Thịt bò Kobe 'Made in Hà Nội'

Không lâu nữa, người tiêu dùng Thủ đô sẽ có cơ hội được thưởng thức món thịt bò Kobe 'Made in Hà Nội' với giá rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu của Nhật Bản. Đó là thành công từ việc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã kết nối thành công doanh nghiệp với nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt bò chất lượng cao Wagyu (Nhật Bản). Với cách làm sáng tạo, bài bản, cả nông dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Thịt bò Kobe ở VN có nguồn gốc từ đâu?

Vừa bán được 3 con bê giống Wagyu (Nhật Bản) cho Công ty CP T&T 159 với giá 110.000 đồng/kg, anh Nguyễn Văn Tưởng ở khu 4 (xã Minh Châu, huyện Ba Vì) phấn khởi cho biết: "Bấy lâu nay, nông dân trong xã bán bê hay bò đều do thương lái định giá theo cách ước lượng, đến nay, có doanh nghiệp mua theo cân nặng thực tế và trả tiền mặt sòng phẳng. So với bán cho thương lái, mỗi con bê bán cho doanh nghiệp, chúng tôi được hưởng chênh lệch từ 1,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/con".

Theo ông Trần Công Chiu, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, chăn nuôi bò của xã nhiều năm nay khó khăn nhất vẫn là “đầu ra”. “Đây là lần đầu tiên nông dân được hỗ trợ khép kín từ chuyển giao công nghệ về giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi đến thu mua sản phẩm. Nông dân rất vui vì bán được giá tốt” - ông Trần Công Chiu khẳng định.

Chung niềm vui với gia đình anh Tưởng là hàng trăm hộ dân khác nằm trong dự án chăn nuôi bò chất lượng cao của Hà Nội được doanh nghiệp bao tiêu "đầu ra" với giá bán cao hơn thương lái. Công ty CP T&T 159 cam kết thu mua hết 800 con bê giống Wagyu - nằm trong chương trình chuyển giao giống bò mới của Sở NN&PTNT Hà Nội từ nay đến cuối năm, với giá cố định, cao hơn thương lái, mua theo cân nặng thực tế, không “bán xô” theo đầu con...

Ông Bùi Quang Thái, Chánh Văn phòng Công ty CP T&T 159 cho biết, sau khi bê sinh ra, hộ dân sẽ nuôi thêm 4-6 tháng, doanh nghiệp sẽ thu mua, sau đó mang về trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Hòa Bình và bê tiếp tục được nuôi theo phương thức chăn nuôi bò Kobe của Nhật Bản.

Với cách kết nối bài bản, hiệu quả như hiện nay của ngành Nông nghiệp Hà Nội, doanh nghiệp chủ động hoàn toàn về con giống chất lượng tốt, được kiểm soát dịch bệnh từ khi phối giống, sinh trưởng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Về phía nông dân chăn nuôi bò sẽ không lo “đầu ra” vì được doanh nghiệp thu mua hết. Đặc biệt, với phương pháp nuôi này, thịt bê, thịt bò thơm ngon hơn, chất lượng cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

Với mong muốn đưa ngày càng nhiều giống bò chất lượng cao về chăn nuôi trên địa bàn, năm 2017, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã nhập giống bò Wagyu (giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới) đưa vào lai tạo. Trung tâm đã giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi giống bò này cho gần 300 hộ nông dân tại 5 xã có tổng đàn bò thịt lớn nhất Hà Nội là: Minh Châu (Ba Vì), Thượng Cốc (Phúc Thọ), Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm) và Tự Lập (Mê Linh).

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, đây là giống bò có nguồn gen quý, giá thành nhập khẩu tinh cao, chi phí sản xuất lớn. Sau 1 năm phối giống, hiện đã cho ra đời lứa bê đầu tiên với hơn 1.000 con.

Dù mang lại nhiều lợi thế cho nông dân, tuy nhiên, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội khẳng định, thành phố không khuyến khích chăn nuôi bò Wagyu theo phong trào mà chỉ tập trung tại các xã chăn nuôi bò trọng điểm của Hà Nội đã được quy hoạch nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu...

Theo đánh giá, bò Wagyu có giá bán cao vì chất lượng thịt ngon, vị béo quyện, mỡ chứa nhiều omega 3... rất tốt cho sức khỏe. Thời điểm hiện tại, đã có một số nước lai tạo và nuôi dưỡng thành công giống bò Wagyu như: Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan... Tại Việt Nam, sau Lâm Đồng, Hà Nội là địa phương thứ hai triển khai mô hình nuôi giống bò chất lượng cao này.

Thịt bò Kobe “Made in Hà Nội”

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Nong-san/920401/thit-bo-kobe-made-in-ha-noi