Thính giả cũng phải 'hàn lâm'

Nhân việc HĐND TP.HCM vừa chính thức bỏ phiếu thuận về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch trong Khu đô thị Thủ Thiêm với giá trị khái toán 1.500 tỷ đồng cũng rất cần tìm hiểu về dòng nhạc giao hưởng.

Phải nói ngay rằng giao hưởng là một loại hình nghệ thuật hàn lâm, rất kén người nghe. Thậm chí chưa phải ai cũng hiểu tường tận về khái niệm giao hưởng. Thuật ngữ Symphonic music (nhạc giao hưởng) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là “hòa hợp âm hưởng”, chỉ những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn. Mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc có một âm sắc riêng. Do cách kết hợp, pha trộn nhiều âm sắc của các loại nhạc cụ, người thưởng thức sẽ thấy được sự phong phú muôn màu, muôn vẻ của tác phẩm. Nhạc giao hưởng gồm có các loại: liên khúc giao hưởng (còn gọi là bản giao hưởng), tổ khúc giao hưởng, côngxectô (concerto), uvéctuya (ouverture), thơ giao hưởng, những khúc rapxôđi (rhapsodie) và phăngtedi (fantaisie) giao hưởng...

Đa số các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, nhạc giao hưởng (symphony) đầu tiên xuất hiện trong nhạc kịch của Alessandro Scarlatti (1660-1725) thuộc trường phái Naples của Ý. Nhưng phải đến thế kỷ thứ XVIII, nghệ thuật giao hưởng mới được định hình và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, nhạc sĩ thiên tài người Áo Hayđơn được gọi là "cha đẻ của giao hưởng". Ở Việt Nam, nghệ thuật giao hưởng còn khá non trẻ, với một số tác phẩm như "Quê hương Việt Nam" (Hoàng Việt), "Đồng Khởi" (Nguyễn Văn Thương), "Trăm sông đổ về biển đông" (Trần Ngọc Sương), "Rhapsodie Việt Nam" (Đỗ Hồng Quân)…

Được coi là hình thái cao nhất của nhạc đàn, thể loại âm nhạc này còn liên kết với các thể loại khác để tạo nên những tác phẩm mang hình tượng nghệ thuật tổng quát như giao hưởng chiêu hồn, giao hưởng balê, giao hưởng thanh xướng kịch… Quan trọng nhất trong giao hưởng là sự phát triển và mối liên kết các ý tưởng âm nhạc theo logic, kết hợp với sự tương phản giữa các chương nhằm tạo nên sự phong phú về hình tượng nghệ thuật và kịch tính âm nhạc sâu sắc.

Chính vì độ khó và thời lượng của mỗi tác phẩm (được ví như kịch hoặc tiểu thuyết bằng âm nhạc) thường dài, nên chỉ riêng việc hiểu được giao hưởng đã là khó, thưởng thức được cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này còn khó hơn, đòi hỏi quá trình tìm hiểu, học tập, có thể nhiều năm trời.

Quả thực, không có nhiều thính giả “chất lượng cao” như thế.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thinh-gia-cung-phai-han-lam.aspx