Thiếu vắng Ấn Độ, RCEP vẫn rất 'lợi hại'

Tờ The Business Times nhận định, ngay cả không có Ấn Độ, một Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 nước – hay RCEP 15 – sẽ là một tiến bộ quan trọng đối với khu vực Đông Á.

Ấn Độ, đứng ngoài khối RCEP được cho là sẽ thua thiệt do sự đa dạng hóa thương mại khi các nước tham gia mua hàng hóa của nhau thay vì của Ấn Độ. (Nguồn: Business Standard)

Quá trình đàm phán về RCEP đã hoàn tất. Các nhà làm luật tiếp tục làm việc để tiến tới một lễ ký chính thức, có khả năng diễn ra vào tháng 2/2020.

RCEP không “thỏa mãn” được Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo quyết định của Ấn Độ không tham gia RCEP tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đầu tháng 11. Tạp chí Foreign Policy dẫn lời Thủ tướng Modi nói rằng, các cuộc thương lượng RCEP đã không giải quyết được các mối quan tâm và vấn đề chủ yếu của Ấn Độ.

Theo tờ này, sự phản đối của Ấn Độ đối với thỏa thuận thương mại nói trên không có gì là khó hiểu. Thứ nhất, Ấn Độ đang bị thâm hụt thương mại với 11/15 thành viên khác của RCEP và mức thâm hụt đối với một số nước là khá lớn. Chính vì điều này, ngay từ khi khởi động các cuộc đàm phán, Ấn Độ đã yêu cầu xây dựng cấu trúc ba tầng về việc xóa bỏ thuế quan cho các nhóm quốc gia khác nhau.

Ví dụ, Ấn Độ sẽ giảm mức thuế ban đầu đối với 65% hàng hóa từ khu vực ASEAN và giảm tiếp đối với 15% nữa trong vòng khoảng 10 năm. Đối với các quốc gia mà Ấn Độ đã có thỏa thuận thương mại song phương như Nhật Bản và Hàn Quốc, mức giảm thuế đối với các mặt hàng sẽ khoảng 62,5%. Đối với các thành viên còn lại của RCEP, bao gồm Trung Quốc, nước hiện chưa có thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ, sẽ chỉ được giảm khoảng 42,5% thuế.

Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ về phương pháp tiếp cận nói trên, năm 2017, Ấn Độ đã đề xuất tự do hóa thuế quan đối với 74% hàng hóa từ Trung Quốc, Australia, New Zealand và mức giảm thuế lên tới 86% đối với các thành viên RCEP khác.

Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN và các thành viên RCEP khác vẫn muốn Ấn Độ nhượng bộ nhiều hơn nữa và cam kết cắt giảm 92% các dòng thuế đối với hàng hóa từ tất cả các nước. Đến năm 2019, các nước thành viên tiếp tục yêu cầu Ấn Độ chấp nhận việc xóa bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu đối với hơn 1/4 các mặt hàng giao thương một khi thỏa thuận RCEP có hiệu lực.

Là một trong những quốc gia có mức thuế suất trung bình cao nhất đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu so với các quốc gia thành viên khác của RCEP, Ấn Độ sẽ nằm trong số những nước phải cắt giảm thuế quan lớn nhất để đưa mức thuế về 0. Không có số liệu nào chỉ rõ liệu những lợi ích của thỏa thuận có bù đắp được những chi phí đó hay không.

Một vấn đề khác đối với Ấn Độ là khả năng mở cửa thị trường đối với Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới cơn càn quét hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đối với các mặt hàng của Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ đối với Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% tổng thâm hụt thương mại của nước này và khoảng cách này ngày càng lớn kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.

Ấn Độ có lý do chính đáng để quan ngại về một làn sóng mở cửa thứ hai sẽ khiến tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng hơn. Để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi ảnh hưởng của các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc, Ấn Độ đã thương lượng với các thành viên RCEP về một cơ chế tự động áp lại các mức thuế nhập khẩu tự vệ nếu một ngưỡng nhất định nào đó đã được các nước thành viên nhất trí bị vượt qua. Ấn Độ muốn một hệ thống có thể tự động kích hoạt để có thể ngăn chặn ngay lập tức bất kỳ thiệt hại nào đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, các bên đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này.

