Thiếu tướng Võ Bẩm - sứ mệnh người mở đường…

ng Trường Sơn đã đi vào lịch sử, trở thành con đường huyền thoại, góp phần hết sức quan trọng vào thắng lợi mùa Xuân 1975. Làm nên 'kỳ tích của thế kỷ XX' ấy là công sức, xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến… và đặc biệt là những vị tướng tài ba.

“Kiến trúc sư của đường Trường Sơn”, “người khai sơn phá thạch đường Trường Sơn”, “người mở đầu huyền thoại”… đó là những cụm từ vẫn được giới báo chí dành tặng cho Thiếu tướng Võ Bẩm - người mà ngày 5/5/1959 được Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, hồi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - tiền thân của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Ngày đó, người con ưu tú của Quảng Ngãi đã được tín nhiệm giao phó một sứ mệnh vô cùng đặc biệt, tuyệt mật và hệ trọng: mở một đường giao thông đặc biệt từ Bắc vào Nam, trong thời gian ngắn nhất, bí mật và an toàn nhất để vận chuyển vũ khí, hàng hóa nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam, theo kế hoạch của Bộ Chính trị…

Hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2006) của Thiếu tướng Võ Bẩm.

Vinh dự lớn nhưng đi kèm cũng là thử thách lớn. Rừng Trường Sơn hun hút điệp trùng, thời tiết khắc nghiệt, bom đạn địch rình rập… Nhưng “vì miền Nam ruột thịt” đang cần tiếp sức, Đoàn trưởng Võ Bẩm cùng các cán bộ, chiến sĩ của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, sau là Đoàn 559 hăng hái lên đường. Cuối năm 1959, sau khi có những cuộc họp bàn về việc mở đường vào Nam với đại diện Khu 5 và Trị - Thiên, đích thân Đoàn trưởng Võ Bẩm dẫn đầu một nhóm cán bộ chiến sĩ vào miền Tây Vĩnh Linh và Trị - Thiên, len lỏi giữa những cánh rừng Trường Sơn, tìm con đường tốt nhất vào Nam. Và thành công đầu tiên của ông và đồng đội chính là đã tìm ra một địa điểm xuất phát phù hợp nhất cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. “Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ, ở dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn Rào Thanh, Tây Nam Vĩnh Linh; cách Nông trường Bãi Hà non 1km về phía Tây Nam, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, tuyến đường được phát triển theo hướng Tây Nam, qua làng Mít, vượt đỉnh 1001, đỉnh 1600, vượt sông Bến Hải, qua đỉnh 1701” - Thiếu tướng Võ Bẩm lý giải về việc chọn Khe Hó trong cuốn hồi ký của mình. Không lâu sau ngày mở lối, những chuyến vũ khí, quân nhu đầu tiên đã bí mật tới khu tập kết của Đoàn 559 tại khu rừng già gần Khe Hó rồi được chuyển vào chiến trường miền Nam an toàn. Đến cuối năm 1959, Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn Võ Bẩm đã chỉ huy bộ đội Đoàn 559 mang vác chuyển cho Khu 5 và Trị - Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, hàng ngàn quân cụ thiết yếu; đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường.

Tuy nhiên, được một thời gian, tuyến đường bị địch phát hiện, đánh phá điên cuồng. Chiến trường miền Nam đang cần tiếp sức, con đường chi viện không thể bị cắt đứt. Một lần nữa, Đoàn trưởng Võ Bẩm cùng đồng đội lại “nằm vùng” lăn lộn trong rừng già, núi cao hiểm trở, hiểm nguy rình rập… để khảo sát tìm ra tuyến đường mới. Tháng 8/1960, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào làng Mít trực tiếp chỉ đạo tổ chức lực lượng khảo sát đường mới dọc tuyến biên giới Việt – Lào, vừa tìm đường mới vừa gây dựng cơ sở, vừa cố gắng khôi phục lại đường cũ và áp dụng những hình thức chiến thuật vận chuyển mới.

