Thiếu vốn, thiếu đất, yếu cạnh tranh: Ai chữa bệnh cho doanh nghiệp nhỏ?

Bên cạnh những cải thiện tích cực, Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2015 do Viện Ngiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường Đại học Liên hợp quốc (Unu Wider) thực hiện vừa công bố mới đây cho thấy, phần lớn DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất kinh doanh.

Dù tỷ lệ DN phản ánh khó khăn có giảm nhưng thứ tự mức độ các khó khăn thường gặp vẫn như cũ

Theo kết quả công bố tại Báo cáo, năm 2015, 83% trong tổng số hơn 2.600 DNNVV ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được điều tra cho biết, họ có gặp trở ngại trong kinh doanh. Tỷ lệ này tương đương kết quả điều tra năm 2013. Các trở ngại lớn nhất được các DN phản ánh lần lượt theo mức độ khó khăn giảm dần là thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; áp lực cạnh tranh quá lớn; thiếu đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh.

“So với các cuộc điều tra trước đây, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ DN phản ánh khó khăn do thiếu vốn và thiếu nhu cầu về sản phẩm đã giảm đi. Trong khi đó, vẫn có 17% DN tham gia điều tra cho biết gặp trở ngại từ áp lực cạnh tranh, tương đương với tỷ lệ năm 2011 và năm 2013”, giáo sư Finn Tarp, Giám đốc UNU Wider, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo cho biết.

Kết quả điều tra cho thấy, khoảng 93% các DN có quy mô siêu nhỏ trong cuộc khảo sát năm 2013 vẫn duy trì quy mô thuộc nhóm này trong điều tra năm 2015. Chỉ một số ít DN siêu nhỏ chuyển lên nhóm quy mô vừa từ 50 đến 300 lao động.

Theo ông Finn Tarp, mặc dù tỷ lệ DN phản ánh khó khăn có giảm so với báo cáo các năm trước, điều kiện kinh doanh đã có sự cải thiện, song các đặc tính môi trường kinh doanh của DNNVV ít thay đổi, khi thứ tự mức độ các khó khăn thường gặp vẫn như cũ. Điều này phản ánh thực tế là tỷ lệ các DNNVV gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn khá cao và chưa có cải thiện đáng kể.

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo là sự chuyển đổi về quy mô cũng như tính chính thức của các DNNVV đã có dấu hiệu cải thiện, tuy chưa đạt mức kỳ vọng. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, khoảng 93% các DN có quy mô siêu nhỏ trong cuộc khảo sát năm 2013 vẫn duy trì quy mô thuộc nhóm này trong điều tra năm 2015. Chỉ một số ít DN siêu nhỏ chuyển lên nhóm quy mô vừa từ 50 đến 300 lao động.

Gần 98% các DN trong khu vực chính thức trong khảo sát năm 2013 tiếp tục ở lại khu vực này năm 2015 và chỉ một số lượng nhỏ chuyển sang khu vực phi chính thức.

“DN siêu nhỏ dường như vẫn giữ nguyên quy mô, ít có sự phát triển, nhưng có thể thấy rõ xu hướng chính thức hóa nhiều hơn. Cụ thể, khi xem xét sự thay đổi kết quả điều tra trong bộ dữ liệu, chúng tôi nhận thấy, có một lượng lớn các doanh nghiệp, lên tới 96% ra khỏi khu vực phi chính thức trong giai đoạn 2013 - 2015. Sự thay đổi tích cực này rất đáng kể so với giai đoạn 2011 - 2013, khi chỉ có khoảng 10% số DN chuyển từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức”, ông Finn Tarp cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân của diễn biến này là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được thông qua năm 2014 đã có hiệu lực thi hành. Hai luật này hình thành nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký kinh doanh, góp phần làm tăng số lượng đăng ký DN. Nhóm nghiên cứu của UNU Wider đánh giá, đây là bước tiến khả quan cho thấy sự cải thiện về mặt thể chế đã mang lại kết quả tích cực, nhanh chóng giúp DN gia tăng về số lượng, cũng như hoạt động chính thức nhiều hơn.

Bên cạnh đó, theo kết quả báo cáo điều tra năm 2015, tỷ lệ rút khỏi thị trường của DNNVV năm 2015 là 8,2%/năm và tỷ lệ này thấp hơn so với giai đoạn 2009 - 2013. Trong đó, DN quy mô vừa có khả năng ra khỏi thị trường thấp hơn so với các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Tỷ lệ ra khỏi thị trường cao nhất là ở ngành may mặc và sản xuất giấy.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, tuy chưa thể phản ánh một cách đầy đủ bức tranh tổng thể DNNVV hiện nay, song kết quả điều tra tại báo cáo này một lần nữa cho thấy những vấn đề tồn tại, cũng như phản ánh hiện trạng sức khỏe của khu vực này. Theo ông Hiếu, môi trường kinh doanh giống như bể cá. Diễn biến cuộc sống của DN cũng như những con cá trong bể, được thể hiện qua sự lớn mạnh về số lượng, tăng trưởng về chất lượng. Các nhà quản lý và làm chính sách phải nhìn vào các biểu hiện hàng ngày để nhận diện vấn đề tồn tại, sớm tìm cách khắc phục.

Đó cũng là lý do, theo ông Hiếu, CIEM muốn lắng nghe ý kiến từ DN, là đối tượng chịu tác động của chính sách, để biết hiệu quả thực thi các chính sách tới đâu, đã thực sự tốt cho DN hay chưa.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/thieu-von-thieu-dat-yeu-canh-tranh-ai-chua-benh-cho-doanh-nghiep-nho-169317.html