Thịt lợn sề 'hóa phép' thành thịt bò: cách phân biệt

Việc thịt bò được 'hóa phép' từ thịt lợn sề chẳng còn là tin đồn. Nhưng bạn cũng không nên hoang mang bởi bởi nếu cảnh giác bạn sẽ không bị lừa.

Ham thịt lợn rẻ, mất tiền oan

Vợ chồng chị Lan, Đông Anh, Hà Nội lấy nhau đã 2 năm nay mà vẫn chưa có con, đi khám ở đâu họ cũng nói chồng chị bị yếu tinh trùng, cần uống thuốc và thêm nhiều thịt bò trong chế độ ăn để nâng cao sức khỏe. Rồi lại nghe có người nói ăn thịt bò vừa tăng cân vừa khiến mạnh trong chuyện ấy nên chị Lan quyết “tăng gia” thịt bò trong bữa cơm. Tuy kinh tế còn khó khăn, thịt bò lại đắt gấp 3 lần thịt lợn nhưng thường chồng gầy mòn lại mong sớm có con, ngày nào chị Lan cũng mua thịt bò về cho chồng ăn.

Chưa thấy tác dụng thần kỳ của thịt bò trong “khoản ấy” đâu, chỉ thấy gần đây, chồng chị Lan thường xuyên bị đau bụng đi ngoài, có hôm còn miệng nôn chôn tháo, hay đau đầu, buồn nôn… Chị Lan vẫn đổ lỗi cho rằng buổi trưa anh ăn cơm hộp, chọn món không cẩn thận nên mới bị đau bụng chứ chị lúc nào cũng ăn chín, uống sôi, nấu nướng sạch sẽ, làm sao mà đau bụng được.

Đến khi đọc báo chí, chị Lan mới tá hỏa khi biết nhiều hàng thịt bò dùng hóa chất phù phép lợn sề già thành thịt bò rồi bán cho người dân, với loại thịt này nhìn qua rất giống thịt bò nhưng vì chỉ là lợn sề nên không có mùi vị của thịt bò, chưa kể đến việc thường lợn sề ốm, yếu người ta mới bán.

Lúc này chị Lan mới nghi ngờ hàng thịt bò mà chị hay mua: Lúc nào mình mua cũng thấy giá thịt bò ở đây rẻ hơn ở những chỗ khác 10-20.000đ/cân. Thấy chị bán hàng tươi cười, cân lại xông xênh, cứ tưởng người tốt. Chắc làm gian dối thật. Thế rồi hôm sau, chị Lan vẫn ra hàng đó, sờ sờ vào thịt và nói: Sao thịt nhà chị nấu lên rất ít vị bò, lại tanh tanh, người ta đang đồn là thịt lợn sề đấy.

Người bán hàng tái mặt không đáp trả còn chị Lan thề không bao giờ quay lại hàng thịt thân quen đó nữa. Thật nào chị Lan cứ thấy lạ vì hàng thịt bò chị mua giá lúc nào cũng rẻ hơn những hàng khác trong chợ, màu sắc khi mua thì đúng là bò nhưng nấu lên có hôm chẳng có tý mùi vị nào của thịt bò. Không khéo vì ham rẻ, ngày nào chị cũng mua cho chồng ăn thịt lợn sề tẩm hóa chất độc hại nên dạo này anh mới hay bị đau bụng đi ngoài như thế.

Còn chị Trang thì từ bé đã thích ăn phở bò, chị có thể ăn sáng bằng phở bò cả tháng mà không biết chán. Từ ngày chị chuyển sang công ty mới, dù đã đi ăn phở bò ở một vài quán quanh công ty nhưng chị vẫn chưa ưng ý quán nào vì bát phở bò mà chị ăn đều không có được mùi vị quen thuộc như ở quán trước đó chị hay ăn.

Mới đầu, thoạt nhìn bát phở rất thơm ngon, cũng giá 30.000đ nhưng rất nhiều thịt, nhưng khi ăn thì miếng thịt bở, nhạt và chẳng giống thịt bò lắm. Chị đã chuyển đến quán thứ 5 rồi mà vẫn chưa ưng, cuối cùng, chị đành đi làm sớm hơn một chút, vòng về đường cũ, ăn bát phở xong mới vội vàng chạy đến công ty.

Đến khi đọc báo thấy loạt bài viết về những quán phở ở Hà Nam chuyên dùng thịt lợn sề tẩm hóa chất để có mùi vị giống thịt bò thì chị Trang mừng ra mặt vì chị đã quyết định đúng, chứ nếu, ngày nào chị cũng ăn cái loại thịt được tẩm hóa chất đấy, không khéo ung thư đến nơi rồi cũng nên. Đúng là hú hồn!

Báo chí gần đây cũng đã “vạch mặt” quán phở dùng thịt lợn sề giả thịt bò ở Nam Định gây xôn xao dư luận. Điều đó càng chứng tỏ thịt lợn sề giả thịt bò không phải tin đồn!

Một nghìn lẻ một… cách biến hóa thịt lợn sề thành thịt bò

Thịt lợn sề có thể giả thịt bò. Họ thường chọn thịt lợn sề để làm giả thịt bò vì thịt lợn sề bởi chúng có độ dai gần giống với thịt bò còn , thịt lợn thường chỉ có thể giống về hình thức, không dẻo và dai như thịt bò.