Giờ đây nhìn lại, có lẽ ít người có thể tưởng tượng nổi, trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến thế, làm cách nào để những người lính 559 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những chiến sĩ của “đoàn quân Võ Bẩm” đã làm được rất nhiều những điều phi thường: những năm 1959-1960, trong chiến tranh khốc liệt, mọi việc vận chuyển của Đoàn 559 đều được thực hiện bằng sức người. Mỗi chiến sĩ thường xuyên phải cõng 30-40kg, trên hàng loạt địa hình hiểm trở: lúc trèo qua dãy núi dựng đứng, lúc phải bơi qua ghềnh thác trên sông.

Nhưng với người Đoàn trưởng tài năng, mưu trí Võ Bẩm, hai chữ bằng lòng dường như không khi nào hiện hữu. Ông luôn trăn trở tìm mọi cách “vượt khó” để tuyến đường vận tải Trường Sơn vào Nam ngày càng hiệu quả hơn nữa. Trong đó, nung nấu nhất trong ông là câu chuyện “phá thế độc tuyến” trong vận tải.

Bởi vậy, ngay sau khi đường Trường Sơn đi vào hoạt động ổn định, Đoàn trưởng Võ Bẩm đã là người đầu tiên táo bạo đề xuất thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển - khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển sau này. Kế hoạch này nhanh chóng được Bộ Chính trị thông qua và giao cho đồng chí tuyển chọn những cán bộ chiến sĩ Khu 5 tập kết thành lập đơn vị, ngụy trang là “đoàn đánh cá”. Đến đầu năm 1960, “tập đoàn đánh cá” này bắt đầu đánh cá để thăm dò ở vùng biển cửa sông Gianh. Đây chính là tiền thân của những đoàn tàu không số, của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 5/1961, một tuyến đường giao liên hành quân mới được hình thành ở phía Tây Trường Sơn bên lãnh thổ Lào. Nhờ có tuyến đường mới này, việc chi viện miền Nam có điều kiện để mở rộng quy mô, đồng thời phòng tránh được sự phá hoại của địch, pháo lớn bắt đầu được đưa vào chiến trường.

Đoàn xe vận tải quân đội 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh.

Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm còn mở thêm một số tuyến đường mới, sửa chữa nhiều tuyến đường khác. Từ đơn thuần là đường gùi, thồ nội địa và dọc biên giới, Đoàn đã được trang bị 6 xe Gát 69, 2 xe Gát 51, 16 xe Gát 63 và hơn 600 xe đạp thồ... Lực lượng vận chuyển không chỉ phòng tránh địch đánh phá, mà còn được trang bị vũ khí để “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Đồng thời, từ chỗ phải “giấu dân”, Đoàn đã tiến tới tranh thủ và gây dựng cơ sở trong nhân dân. Đặc biệt, ta còn dùng cả máy bay vận chuyển vũ khí…

“Dấu ấn Võ Bẩm” đã hiển hiện qua sự phát triển vượt bậc như kỳ tích của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Dấu ấn ấy chắc hẳn sẽ còn ghi dấu đậm nét hơn nữa trên dãy Trường Sơn nếu không bởi một điều tiếc nuối: sau sự kiện mở đường 20 Quyết Thắng, năm 1966, ông được lệnh rút ra Hà Nội để chữa bệnh vì những năm tháng lăn lộn trên đường Trường Sơn đã khiến sức khỏe ông suy giảm.

Năm 2009, Thiếu tướng Võ Bẩm rời xa cõi tạm ở tuổi 94. Điều tiếc nuối là người Anh hùng đã ra đi ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và thành lập Đoàn 559. Nhưng, như một bài báo đã viết: Võ Bẩm - tên ông sẽ mãi là một phần không thể thiếu của Trường Sơn bất tử.

Thư Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thieu-tuong-vo-bam--su-menh-nguoi-mo-duong-post60863.html