn cứ ở Syria, nhưng chưa có cuộc tiến công nào đáng kể.

Trước tình hình này, bản thân ông Erdogan chắc chắn sẽ vấp phải những chỉ trích trong nước. Đó là lý do trong bài phát biểu tuyên bố tiêu diệt YPG được phát đi vài ngày trước, ông Erdogan nhắc đến việc "không thể chờ đợi lâu hơn".

Đoàn xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ dồn vào các căn cứ trong lãnh thổ Syria

Tuy nhiên, những tuyên bố kiểu vô thưởng vô phạt này của ông Erdogan chắc chắn sẽ làm không ít thế lực nóng gáy, trong đó có Israel. Ủng hộ người Kurd là một chiến lược được cả Tel Aviv và Washington theo đuổi.

Thậm chí hồi tháng 5/2018, Tel Aviv còn lên tiếng sẽ hậu thuẫn người Kurd lập ra một chính quyền tự trị tại các diện tích chiếm đóng ở miền Đông Syria và một phần Iraq. Israel kỳ vọng "quốc gia người Kurd" này sẽ trở thành một phần trong việc cùng Israel chống Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu kịch bản Mỹ bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd diễn ra, vô tình sẽ làm mối quan hệ giữa Tel Aviv và Washington xấu đi. Đặc biệt trong bối cảnh Washington không có nhiều hỗ trợ để không quân Israel có thể tiếp tục không kích vào các vị trí của Hezbollah và quân đội nước ngoài Iran trên lãnh thổ Syria.

Từ những phân tích đó để thấy, dù kịch bản nào diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ phải theo đuổi cuộc chiến nhằm tiêu diệt YPG. Vật cản duy nhất là Washington vẫn đang cân nhắc lợi ích của mình. Cả YPG và Ankara đều đang nín thở chờ đợi kết quả các tính toán của Mỹ.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-danh-tieng-duoc-my-bat-den-xanh-ve-nguoi-kurd-3371233/