Thịt heo đắt đỏ, thanh long 'rẻ thối' và chuyện buồn dài tập của nông sản Việt

Trong khi heo hơi đang trong cơn tăng giá gấp 2-3 lần so với nửa đầu năm 2017 thì ngược lại, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, quả thanh long đã rơi giá tự do từ 18-20 ngàn đồng/kg xuống mức 1.000 đồng, 1.500 đồng/kg…

Thanh long thu hoạch ở Tiền Giang bí đầu ra (ảnh: Hoàng Nam/Vnexpress.net).

Một sự rơi giá đến mức không tin nổi nhưng lại thường xảy ra đối với nông sản Việt.

Trong đời sống xã hội Việt Nam từ “giải cứu” trong hàng chục năm nay lại có thêm một nghĩa phái sinh: Tìm đường tiêu thụ giúp hàng nông sản Việt cho các hộ trồng trọt, chăn nuôi.

Tuy nhiên một thị trường nông sản luôn phải “giải cứu” như thế thì cũng chứng tỏ còn đó nhiều bất ổn, hay như cách nói của nông dân là “được mùa mất giá, mất mùa được giá”.

Không có sự đề huề, và cũng rất khó có sự hài hòa được quyền lợi, lợi ích cho cả những người nuôi trồng và người tiêu dùng. Trong khi các bà nội trợ hiện hàng ngày phải chi tiêu nhiều hơn cho thịt thà giá cao thì người nông dân đau đớn khóc ròng với những đống thanh long bán giá một, hai ngàn đồng mỗi kilogram mà cũng còn khó bán được hết, thậm chí còn để cho bò ăn hay để thối rữa.

Lòng thương của xã hội, sự cảm thông của người tiêu dùng dồn trong khái niệm “giải cứu” chưa bao giờ và cũng không bao giờ là giải pháp tối ưu giải quyết được tận gốc rễ vấn đề của nông sản Việt. Chính vì thế, đó vẫn còn là câu chuyện buồn dài tập chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Vài tháng trước, câu chuyện vải thiều lên máy bay, vào chuỗi cung ứng của đại gia siêu thị Thái để xuất ra nước ngoài; còn nhãn lồng thì đi Mỹ… là những tin vui khấp khởi. Để có được tin mừng đó, phía doanh nghiệp đã tích cực, năng động tìm nguồn cung ứng hàng hóa, song phía chính quyền một số địa phương cũng thực sự nhập cuộc cùng với người nông dân và tổ chức về nông nghiệp tìm đầu ra cho đặc sản nông nghiệp địa phương. Và khi người nông dân bán được hàng và có lãi thì chính quyền cũng được nhiều hơn từ đồng tiền thuế dân đóng. Dân giàu lên, gia đình đầm ấm, thôn xóm khang trang, hạ tầng theo đó cũng được đầu tư nhiều hơn cho dân sinh…

Từ câu chuyện tìm lối ra cho vải thiều, nhãn lồng, có lẽ mỗi địa phương cần xác định rõ đặc sản của địa phương, những cây trồng và vật nuôi chiến lược, từ đó chính quyền chủ động cùng với các tổ chức và người nông dân xúc tiến thị trường tìm đầu ra từ sớm.

Từ sự nhập cuộc như thế, người nông dân mới hiểu và tin vào các cơ quan quản lí, từ đó các khuyến cáo, định hướng qui hoạch về cây trồng vật nuôi của các cơ quan này mới thuyết phục được người dân thực hiện để tránh tình trạng “được mùa mất giá – mất mùa được giá”.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/thit-heo-dat-do-thanh-long-re-thoi-va-chuyen-buon-dai-tap-cua-nong-san-viet-634970.ldo