Thịt nhân tạo – Thực phẩm của tương lai

Thịt bò nhân tạo đã được nuôi cấy thành công trên trạm vũ trụ để làm thực phẩm cho các phi hành gia. Trong tương lai, thịt nhân tạo sẽ nuôi sống nhiều cư dân trên trái đất.

Thịt bò nhân tạo trên vũ trụ

Lần đầu tiên thịt nhân tạo đã được tạo ra trên vũ trụ nhờ vào máy in sinh học 3D. Các tế bào thịt bò lấy từ bò nuôi trên trái đất được vận chuyển lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trước khi nuôi cấy thành tế bào mô-cơ để tạo ra một miếng bít-tết.

Thí nghiệm trên do dự án giải pháp in sinh học 3D tiến hành vào ngày 26/9/2019. Các nhà khoa học nhận thấy, tế bào do trang trại Aleph cung cấp đã được in sinh học thành một cấu trúc mô-cơ để tạo nên một miếng thịt bò. Sự tái tạo mô cơ tự nhiên nhờ mô phỏng sinh học trạng thái diễn ra trong cơ thể bò.

Nhà khoa học Đức từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp bức ảnh trái đất phản chiếu ánh sáng từ mặt trời trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi nuôi cấy thịt bò nhân tạo.

Nhà khoa học Đức từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp bức ảnh trái đất phản chiếu ánh sáng từ mặt trời trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi nuôi cấy thịt bò nhân tạo.

Nhờ điều kiện trọng lực vi mô do người Nga tạo ra trên trạm vũ trụ (cách các đồng cỏ của trái đất tận 399km), kỹ thuật này có thể được sử dụng để nuôi cấy thịt cho các phi hành gia sống trên trạm vũ trụ ăn. Trước đó, Nông trang Aleph của Israel đã tạo ra thành công một miếng thịt bò nhân tạo vào tháng 12/2018, mất 2 tuần để nuôi cấy từ tế bào. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận cần cải thiện hương vị của thịt nhân tạo.

Thực phẩm của tương lai

Theo ông Didier Toubia, từ Nông trang Aleph, thịt nhân tạo có thể sản xuất mọi nơi, mọi lúc trong mọi điều kiện. “Trong vũ trụ, chúng ta không có đủ 10.000-15.000 lít nước cần để sản xuất kg thịt bò. Thí nghiệm này là bước tiến quan trọng đầu tiên trong tầm nhìn an ninh lương thực cho thế hệ tương lai, đồng thời góp phần bảo tồn thiên nhiên”. Nghiên cứu này đã được tiến hành trong môi trường khắc nghiệt nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Nó thể hiện chỉ số về phương pháp sản xuất lương thực bền vững không gây ra ô nhiễm tới nguồn nước và đất. Dự báo, dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 10 tỷ người vào năm 2050. Thịt nhân tạo là một trong những phát minh nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho cư dân trái đất tương lai.

Chiếc hamburger đầu tiên trên thế giới làm từ thịt bò nhân tạo

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là một phòng thí nghiệm khoa học trị giá tới 100 tỷ USD quay quanh quỹ đạo trái đất ở độ cao 400km so với mặt đất. Đội ngũ phi hành gia từ NASA (Mỹ), Roscosmos (Nga), Jaxa (Nhật Bản), ESA (châu Âu) và CSA (Canada) thay phiên nhau thường trực trên trạm. Thí nghiệm trên trạm thường diễn ra trong điều kiện bất thường bởi thiếu oxy, trọng lực thấp. ISS đã tiến hành nhiều nghiên cứu về cơ thể người, y học vũ trụ, khoa học đời sống, vật lý học, thiên văn học, và khí tượng thủy văn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nếu cư dân trên hành tinh giảm tiêu thụ thịt, chúng ta đồng thời cũng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học từ trường ĐH Oxford và viện nghiên cứu nông nghiệp Thụy Sĩ Agroscop đã từng kiểm tra 40.000 nông trang và 1.600 cơ sở chế biến thịt, đóng gói và bán lẻ thịt trên 119 quốc gia trên thế giới. Họ kết luận rằng giảm tiêu thụ thịt và sữa là cách đơn giản nhất để giảm tác động môi trường lên trái đất.

Chế độ ăn dựa vào thực vật sẽ giảm phát thải khí gây hiệu ứng do hoạt động nông nghiệp tới 73% tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống. Việc mất diện tích rừng cho hoạt động nông nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đe dọa tuyệt chủng các loài động vật hoang dã. Chăn nuôi gây hại cho môi trường hơn nhiều cho với trồng trọt. Chẳng hạn như, chăn nuôi bò lấy thịt cần nhiều đất đai gấp 36 lần so với trồng đậu đồng thời gây phát thải khí nhà kính gấp 6 lần. Thịt và sữa chỉ cung cấp 18% calories và 37% protein, nhưng lại sử dụng tới 83% đất nông nghiệp và phát thải 60% khí nhà kính trong nông nghiệp.

Nguyễn Vân

(theo Daily Mail)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thit-nhan-tao-thuc-pham-cua-tuong-lai-n169633.html