Ngoài ra, ngay cả khi thực hiện các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa khỏi sự tăng vọt hàng hóa nhập khẩu trực tiếp của Trung Quốc, các mặt hàng của Trung Quốc vẫn có thể tìm con đường thâm nhập thị trường Ấn Độ thông qua các nước thứ ba nếu như các quy tắc nguồn gốc xuất xứ của RCEP không được chấp hành nghiêm chỉnh.

FTA lớn nhất thế giới

Tuy nhiên, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP lưu ý rằng các nước tham gia sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề đáng lưu tâm của Ấn Độ và vẫn để không gian cho Ấn Độ gia nhập khi nước này sẵn sàng.

RCEP đem lại cơ hội hiếm có để Ấn Độ hưởng lợi từ sự năng động kinh tế của khu vực Đông Á theo cách thức có ích cho việc đạt được những tham vọng trong lĩnh vực chế tạo sản xuất và xuất khẩu của nước này. Bởi vậy, Ấn Độ nên cân nhắc và tham gia RCEP. Tuy nhiên, ngay cả không có Ấn Độ, một RCEP gồm 15 nước – hay RCEP 15 – sẽ là một tiến bộ quan trọng đối với khu vực Đông Á vì một số lý do sau:

Thứ nhất, vì chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số toàn cầu, RCEP 15 vẫn là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, rất nhiều thỏa thuận thương mại khu vực lớn như Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Khối thị trường chung châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, giờ đây được gọi là Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada – USMCA), các hiệp định ASEAN+1 và gần đây nhất là Hiệp định CPTPP đã được đàm phán xong hoặc đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, tất cả các hiệp định này đều có những hạn chế dưới hình thức này hay hình thức khác khi so sánh với RCEP 15. Ví dụ, so sánh với USMCA, khối thương mại lớn thứ hai thế giới, RCEP 15 có GDP lớn hơn một chút (24.800 tỷ USD so với 23.400 tỷ USD) và đem lại lợi ích cho nhiều người hơn (2,3 tỷ người so với 494 triệu người).

Thứ hai, dù những chi tiết của các cuộc đàm phán ở Bangkok không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng RCEP 15 sẽ vẫn là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao thích ứng với thương mại quốc tế thế kỷ 21, dù vẫn còn kém hơn so với CPTPP.

RCEP đã dành một số chương cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp, đồng thời đưa ra các thủ tục rộng rãi cho sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật liên nhà nước vì sự thịnh vượng chung. Điều có ý nghĩa hơn là RCEP 15 có tiềm năng được coi là hiệp định định ra tiêu chuẩn thương mại khu vực bởi những nguyên tắc mà nó quyết định có thể trở thành những chuẩn mực và tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở châu Á và xa hơn nữa.

Điều này sẽ đặc biệt đúng khi RCEP 15 mở cửa cho các thành viên mới trên khắp khu vực. Hong Kong (Trung Quốc), gần đây đã có một hiệp ước thương mại với ASEAN, có thể tham gia RCEP trong một tương lai không xa.

Thứ ba, RCEP 15 sẽ làm hài hòa các FTA hiện đang tồn tại giữa ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Nó sẽ đem lại những lợi ích về kinh tế và hậu cần. Mặc dù không lớn như RCEP bởi thiếu một nước là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và có hơn 1,3 tỷ dân, nhưng những lợi ích kinh tế của RCEP 15 vẫn sẽ đáng kể. RCEP 15 về lâu dài có thể tạo ra một sự gia tăng GDP thực khoảng 137 tỷ USD cho khối này, bằng khoảng 80% so với RCEP có Ấn Độ (171 tỷ USD).

Ở cấp độ quốc gia, tất cả các nước RCEP 15 sẽ được lợi. Ấn Độ, đứng ngoài khối này, sẽ thua thiệt do sự đa dạng hóa thương mại khi các nước tham gia mua hàng hóa của nhau thay vì của Ấn Độ.

Cuối cùng, RCEP 15 sẽ có những lợi ích địa chính trị khi một khối thương mại mới sẽ được hình thành ở Đông Á. Trong một môi trường toàn cầu khi mà nhiều nước đang thực hiện các chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đôi khi mang tính đơn phương, khối thương mại mới này sẽ đem lại sự thúc đẩy kịp thời cho chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại dựa trên các nguyên tắc.

(theo The Business Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thieu-vang-an-do-rcep-van-rat-loi-hai-104849.html