Thịnh khoa năm Kỷ Hợi cách đây tròn 240 năm

Vào một năm Kỷ Hợi như năm nay, cách đây tròn 4 vòng hoa giáp, tức năm 1779, đã diễn ra một khoa thi 'ân huệ' mà lần đầu tiên, chúa Trịnh lấn quyền của vua Lê trong việc chỉ đạo và chấm thi.

Chính sử nước ta, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, nhấn mạnh sự lạm quyền của chúa Trịnh bằng dòng ghi chép: “Tháng 10, mùa đông, Trịnh Sâm tự ý mở thịnh khoa thi Hương, thi Hội”.

Chúa lấn quyền vua

“Thịnh khoa” tức là ân khoa, là khoa thi được đặc cách mở riêng để chọn hiền tài theo ý nhà vua. Theo chế độ thi cử thời phong kiến, các khoa thi Hương, thi Hội đã có từng năm nhất định, nhưng năm nào vua chúa có sự vui mừng gì đó, thì gia ân mở thêm một khoa gọi là ân khoa. Trước đó, chúa Trịnh định mở ân khoa, nhưng chưa quả quyết cử hành, đến năm đó chúa Trịnh Sâm tự mở khoa thi gọi là “thịnh khoa”. Chú thích của các sử gia triều Nguyễn có ý chê trách việc chúa Trịnh Sâm có ý xâm lấn cả ân điển về thi cử của vua nhà Lê.

Sách “Cương mục” viết chi tiết về khoa thi này: “Sâm tự nhận công đức ngày càng lừng lẫy, hạ lệnh mở thịnh khoa thi Hương, thi Hội; thi Hương vào tháng 10, thi Hội vào tháng 11”.

Còn văn khắc trên tấm bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 đời vua Lê Hiển Tông (1779) tại Văn Miếu, (Hà Nội) mô tả chi tiết: “Năm Kỷ Hợi, Hoàng đế ở ngôi chẵn 40 năm, long thể an khang vui mạnh, hằng chính đạo thường. Thực nhờ Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương (Trịnh Sâm) sửa sang trị giáo, đào tạo nhân tài. Mùa đông năm ấy, đặc biệt mở khoa thi Hội cho các cống sĩ trong nước tại lầu Ngũ Long”.

Phụ trách trường thi là Quốc cữu Đề đốc Viêm Quận công Nguyễn Trọng Viêm làm Đề điệu (tức Chánh chủ khảo), Nhập thị hành Tham tụng Hình bộ, Tả Thị lang Thư lại bộ, Hữu Thị lang kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên làm Tri Cống cử. Các quan Thiêm sai Phủ liêu Tri Công phiên Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Duy Hoành, Thiêm sai Phủ liêu Tri Hộ phiên Hàn lâm viện Hiệu lý Dương Trọng Khiêm làm Giám thí.

Khoa thi lấy trúng cách tứ trường là bọn Phạm Nguyễn Du gồm 15 người tất cả.

Mùa xuân năm sau, năm Canh Tý (1780) mới diễn ra kỳ Điện thí, tức thi Đình. Chúa Trịnh tới phủ đường đích thân ra đề thi văn sách. Chúa sai Nhập thị hành Tham tụng Binh bộ Tả Thị lang Thư Lại bộ, Tả Thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu Liên Khê hầu Vũ Miên giữ quyển, bề tôi là Phiên duyệt quyển.

Kết quả, chúa cho hai người Lê Huy Trâm, Phạm Nguyễn Du đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Quý Thích 13 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, cao thấp khác nhau. Sau đó, chúa Trịnh sai Bộ Công khắc đá đề tên dựng tại nhà Thái học ở Văn Miếu.

Theo chế độ cũ, về việc thi đình, nhà vua thân hành ra sách văn thi cống sĩ ở sân rồng, người nào trúng cách thì cho truyền lô báo tên và yết tên vào bảng vàng. Khoa này, Trịnh Sâm cho người trúng cách cũng theo chế độ cũ, trước hết vào thi đình, nhưng văn bài không đưa nhà vua phê duyệt. Đến hôm sau, lại hạ lệnh đến thi ở Phủ chúa, rồi căn cứ vào bài đối sách tại phủ đường để định sự đỗ cao, đỗ thấp.

Người ấn hành Truyện Kiều

Đỗ đầu kỳ thi này là Lê Huy Trâm và Phạm Nguyễn Du đạt danh vị Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (sau gọi là Hoàng

Khi Chúa Trịnh Sâm cử tướng Hoàng Ngũ Phúc mang quân vào đánh chúa Nguyễn ở Nam Hà, chiếm được vùng Thuận Hóa năm 1774, Phạm Nguyễn Du nhận lệnh vào giúp việc cho viên tướng này.

giáp). Ông Lê Huy Trâm quê ở xã Bối Khê huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam (nay là Hà Nội), khi đi thi là nho sinh trúng thức, đỗ năm 38 tuổi.

