Thổ chế tạo cho UAE pháo phản lực phóng loạt khủng khiếp

Hôm 30/8/2018, DVO đã cho đăng bài 'UAE mua pháo phản lực khủng nhất thế giới để chống Houthi' nói về tổ hợp pháo phản lực phóng loạt MCL Jobaria.

Để bổ sung thêm một số thông tin về loại vũ khí này, xin giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Vladimir Tuchkov với tiêu đề trên. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” (Nga) cùng ngày 30/8/2018.

Trên ảnh: Hệ thống pháo phản lực phóng dàn (tổ hợp pháo phản lực phóng loạt) Multiple Cradle Launcher (Ảnh: YouTube)

Tờ “Người đưa tin Kavkaz” vừa đưa tin: Hệ thống phản lực phóng loạt Multiple Cradle Launcher (MCL) do Công ty Thổ Nhĩ Kỳ Roketsan thiết kế mới được đưa vào Sách Kỷ lục Thế giới Guinness.

Hệ thống phản lực phóng loạt Thổ Nhĩ Kỳ này chiếm kỷ lục về tốc độ bắn- hiện chưa có một tổ hợp tương tự nào trên thế giới có thể đạt được một tốc độ bắn cao như vậy. MCL có thể phóng 240 quả đạn phản lực với cự ly bắn đến 40 km chỉ trong vòng 2 phút. Một dàn phóng của Hệ thống phản lực phóng loạt khổng lồ như vậy phủ một diện tích đến 4km2.

Phải nói ngay từ đầu rằng, lịch sử của con “quái vật” này không hề đơn giản. Bản thiết kế, quả đúng là của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, MCL lại được chế tạo hoàn toàn tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trong các nhà máy của Công ty Jobaria Defense Systems (JDS).

UAE mua pháo phản lực khủng nhất thế giới để chống Houthi

Thêm nữa, hệ thống này (MCL) cũng chỉ được trang bị cho riêng Quân đội UAE. Hệ thống MCL được các chuyên gia quân sự quốc tế định danh là loại vũ khí “được chế tạo tại UAE với sự hợp tác của một hãng nước ngoài”.

Thực ra, hệ thống MCL này xuất hiện cách đây đã lâu- lần đầu tiên nó được giới thiệu là tại Abu Dhabi (thủ đô UAE), trong cuộc triển lãm IDEX-2013. Nhưng chỉ đến bây giờ nó mới được chính thức công nhận là lập kỷ lục về tốc độ bắn.

Sức mạnh của loại vũ khí này là gì? Nhờ cái gì mà nó làm cho đối phương phải khiếp sợ? Hay là không đáng sợ ?- đây là những câu hỏi không thuộc dạng dễ trả lời.

MCL- đó không phải là một tổ hợp cơ động (tự hành), mà là một tổ hợp xe kéo. Các công trình sư đặt trên khung gầm rơ moóc 5x5 bốn cụm ống phóng có thể quay được. Trên mỗi cụm ống phóng có 3 container vận chuyển- phóng, mỗi container chứa 20 tên lửa cỡ 22 ly. Tổng cộng, trong mỗi cụm bệ phóng có 60 tên lửa. Trong cả 4 cụm- 240 tên lửa (xem ảnh).

Các cụm ống phóng làm việc độc lập với nhau. Có nghĩa là các tên lửa của mỗi cụm ống phóng có thể được sỹ quan điều khiển hướng vào từng mục tiêu riêng biệt cần phải tiêu diệt. Các tên lửa cũng được phóng độc lập với nhau. Giãn cách thời gian giữa các lần phóng là 30 giây. Có nghĩa là trong 2 phút, tất cả 240 quả tên lửa đã được phóng hết.

MCL có mức độ tự động hóa rất cao- biên chế chuẩn của khẩu đội chi có ba người, kể cả người lái xe kéo. Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại sử dụng cả hệ thống dẫn đường tích hợp quán tính- vệ tinh. Sỹ quan điều khiển có thể điều khiển bắn cho từng cụm ống phóng bằng các thuật toán khác nhau.

Trên xe cũng có thiết bị cần cẩu để nạp đạn cho các tổ hợp phóng. Sỹ quan điều khiển bắn khi ngồi trong ca bin bọc thép của xe đầu kéo.

Tổng trọng lượng của cỗ xe khổng lồ này là 105 tấn. Chính vì thế mà các công trình sư Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng xe đầu kéo Oshkosh M1070 chuyên dùng để vận chuyển xe tăng “Abrams” Mỹ nặng tới 70 tấn trên các rơ mooc bánh lốp. Tuy nhiên, để cơ động MCL cũng có thể sử dụng các xe đầu kéo của những nhà sản xuất khác.

Xe vận chuyển- nạp đạn cũng được chế tạo từ khung gầm kiểu xe (rơ mooc) này và sử dụng xe đầu kéo như trên (Oshkosh M1070-ND). Như vậy, tổ hợp thường gồm 2 xe kích thước khổng lồ đi thành từng cặp. Chiều dài toàn xe (cả rơ mooc và xe đầu kéo) - 29m. Xe vận chuyển- nạp đạn cũng có chiều dài tương tự như vậy.

Cự ly bắn tối thiểu- 16km, cự ly bắn tối đa- 40km. Chỉ trong vòng 2 phút, MCL có thể “gửi” tới đối phương gần 4 tấn đầu tác chiến của các tên lửa.

Tất cả những tham số vừa liệt kê trên là ưu điểm. Không những thế, những ưu thế rất đáng nể. Tuy nhiên, cũng có những nhược điểm và chúng tôi sẽ liệt kê sau đây.

Thời gian chuẩn bị bắn mất khoảng vài phút. Cần phải cố định bốn cặp bệ đỡ và thực hiện một số thao tác khác để cố định xe. Để chuyển trận địa cũng cần một khoảng thời gian tương tự.

Với khoảng thời gian như vậy thì cũng không phải là một cái gì đó khủng khiếp lắm nếu như đối phương không có không quân, không có sơn pháo và các phương tiện khác để tiến công hỏa lực vào hệ thống pháo phản lực phóng loạt này trong trường hợp phát hiện được nó.

Vâng, và nói chung thì với một kích thước ấn tượng như vậy, MCL có thể dễ dàng bị các phương tiện trinh sát, kể cả các phương tiện trinh sát vệ tinh của đối phương “nhìn thấy” ngay cả khi nó (MCL) chưa khai hỏa.

Đấy là một nhược điểm rất đáng kể. Chính vì thế mà phương án sử dụng MCL tối ưu nhất là để chống lại các lực lượng phi chính quy chỉ được trang bị súng bộ binh, súng phóng lựu và các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.

Cũng còn một nhược điểm nữa có tính chất tương tự làm giảm thiểu khả năng sống sót của MCL, thoạt nghe thì có vè không logich lắm như đó là sự thực- nó có cơ số đạn quá lón. Và vì để lắp hết cơ số đạn cho MCL cần rất nhiều thời gian, - chính cái khoảng thời gian này là lúc mà nó gần như không có khả năng tự bảo vệ.

Còn một nhược điểm rất lớn nữa. Không chỉ đơn giản là khả năng cơ động của hệ thống cồng kềnh này rất thấp, mà còn vì nó bất lực trong các điều kiện không có đường giao thông.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tho-che-tao-cho-uae-phao-phan-luc-phong-loat-khung-khiep-3364999/