Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 1)

Nhiều quan điểm cho rằng tham nhũng nảy nở dưới cơ chế kinh tế thị trường, nói như vậy oan ức cho một thể chế tiến bộ...

Nước Việt Nam không bao giờ hùng cường nếu như cứ làm ra 10 đồng, để thất thoát hết 8 đồng. Đã đến lúc chúng ta cần đặt vấn đề ngăn chặn tham nhũng vào hệ quy chiếu đạo đức, xã hội. Bởi các biện pháp thuộc về thể chế, luật pháp dường như chưa đủ sức mạnh đối phó "ma lực của đồng tiền".

Từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là trên 62.000 tỉ đồng, 18,52 triệu USD (chiếm 81,91% trong tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của toàn quốc 5 năm là 76 nghìn tỉ đồng).

Nếu những con số này không thuyên giảm thì mọi nỗ lực, mọi chính sách dù tiến bộ tới đâu cũng không ăn thua. Thậm chí “sâu mọt” còn bu bám vào chính sách thông thoáng để thiết lập “tư bản thân hữu”.

Bắt bệnh từ đâu? Trước hết phải trả lời mấy câu hỏi: Ai tham nhũng? Vì sao có tham nhũng? Tham nhũng có ở mọi thể chế, mọi hoàn cảnh, nhưng vì sao Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc lại ít trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi lại nhiều?

Tháng 3 năm nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng: “Cũng dè chừng dần chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. “Chạy” là không dùng”.

Nên nhìn vào sự thật và trả lời mấy câu hỏi trên. Tham nhũng chỉ gói gọn trong vài triệu đảng viên, rút gọn lại chỉ có đảng viên, cán bộ càng cao cấp càng có khả năng làm thất thoát số tiền lớn.

Từ các tập đoàn kinh tế nhà nước, tới các bộ ngành và các tỉnh thành trọng yếu…tham nhũng có vẻ phức tạp và thâm căn cố đế hơn phần còn lại. Phải chăng hơn 80 triệu đồng bào và một hệ thống đồ sộ lại bó tay trước một nhóm “tư bản thân hữu”?

Chắc chắn phải có lỗ hổng nào đó trong việc sử dụng con người! Chúng ta không thiếu “quy trình” thậm chí rất ngặt nghèo, nhưng sao “quy trình” vẫn không thể làm tròn nghĩa vụ mà người ta gửi gắm vào đó?

Chúng ta cũng không thiếu quy định “cứng, mềm”, ví dụ đảng viên thì gồm có những điều không được làm, cán bộ công chức đã có luật điều chỉnh, quản lý tài chính đã có nguyên tắc, sử dụng con người cũng đó điều kiện cần, đủ. Vậy rút cuộc, tham nhũng, tha hóa từ dưới đất chui lên!?

Những năm 2000, dư luận trong nước xôn xao về bộ phim “Đất và người” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Bộ phim là lắt cắt nhỏ về nông thôn Việt Nam trước ngưỡng cửa đổi mới từ chính sách “khoán 10”.

Ở đó ta thấy sự đối đầu kịch liệt giữa cái mới và cái cũ, sự xung đột gay gắt giữa tư duy kinh tế thị trường và bao cấp, giữa lớp trẻ và lớp già. Nhưng điều thú vị nhất là bộ phim đã phản ánh một góc tối về tâm lý xã hội Việt Nam, không phải chỉ có ở thời điểm đó mà cho tới nay hoặc có thể nhiều năm nữa chưa chắc gột bỏ được.

Đó là tư duy cục bộ, bè phái, sự đối đầu, chia bè kết cánh của hai dòng họ, đem chuyện gia đình trộn lẫn vào chính sách, lẫn lộn giữa cái chung và cái riêng, cái đại cục và cái tiểu tiết.

Kết quả dân tình rơi vào ngõ cụt, lòng người hoang mang, chuyện chính sự cũng là chuyện anh và tôi, dòng họ tôi, dòng họ anh, mãi đấu đá tranh giành quyền lực mà bỏ bê chính sách tốt.

Và dĩ nhiên, trong mớ bùng nhùng ấy, quyền lực rơi vãi vào tay thân hữu, những kẻ cơ hội đứng đằng sau tranh thủ quyền lực để vun vén.

Tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh xã hội cũ, nhưng mạch chuyện trong phim không hề cũ chút nào. Thậm chí ngày nay những gì xuất hiện trong phim còn hiển hiện rõ ràng hơn, bạo liệt hơn.

Phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trung tuần tháng 9/2019 cần phải hiểu như thế nào: “Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều xin đừng đưa em vào quy hoạch”.

Vì sao có chuyện như thế? Đó là vấn đề mà những người làm quy hoạch nhân sự phải hết sức lưu tâm. Phải chăng vì những nơi như thế không “rủng rẻng”?

Vì sao người ta phải “chạy chức”? mà nói thẳng ra là mua chức, mua quyền. Xét về kinh tế học đó là một dạng “đầu tư”, có ai đầu tư mà không mưu cầu sinh lãi? Vấn đề liên quan đến quyền lực và lợi ích vật chất hay chỉ đơn thuần là năng lực, sở trường?

Hơn thế nữa, khi đã có ý định “chạy” tức là người ta không đủ niềm tin vào sự công bằng, lẽ phải. Thật nguy hiểm nếu những người có chức, có quyền lại quá ít niềm tin vào “con đường thẳng”.

Để kiểm soát quyền lực không gì hữu hiệu hơn thể chế. Thể chế được hiểu là tập hợp những quy tắc, cả chính thức và không chính thức, có tác dụng định hướng, thúc đẩy hoặc kìm hãm tương tác giữa các chủ thể chính trị.

Chiểu theo định nghĩa trên, thể chế ta hiện nay khá đầy đủ, vấn đề còn lại là vận hành nó ra sao để phát huy tác dụng. Nó không tự vận hành mà do con người, con người tốt thì vận hành tốt và ngược lại.

Vậy nên, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh trúng điểm “đen” trực tiếp dẫn đến tham nhũng, làm suy yếu sức mạnh quốc gia.

Nhiều quan điểm cho rằng tham nhũng nảy nở dưới cơ chế kinh tế thị trường, nói như vậy hơi oan ức cho một thể chế tiến bộ. Thật ra điều này còn có gốc tích sâu xa trong kết cấu xã hội Việt Nam.

Hay nói cách khác, đó là mặt trái của hệ quy chiếu “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Còn tiếp…

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/viet-nan-hung-cuong-thinh-vuong-va-kiem-soat-quyen-luc-bai-1-159554.html