Thổ cẩm Mỹ Nghiệp: Đậm dấu ấn văn hóa Chăm

Sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Chăm.

Đến Mỹ Nghiệp được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm đang cần mẫn dệt nên từng tấm thổ cẩm với đủ các loại hoa văn, màu sắc độc đáo, mới thấy hết được sự quý giá của thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp.

Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận

Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận

Ấn tượng nhất của làng nghề chính là các sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, lưu giữ đời này sang đời khác bằng hình thức mẹ truyền con nối. Phụ nữ làm nhiệm vụ chính dệt vải, đàn ông sẽ nhận trách nhiệm cắt may thổ cẩm thành sản phẩm.

Dệt ngồi cao, đòi hỏi kỹ thuật rất điêu luyện

Để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, toát lên được những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm đặc sắc là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Mỹ Nghiệp.

Dệt Mỹ Nghiệp trải qua nhiều công đoạn

Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự khéo léo, công phu của người thợ

Nghệ nhân Quảng Thị Đảo, người đã có hàng chục năm làm nghề cho biết: Để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau như: Cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống… Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, công phu của người thợ. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như những họa sỹ thực thụ.

Luồn từng sợi chỉ dệt nên những tấm thổ cẩm đủ sắc màu rực rỡ

Các biểu tượng hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc Chăm: Hình quả trám, hình rồng cách điệu, thần đèn, thần Siva... và gần đây phát triển thêm hình voi Tây Nguyên, hoa mai của người Kinh. Biểu tượng hoa văn trên thổ cẩm mang triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tư duy mỹ thuật của đồng bào Chăm, bởi nét đặc trưng, tiêu biểu không có nơi nào sánh kịp.

Đàn ông nhận trách nhiệm cắt may

Ngoài sản phẩm tấm thổ cẩm thô, làng Mỹ Nghiệp hiện tại đã có rất nhiều sản phẩm đa dạng khác, phải kể đến là khăn rằn, khăn Chăm, túi xách, ví, áo sơ mi, áo khoác, váy, mũ, khăn trải bàn, khăn trải giường…

Thổ cẩm Mỹ Nghiệp đậm dấu ấn văn hóa Chăm

Hiện nay làng nghề Mỹ Nghiệp có khoảng hơn 700 hộ với gần 4.000 nhân khẩu gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong đó có khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Đa phần những người thợ lành nghề của làng đều là những người gắn bó lâu năm với khung dệt, kỹ thuật thành thục và đầy cảm hứng sáng tạo. Họ là những người có khiếu thẩm mỹ chuẩn về màu sắc, đường nét, hình khối và khả năng dệt ra được những tấm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, độc đáo.

Sản phẩm với nhiều mẫu mã vừa phong phú, vừa đa dạng

Hiện nay, sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống ở làng Chăm Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng và đánh giá cao, đồng thời góp phần khẳng định thương hiệu, thúc đẩy phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tho-cam-my-nghiep-dam-dau-an-van-hoa-cham-133732.html