Thiếu vốn ổn định dân cư vùng sạt lở đất

Lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xuất hiện bất ngờ, đột ngột, mức độ tàn phá lớn, hậu quả gây ra rất nặng nề, trong khi công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, tại Việt Nam, còn gần 20.000 người dân bị mất nhà ở do lũ quét, sạt lở đất hoặc ở nơi không an toàn, cần phải di dời. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư để tái định cư so với nhu cầu của thực tiễn còn rất hạn chế.

Sạt lở đất làm hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông tại Hà Giang. Ảnh: Văn Đô

Sạt lở đất làm hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông tại Hà Giang. Ảnh: Văn Đô

Năm 2018, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền của cả nước, với 16/21 hình thái thiên tai. Trong đó, lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ năm 2011, uy hiếp toàn bộ hệ thống đê bao và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của trên 1 triệu hộ dân. Sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung với 2.055 điểm/2.710km, trong đó, 131 điểm/380km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tới nhiều hộ dân và công trình cơ sở hạ tầng... Trong số 224 người chết do thiên tai, có 82 người chết do lũ quét, sạt lở đất.

Đề cập tới vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương này đã bố trí kinh phí 20 tỉ đồng để khắc phục các hư hỏng hạ tầng do thiên tai. Tuy nhiên, số vốn này chỉ như muối bỏ biển. Hiện, Khánh Hòa vẫn còn hơn 200 công trình hư hỏng cần được xem xét, cân đối nguồn kinh phí để khắc phục.

Năm 2018, Khánh Hòa là một trong số những tỉnh hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của thiên tai. Đặc biệt là dịp cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố Nha Trang, Khánh Hòa đã xuất hiện đợt mưa lớn ngoài dự báo và vượt quá tần suất, gây ra đợt lũ quét đầu tiên trong lịch sử của thành phố với mức độ thiệt hại rất nghiêm trọng. Ông Thiên cho biết, một số khu vực không được địa phương cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất đã bị sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng như: Phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang; xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Theo thống kê, năm 2018, thiên tai khiến 352 nhà ở Khánh Hòa bị sập đổ, hư hỏng; 20 người bị chết do sạt lở đất.

Do ảnh hưởng mưa lũ, hệ thống kè và cống thoát nước dưới đường đã bị sập, gây chia cắt giao thông trong khu vực xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, làm cô lập hoàn toàn hơn 300 hộ/1.100 người dân. Hiện, địa phương đã lắp cầu tạm phục vụ người dân qua lại. Tuy nhiên, để gia cố, khắc phục đoạn đường bị hư hỏng nhằm đảm bảo giao thông, vận chuyển của người dân tại khu vực, Khánh Hòa cần tới 230 tỉ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng đang cần khoảng 100 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí di dời dân tại các khu vực nguy hiểm. Trong đó, Dự án di dân vùng thiên tai thôn Thành Phát, xã Phước Đồng - điểm bị sạt lở nặng nề hồi cuối tháng 10-2018 với kinh phí 50 tỉ đồng và khoảng 45 tỉ đồng để thực hiện di dân phòng, chống thiên tai đối với một số dự án như: Tái định cư dân cư vùng thiên tai xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh và Dự án ổn định sản xuất cho dân vùng rừng đầu nguồn Tà Lương. Đây đều là những dự án cần ưu tiên.

Tỉnh Thanh Hóa hiện cũng đang trong tình trạng “khát” vốn để ổn định dân cư bị ảnh hưởng lũ quét và sạt lở đất. Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn 11 huyện miền núi Thanh Hóa thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất gây hậu quả rất nặng nề. Việc khắc phục hậu quả lũ quét gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa mới bố trí ổn định được 2.390 hộ sinh sống ở khu vực nguy hiểm.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư nhỏ lẻ và dân cư tại các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai thuộc các huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, với nhu cầu ổn định cho 8.100 hộ dân, tổng nhu cầu kinh phí 385 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu trên là không đơn giản.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: Hải Thượng

Trong khi đó, tỉnh Cà Mau cũng đang thiếu vốn xử lý các điểm sạt lở. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, năm 2018, sạt lở, giông, lốc làm gần 1.500 ngôi nhà tại tỉnh này bị hư hỏng và hơn 100km bờ biển bị sạt lở. Theo UBND tỉnh Cà Mau, mặc dù nhu cầu vốn để khắc phục sạt lở bờ biển Tây là hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, Trung ương bố trí vốn cho tỉnh khoảng 528 tỷ đồng, còn lại chiều dài 21,6km đang thiếu vốn. Nguồn vốn đầu tư khắc phục sạt lở bờ biển Đông khoảng 852,8 tỷ đồng, hiện Trung ương bố trí vốn trên 408 tỷ đồng, còn lại chiều dài 15,7km vẫn đang đợi vốn về.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nguồn lực đầu tư cho công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai đã được cải thiện, song, so với yêu cầu thực tiễn đặt ra còn nhiều hạn chế. Hiện tại, nguồn vốn chủ yếu tập trung cho khắc phục khẩn cấp, ngắn hạn nhưng cũng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là về đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dân dẫn đến việc xử lý khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm, kéo dài, không dứt điểm. Hiện, còn 4.664 hộ/19.980 người tại 21 tỉnh, thành phố mất nhà ở do lũ quét, sạt lở đất hoặc nơi ở không an toàn, cần phải di dời.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thieu-von-on-dinh-dan-cu-vung-sat-lo-dat/