Thời Lê, ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc. Sau thời Tây Sơn, đến thời Nguyễn, ông lại ra làm quan, được bổ chức Học sĩ và Đốc đồng xứ Kinh Bắc.

Phạm Nguyễn Du (1740 - 1786) quê ở xã Đặng Điền huyện Chân Phúc phủ Đức Quang (nay là huyện Nghi Lộc), Nghệ An. Trong khoa thi Hương năm 1773, ông từng đỗ Đầu xứ, được bổ Văn chức, đỗ kỳ thi Tứ trọng, các bài thi do vua ra bài đều đỗ đầu, được vào hầu giảng hàng ngày, từng được bổ các chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử Toản tu.

Năm 1779, trong kỳ thịnh khoa này, ông thi đỗ lúc đã 40 tuổi. Ở trường hai, trường bốn và ứng chế ông đều đỗ đầu.

Theo sách “Lịch triều tạp kỷ”, Phạm Nguyễn Du lấy chị ruột của Quận Bằng Nguyễn Hữu Chỉnh, nhân vật khuấy đảo lịch sử nước nhà trong giai đoạn cuối triều Lê mạt, đầu triều Tây Sơn. Khi quân Tây Sơn ra Bắc lần đầu năm 1786, ông lánh vào rừng rồi mất cùng năm đó, lúc 47 tuổi, được đưa về gần nhà mai táng. Ông từng tham gia biên soạn bộ “Đại Việt sử ký tục biên” và có nhiều tác phẩm văn thơ như “Đoạn trường lục” (thơ khóc vợ), “Nam hành ký đắc tập”, “Độc sử si tập”. Ông được công nhận là danh nhân của tỉnh Nghệ An.

Phạm Quý Thích (1759-1825) là người xã Lương Đường, huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang tỉnh Hải

Chính Phạm Quý Thích là người đã lo ấn hành quyển Truyện Kiều để nhân dân được thưởng thức. Ông mất năm 1825, thọ 65 tuổi. Ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có con đường mang tên ông.

Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời Lê, ông làm quan Thiêm sai Tri Công phiên, Đông các Hiệu thư. Thời Tây Sơn, ông đi ở ẩn. Thời Gia Long, ông được bổ chức Thị trung học sĩ, rồi được bổ Đốc học phủ Hoài Đức, tước Thích An hầu. Sau ông cáo quan về quê nghỉ.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua có chỉ tuyên triệu Phạm Quý Thích vào kinh đô Phú Xuân, nhưng ông đang ốm nên từ chối. Sau đó, ông chuyên việc dạy học ở quê nhà, học trò của ông rất đông, trong đó có các trí thức tên tuổi như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lữ, Chu Doãn Trí, Phạm Hội...

Phạm Quý Thích để lại nhiều tác phẩm văn thơ như “Thảo Đường thi nguyên tập”, “Lập Trai văn tập”, “Thiên Nam long thủ liệt truyện” (Liệt truyện những người đỗ Trạng nguyên của nước Nam), “Chu Dịch vấn đáp toát yếu”.

Ông là bạn thân của danh sĩ Nguyễn Du và là người đầu tiên đem Truyện Kiều ra bình phẩm với học trò, làm bài thơ “Đoạn trường tân thanh đề từ” (thường gọi là Tổng vịnh Truyện Kiều), với những câu thơ xuất sắc, đánh giá cao tác phẩm này là “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy/Tân Thanh đáo để vị thùy thương”, dịch nghĩa là: “Vì một mảnh tài tình mà ngàn năm còn lụy/Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng”.

Chính Phạm Quý Thích là người đã lo ấn hành quyển Truyện Kiều để nhân dân được thưởng thức. Ông mất năm 1825, thọ 65 tuổi. Ở quận Tân Phú, TP.HCM hiện có con đường mang tên ông.

Các tiến sĩ khác của kỳ thi này đều được bổ nhiệm vào các chức quan văn trung cao cấp, như Nguyễn Đường, từng làm Phó sứ sang nhà Thanh, Trung Quốc, hay Phan Huy Bá, là cháu gọi danh sĩ Phan Huy Ích là chú, từng giữ chức Đốc đồng Sơn Tây, Thiêm sai Tri Công phiên...

Lê Tiên Long

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giao-duc/thinh-khoa-nam-ky-hoi-cach-day-tron-240-nam-955167.html