Thổ Châu - thế vững nơi đầu sóng

Mỗi lần trở lại xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) chúng tôi đều nhận thấy, nơi đây có bước phát triển mới. Các công trình bảo đảm quốc phòng, an ninh và các mặt công tác của lực lượng vũ trang (LLVT) đứng chân trên xã đảo là cơ sở vững chắc để kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, người dân yên tâm bám đảo, xây dựng cuộc sống ấm no và chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữ độ che phủ của rừng đạt gần 100%

Xã Thổ Châu (quần đảo Thổ Chu) gồm 8 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên hơn 1.398ha, cách đất liền (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) 220km và cách huyện đảo Phú Quốc 110km. Toàn xã hiện có 635 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu.

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong thành phần đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 9 và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vượt sóng ra thăm xã Thổ Châu có nhiều vị nguyên là lãnh đạo các tỉnh, thành phố và tướng lĩnh đã nghỉ hưu, từng trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt chuyến thăm, Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 cứ tấm tắc khen: Thổ Châu giữ được và phát triển rừng tốt như thế này thật đáng quý!

Thiếu tướng Lê Xã Hội kể, sau khi bộ đội ta giải phóng Thổ Châu từ tay Khmer đỏ (tháng 5-1975), ông đã đặt chân lên đảo. Lúc này rừng vẫn còn nhiều nhưng có dấu hiệu xơ xác do bị chặt phá. Người dân trên đảo đã bị Khmer đỏ bắt đi và thủ tiêu gần hết, đảo trở nên quạnh hiu, hoang vắng. Bộ đội tìm mãi mới thấy được mạch nước ngọt, đúng nơi Quân khu 9 xây dựng hồ chứa nước hiện nay (hồ có diện tích 23.800m2, dung tích 250.000m3, đưa vào sử dụng cuối năm 2019, bảo đảm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo). “Nếu không giữ được rừng, Thổ Châu làm gì có nguồn nước ngọt phong phú như bây giờ”, ông nói.

 Hồ chứa nước ngọt phục vụ quân và dân xã đảo Thổ Châu.

Hồ chứa nước ngọt phục vụ quân và dân xã đảo Thổ Châu.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, người có hơn 20 năm gắn bó với Thổ Châu, chia sẻ: "Trước đây, người dân vẫn giữ thói quen vào rừng đốn cây làm chất đốt, dựng nhà, nhưng bây giờ thì tuyệt đối không. Ai cũng có ý thức bảo vệ rừng, rừng xanh trên đảo là niềm tự hào của người dân, họ đều hiểu được đó là nơi bộ đội đứng chân canh giữ và rừng cũng là lá phổi duy trì, điều hòa cuộc sống của đảo".

Theo Đại tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 (Quân khu 9), thực hiện chủ trương bảo vệ và phát triển rừng của Bộ tư lệnh Quân khu 9, từ năm 2016, Trung đoàn 152 phối hợp với UBND xã Thổ Châu tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên đảo chung tay bảo vệ rừng từ việc làm thiết thực là không sử dụng củi làm chất đốt. Người dân đồng thuận, ủng hộ, tài nguyên rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ của rừng trên xã đảo Thổ Châu đạt gần 100%.

Giữa biển trời lồng lộng, Thổ Châu hiện lên xanh mát màu cây rừng là ấn tượng khó quên đối với những ai lần đầu ra đảo. Đặt chân lên đảo, tiếp xúc với quân và dân rồi mới hiểu, rừng trên đảo xanh tươi, phát triển cũng là kết quả của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân.

Chung tay chăm lo cuộc sống của người dân trên đảo

Trong những ngày qua, trước nguy cơ tán phát của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Trung đoàn 152 đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chính quyền và nhân dân xã đảo Thổ Châu phòng, chống dịch bệnh. Tại cầu cảng dẫn lên đảo, mỗi phương tiện từ huyện đảo Phú Quốc hoặc từ đất liền cập bến đều được lực lượng quân y của Trung đoàn 152 phun thuốc khử trùng và kiểm tra sức khỏe đối với mọi người vào, ra đảo. Các khu vực công cộng của xã, như: Trường học, công viên, chợ, điểm sinh hoạt tôn giáo-tín ngưỡng… đều được phun thuốc. Trung đoàn 152 còn phối hợp chặt chẽ với UBND xã và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo nắm chắc danh sách hành khách đến đảo để tiện theo dõi, quản lý khi có những triệu chứng bất thường; tuyên truyền, phổ biến cho người dân trên đảo và ngư dân về dịch bệnh và cách phòng, tránh. Đơn vị cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch nCoV gây ra, đồng thời có phương án xây dựng khu vực cách ly và kế hoạch hỗ trợ UBND xã đảo Thổ Châu khi có tình huống.

Một góc xã đảo Thổ Châu.

Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, nói: “Sự hỗ trợ tích cực, chủ động của Trung đoàn 152 làm cho nhân dân trên đảo rất yên tâm. Vì Thổ Châu như điểm dừng chân của các phương tiện đánh bắt xa bờ từ miền Trung trở vào, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nếu không có sự hỗ trợ đó thì lực lượng y tế tại chỗ không kham nổi”.

Thực tế cho thấy, ở xã đảo Thổ Châu, trong rất nhiều tình huống khẩn cấp xảy ra, Trung đoàn 152 cùng các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân… đều có mặt kịp thời, hỗ trợ chính quyền và nhân dân xử lý hiệu quả. Theo UBND xã, tổng kết năm 2019 vừa qua, nhờ sự chung sức của các LLVT đóng quân trên đảo, xã Thổ Châu đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân đạt 30 triệu đồng/năm; các ngành nghề dịch vụ, thương mại, đánh bắt và nuôi trồng hải sản trên đảo không ngừng phát triển.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các công trình bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội do Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 9, UBND tỉnh Kiên Giang đầu tư tại xã đảo Thổ Châu vẫn đang tiếp tục được triển khai xây dựng, tạo thêm sự vững chắc cho xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/tho-chau-the-vung-noi-dau-song-609588