Thỉnh thoảng cá mập cũng ăn chay

Không phải cá mập nào cũng là sát thủ săn mồi và cá mập đầu xẻng là một loài thỉnh thoảng vẫn ăn salad.

Lâu nay cá mập nói chung được ví như là một tay săn mồi lão luyện nhưng một nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy có một loài trong số chung vẫn... ăn chay.

Công bố được đăng tải trên Kỷ yếu của Hội Hoàng gia B cho thấy, những con cá mập đầu xẻng có thể vừa tiêu hóa rất tốt tảo biển vừa hứng thú với việc ăn thịt và đó là minh chứng cho thấy chúng là một động vật ăn tạp.

Cá mập đầu xẻng ăn chay.

Cá mập đầu xẻng có tên khoa học là Sphyrna tiburo. Đây là một loài cá mập nhỏ thuộc họ cá mập đầu búa, thường sinh sống ở các vùng nước tại Mỹ.

Ban đầu, khi khám nghiệm dạ dày của những con cá mập đầu xẻng, người ta phát hiện có ít nhất 62% thành phần là thực vật. Từ đó đặt ra nghi vấn loài cá mập này có ăn tảo biển hay không?

Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến tin rằng cá mập đầu xẻng đã nuốt nhầm số tảo biển trong khi tìm kiếm những con cua, mực và một số loài vật không xương sống cỡ nhỏ khác hay lẩn trốn trong rong tảo.

Dana Bethea, nhà sinh thái học nghiên cứu tại Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ ở Florida, trong nghiên cứu năm 2007 cho rằng cá mập đầu xẻng ăn cỏ biển thụ động thông qua con mồi khác. "Chúng tôi không nghĩ chúng bơi lội ngoài kia và ăn salad" - bà Bethea nói.

Nghiên cứu cho thấy cá mập đầu xẻng vẫn ăn tảo biển chứ không chỉ tôm, cua, trai... lẫn rong biển.

Theo bà, việc các cá thể trẻ ăn nhiều cỏ biển hơn con trưởng thành ở loài này có khả năng phản ánh quá trình tích lũy kinh nghiệm săn mồi. "Việc học cách săn mồi diễn ra nhiều ở các giai đoạn đầu đến khi chúng lớn hơn và thực sự hiểu khẩu vị của mình", Bethea nhận định.

Đầu năm 2018, có một nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng loài cá này thực sự có thể ăn chay.

Nghiên cứu của TS nghiên cứu sinh học tiến hóa Samantha Leigh tại Đại học California (Irvine, Mỹ) cho rằng, cá mập đầu xẻng có thể dung nạp được dinh dưỡng từ thực vật chứ không phải chúng nuốt nhầm tảo biển như lâu nay mọi người vẫn lầm tưởng.

Theo đó, các chuyên gia đã tiến hành trồng một lượng rong biển từ Vịnh Florida trong phòng thí nghiệm. Dĩ nhiên đây cũng không phải rong thường, mà chúng đã được bổ sung thêm bột natri bicarbonat giúp số tảo này không thể bị nhầm lẫn với những tảo khác trong vịnh.

5 con cá mập đầu xẻng đã được cho ăn một thực đơn trong 3 tuần gồm 90% tảo biển và 10% là mực ống, sau đó các nhà khoa học nghiên cứu lượng dinh dưỡng mà chúng hấp thu và bài tiết.

Không phải động vật nào cũng tiêu hóa được thực vật.

Một loạt thí nghiệm cho thấy cá mập đầu búa đã tiêu hóa thành công tảo biển với các enzyme. Không phải tất cả động vật ăn tạp đều có thể tiêu hóa tốt các thức ăn thực vật, nhưng tất cả 5 con cá mập được cho ăn chế độ nhiều tảo biển trên đều đã tăng cân.

Đây vẫn chưa phải bằng chứng thuyết phục, nên các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm xem lượng rong chúng tiêu thụ là bao nhiêu, và thành phần trong phân của chúng.

Sau rất nhiều xét nghiệm, họ đã tìm ra dấu vết của các hóa chất chỉ thị bên trong máu và gan của cá mập. Điều này có nghĩa rằng, lũ cá thực sự đã hấp thụ được dinh dưỡng trong rong biển. Kết quả này đã khiến tất cả đều ngạc nhiên, ngay cả tác giả nghiên cứu.

"Trong dạ dày của cá mập có nhiều loại enzyme, cho phép chúng tiêu hóa được thức ăn" - GS.Leigh cho biết.

"Từng loại enzyme sẽ chịu trách nhiệm tiêu hóa lượng thực phẩm khác nhau. Trong đó, ruột của loài vật này có chứa enzyme mang tên β-glucosidase hàm lượng cao, với khả năng phân giải cellulose có trong thực vật một cách cực kỳ hiệu quả."

Theo các nhà khoa học, khả năng tiêu hóa chất xơ của cá mập đầu xẻng tốt ngang rùa biển xanh, loài vật vốn chuyển từ chế độ ăn tạp khi còn nhỏ sang chế độ ăn chay khi trưởng thành.

"Lũ cá mập hoàn toàn có thể chuyển sang ăn chay mà vẫn sống sót được, chứng tỏ rằng chúng là loài ăn tạp. Đây là loài cá mập duy nhất từ trước đến nay được xác nhận có khả năng ấy" - GS. Leigh nói.

Cơ chế tiêu hao thực vật của cá mập đầu xẻng giống như rùa

GS.Leigh cho rằng, vai trò của cá mập đầu xẻng đối với đời sống thủy sinh cần phải được đánh giá lại, vì chúng không chỉ đơn giản là một loài săn mồi như những gì khoa học đang nhầm tưởng.

Hơn nữa, việc xác nhận cá mập là loài ăn tạp cũng góp phần đáng kể trong công cuộc bảo tồn chúng. Đơn giản là vì rong biển là một trong những loài thực vật phổ biến nhất dưới lòng đại dương hiện nay.

Clip nghiên cứu cho thấy cá mập đầu xẻng ăn và tiêu hóa được tảo biển

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/the-gioi-dong-vat/thinh-thoang-ca-map-cung-an-chay-3365124/