Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - 'Người Tư lệnh đầu tiên của bộ đội Trường Sơn năm ấy'

'Đường Trường Sơn con đường vĩ đại/ Đã trở thành huyền thoại cùng cha…' là câu thơ mà bà Phan Thị Gia Liên viết về cha mình - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại.

“Tôi đọc hồi ký của cha/Người tư lệnh đầu tiên của bộ đội Trường Sơn năm ấy/ Nước mắt trào dâng/ Qua từng trang viết về sự ác liệt của chiến tranh.

Tôi như nhìn thấy con đường 20 Quyết Thắng/ Xuyên thẳng qua núi cao vực thẳm, trong tiếng gào thét của bom đạn mưa giông.

Nhìn thấy hai vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong/ tay cầm bộc phá, nắm choòng/Cùng cha tôi phơi mình trước phong ba bão táp.

...

Đường Trường Sơn con đường vĩ đại/ Đã trở thành huyền thoại cùng cha…”.

Đó là những vần thơ đầy sự thương yêu và thấu hiểu của bà Phan Thị Gia Liên về cha mình - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại. Những vần thơ chứa chan cảm xúc ấy cũng chính là sự chấm phá những dấu ấn đậm nét nhất của cuộc đời vị Tư lệnh Đoàn 559.

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ

Mối lương duyên khiến tướng Phan Trọng Tuệ trở nên gắn bó mật thiết với cung đường Trường Sơn, với Đoàn 559, bắt đầu từ năm 1965. Thời điểm ấy, Đoàn 559 đã xây dựng được hệ thống đường giao liên, đường gùi thồ từ Đông sang Tây Trường Sơn. Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc Mỹ tiến hành “cuộc chiến tranh đặc biệt”, âm mưu mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, cuộc chiến ngày càng thêm phần khốc liệt. Giao thông vận tải cả đường bộ, đường thủy là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch. Đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch: đường số 1, đường 15, đường 12 bị đánh phá dữ dội. Các điểm vượt sông quan trọng như phà Gianh, phà Xuân Sơn, Long Đại, Bến Thủy… thường xuyên bị khống chế. Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chiến đấu ngày càng tăng, nhiệm vụ chi viện chiến trường càng lớn, càng khẩn trương, đòi hỏi hệ thống đường vận chuyển bằng cơ giới phải cần phát triển mạnh. Nếu chỉ có một cửa khẩu đường 12 qua nhiều trọng điểm như Khe Ve, Cổng Trời, Mụ Giạ bị địch thường xuyên đánh phá ác liệt luôn bị tắc đường, nhất là vào thời tiết mưa lũ, đường sình lầy thì không thể đảm bảo chi viện đáp ứng kịp thời cho chiến trường.

Từ yêu cầu của tình hình mới, Đoàn 559 (tương đương cấp sư đoàn) được nâng quy mô tổ chức lên thành đơn vị tương đương cấp quân đoàn. Đồng thời, tháng 4/1965, Bộ Chính trị đã cử Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tham gia Quân ủy Trung ương, giữ nhiệm vụ Chính ủy kiêm Tư lệnh của Bộ Tư lệnh 559.

Nhận nhiệm vụ mới, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đau đáu về việc làm thế nào để phá thế độc tuyến của cung đường vận tải Trường Sơn. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng sau đó đồng ý phải khẩn trương làm đường khác thay đường 129, đường 12… để phá thế độc đạo.

Lễ tuyên thệ vượt cung đường lửa - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm ATP

Con đường khác ấy sau này chính là Đường 20 - Quyết Thắng, dài 125km, bắt đầu từ Km 00 thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm (huyện Ăng – Khăm, tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9. Trong cuốn “Phan Trọng Tuệ - vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại”, ông Nguyễn Tường Lân - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nhớ lại: “Ngay từ khi mới thành lập Bộ Tư lệnh 559 ở Hà Nội, anh Phan Trọng Tuệ đã cùng đồng chí Võ Bẩm - lúc này là Phó Tư lệnh 559, đồng chí Vũ Xuân Chiêm - Phó Chính ủy, đã khẩn trương chuẩn bị kế hoạch thực hiện nhiệm vụ: Trước mắt phải có thêm một con đường, thay thế đường 129 cũ và cả đường 12, phá thế độc tuyến vượt Trường Sơn… Trước khi anh Phan Trọng Tuệ đưa Bộ Tư lệnh 559 vào núi rừng Trường Sơn, anh đã báo cáo và được Bác Hồ nhất trí phải cấp bách làm thêm một con đường vượt Trường Sơn, để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam… Với tầm nhìn chiến lược, sau khi tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, Ty Giao thông Quảng Bình và các chuyên gia giao thông, anh Phan Trọng Tuệ đã quyết định phải làm con đường mới vượt Trường Sơn, từ Đông sang Tây”. Nhưng, trước đó, để có được con đường này trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, địch đánh phá suốt ngày đêm, không hề là điều đơn giản.

Nhưng không có gì có thể làm khó các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và lực lượng TNXP. Đã có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh tham gia mở đường. Ngày 05/5/1966, sau bốn tháng thi công (127 ngày đêm, từ ngày 20/12/1965), dưới sự chỉ huy, đôn đốc sát sao của Tư lệnh Phan Trọng Tuệ, Đường 20 đã được hoàn thành. Do lực lượng thi công con đường đều ở lứa tuổi 20 nên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh 559 đã đặt tên con đường là “Đường 20”, và bởi con đường đã thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm phá thế độc tuyến và giành thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải, vì thế con đường được gán thêm hai chữ “Quyết Thắng” và được gọi đầy đủ là “Đường 20 - Quyết Thắng”.

Đúng như kỳ vọng của “người mở đường Phan Trọng Tuệ”, Đường 20 - Quyết Thắng đã “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”, chi viện kịp thời cả mùa khô và mùa mưa cho chiến trường miền Nam. Hiếm có cung đường nào bị địch bắn phá ác liệt suốt ngày đêm, đến mức được mệnh danh là “Tọa độ lửa”, là “Cánh cửa thép”, là “Cửa tử vượt Trường Sơn”… như Đường 20 - Quyết Thắng. Để các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn không ngừng đưa hàng lên phía trước, các cán bộ chiến sĩ, TNXP nơi cung đường này đã kiên định phương châm “địch đánh phá ngăn chặn, ta đánh địch mở đường”, “địch phá một, ta làm mười”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa ta đi”; “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”… Từ chỗ chỉ là con đường độc tuyến dài 125km năm 1966, đến năm 1973, Đường 20- Quyết Thắng đã là một mạng đường vượt khẩu như “trận đồ bát quái”, với tổng số chiều dài hơn 260km, bảo đảm cho các đơn vị vận chuyển chủ động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mùa Xuân năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi suốt Đường 20 đến cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pha La Nhích. Tại đây, Đại tướng nhận xét: “Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”. Đó cũng là lúc Tư lệnh Phan Trọng Tuệ rời Trường Sơn đi nhận nhiệm vụ mới.

Sau này, mặc dù đã giữ cương vị công tác quan trọng khác (như Phó Thủ tướng Chính phủ), Thiếu tướng, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ vẫn thường xuyên trở lại Trường Sơn. Với ông, Trường Sơn đã trở thành một dấu mốc đậm nét trong cuộc đời.

Thư Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thieu-tuong-phan-trong-tue--nguoi-tu-lenh-dau-tien-cua-bo-doi-truong-son-nam-ay-post60912.html