Để thịt lợn màu đỏ hồng chuyển sang màu đỏ sẫm như thịt bò, họ có thể dùng máu (tiết) bò trộn vào thịt lợn khi ướp để có mùi gây, hôi đặc trưng của thịt bò hoặc nhuộm màu cho thịt lợn bằng phẩm màu “hoa hiên”, chỉ cần pha một thìa cà phê bột hoa hiên hòa vào nước, quét lên bề mặt thị lợn, hoặc nhúng thịt lợn vào dung dịch này chừng 1 phút là thịt lợn đã có màu sắc giống như thịt bò tươi và không thể phân biệt được đâu là thịt bò, đâu là thịt lợn.

Tuy nhiên trong quá trình xào, nấu màu thịt sẽ không còn đỏ tươi như lúc nhuộm mà chuyển sang màu hơi trắng, đặc biệt là không có mùi vị của thịt bò thật. Nếu dùng bột hoa hiên có nguồn gốc tự nhiên, có thể việc “nhuộm màu” này là an toàn, tuy nhiên, với các loại bột công nghiệp, hoặc bột mua ngoài chợ, không rõ nguồn gốc, xuất sứ thì không thể khẳng định về chất lượng của loại bột này.

Về phần mùi vị, trước tiên, người làm thịt giả, họ dùng một loại gia vị phụ gia khác, gọi là maltol - một chất tạo màu có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với một số loại thực phẩm, để giảm mùi đặc trưng của thịt lợn. Sau đó tạo nên mùi và vị của bò bằng nhiều cách khác.

Đơn giản nhất là lấy xương bò tươi nấu chung với nước dùng, thịt lợn sề sau khi đã tẩm ướp cho ngấm gia vị và lên màu, cho vào trần trong nước dùng, nước từ tủy, xương bò sẽ ngấm vào thịt, tạo mùi bò đặc trưng.

Nhưng những cách này chỉ cửa hàng nhỏ mới dùng, những quán hàng đông khách sẽ phải có những cách chuyên nghiệp hơn, đó là sử dụng các loại phụ gia như: nước tinh bò; bột hương vị bò, viên gia vị bò… các loại phụ gia này sẽ giúp tô phở thịt có mùi thơm đặc trưng của thịt bò, khiến người ăn dù có tinh ý cũng khó phát hiện ra.

Mối nguy hại khôn lường

Theo TS. Lương Hồng Nga, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, không có hóa chất nào có thể biến thịt lợn thành thịt bò mà chỉ là dùng phụ gia để tạo mùi và vị giống tương đối. Thịt lợn sề ướp các loại phụ gia này có thể có màu sắc, mùi như thịt bò, khi chế biến nhìn bằng mắt thường có thể không phát hiện ra nhưng chú ý kỹ khi ăn sẽ nhận ra ngay.

Tuy nhiên, nhận định về mối nguy hiểm của thịt bò giả, tiến sĩ Nga cho biết: việc ăn phải thịt lợn sề giả thành thịt bò này cũng rất nguy hiểm. Vì thông thường, người dân không bán những con lợn sề khỏe mạnh vì nó mang lại nguồn lợi nhờ việc đẻ lợn con. Chỉ khi lợn sề bị bệnh, phải tiêm, hoặc đã chết, người dân mới đem bán. Tức là, ngoài việc ăn phải rất nhiều loại phụ gia không rõ nguồn gốc, chất kháng sinh và có thể mang mầm bạn còn đối mặt với nguy cơ mang bệnh từ thịt lợn đó bệnh.

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt lợn sề cũng không tốt cho bà đẻ hoặc người mới ốm dậy vì nó có thể dẫn đến mất sữa, hoặc bị hậu sản… Vì thế, nếu chúng ta cảm thấy bát phở bò đang ăn không giống thịt bò thật thì nên ngừng ăn, để tránh ăn phải các loại thịt bẩn, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là với các bà mẹ mới sinh con.

Đánh giá về tác hại của các loại phụ gia biến thịt lợn sề thành thịt bò, tiến sỹ Nga nhận định: Không phải loại phụ gia thực phẩm hỗ trợ trong quá trình chế biến nào cũng độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Quan trọng là loại phụ gia thực phẩm đó có đảm bảo chất lượng không?

Bạn chỉ nên mua những loại phụ gia có bao bì sản phẩm rõ ràng, có ghi địa chỉ nhà sản xuất và có đăng ký chất lượng với cơ quan y tế. Ngoài ra, việc nó có làm hại sức khỏe của bạn không còn tùy thuộc vào thời gian ngâm tẩm thực phẩm với phụ gia ngắn hay dài, nhiều hay ít phụ gia. Việc dùng phụ gia ở các quán biến thịt lợn sề thành thịt bò rất đáng lo vì có thể họ dùng phụ gia rẻ tiền, ngâm tẩm lâu.

Cách phân biệt lợn sề và thịt bò

Theo Chuyên trang Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/thit-lon-se-hoa-phep-thanh-thit-bo-cach-phan-biet-3938423-l.html