Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Vẫn có tình trạng sáp nhập một cách cơ học

'Vẫn có tình trạng sáp nhập một cách cơ học. Nhiều phòng sáp nhập thành 1 phòng, trưởng phòng xuống làm phó phòng, phó phòng xuống làm chuyên viên. Có trường hợp trưởng phòng xuống làm phó phòng và số lượng phó phòng thì vẫn giữ nguyên như vậy', Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhận định.

19.08.2018 Tinh gọn bộ máy nhà nước: Đang thực hiện đến đâu?
21.08.2018 Giải thể, sáp nhập thì không tránh được những tác động
26.08.2018 Tinh gọn bộ máy: “Anh em” cũng có tâm tư…
27.08.2018 “Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương” sẽ tránh được việc “bìu díu” dòng tộc

Công tác tinh gọn bộ máy Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, vẫn có tình trạng sáp nhập một cách cơ học và cần phải có chủ trương chung để giải quyết vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Nguồn: Hội Nhà nông)

-Ông nhận định như thế nào về công tác tinh gọn bộ máy đến thời điểm này?

+ Ở cấp Trung ương, Bộ Công an là đơn vị đi đầu, gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương về tổ chức lại bộ máy. Một số địa phương, các bộ ngành cũng đã triển khai nhưng cũng chỉ mang tính chất là sự chủ động từ phía các bộ ngành, địa phương đó chứ cái khung về tổ chức cải cách bộ máy mang tính chất tổng thể, đồng bộ thì chưa được thể hiện rõ nét lắm.

Ví dụ, vấn đề bỏ hay không bỏ cấp Tổng cục? Hiện các bộ ngành có rất nhiều tổng cục, tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này.

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này nhưng theo tôi được biết thì hiện nay những thông tin mà Bộ Nội vụ đưa ra là mới chỉ nghiên cứu sáp nhập các tổ chức của các sở ngành ở địa phương. Riêng ở Trung ương cũng chưa triển khai một cách thống nhất tổ chức lại bộ ngành thế nào cho đồng bộ. Vấn đề này cũng đã được đặt ra tại kỳ họp Quốc hội.

Vừa rồi Bộ Công an đi đầu, gương mẫu trong tinh gọn bộ máy, bỏ cấp Tổng cục nhưng các bộ ngành khác chưa thực hiện thì sẽ thiếu sự thống nhất trong hoạt động, trong phối hợp, trong chức năng nhiệm vụ…

Hiện nay, các địa phương, các bộ hầu như cũng chỉ mới tập trung thực hiện tinh gọn bộ máy ở cấp phòng, cấp trên phòng thì chưa có triển khai trên diện rộng.

-Theo quan điểm của ông, thực hiện công tác tinh gọn bộ máy sẽ gặp khó khăn như thế nào?

+ Cái khó khăn đầu tiên là bộ máy Nhà nước sẽ được tổ chức, cơ cấu lại như thế nào? Ví như cấp nào chúng ta nhất thể hóa: Bí thư kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng nhân dân? Hoặc có thể nhất thể hóa chức danh trong Đảng với các chức danh trong tổ chức bộ máy nhà nước?…

Tổ chức nhân sự là vấn đề về con người. Hiện chúng ta thấy rằng bộ máy chúng ta cồng kềnh, muốn sắp xếp lại thì phải xác định vị trí việc làm trong khi hệ thống vị trí việc làm của chúng ta chưa hoàn chỉnh.

Đến nay các bộ ngành, địa phương chưa xác định được vị trí việc làm. Vì thế phải sắp xếp lại vị trí việc làm và tiêu chuẩn cho các vị trí việc làm đó. Nếu chúng ta xác định được rõ vị trí, tiêu chí việc làm rồi thì khi đó chỉ cần “ráp” vào con người và đương nhiên sẽ dư ra những người không đủ tiêu chí. Như vậy sẽ đỡ phức tạp hơn nhiều so với việc hiện giờ chúng ta không có vị trí việc làm nên đánh giá rất khó.

Có những lúc chúng ta nói rằng 1/3 cán bộ công chức không làm được việc, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, 1/3 là làm việc cầm chừng và 1/3 là làm việc hiệu quả. Nhưng để các định những ai không làm được việc, ai làm việc cầm chừng và ai làm việc hiệu quả là vô cùng khó khăn. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy có tới trên 90% là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điểm tiếp theo nữa là chế độ chính sách. Bây giờ chúng ta phải dành ra một khoản ngân sách nhất định để thu xếp chế độ chính sách cho những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế. Như trường hợp hỗ trợ tiền đối với cán bộ tự nguyện thôi việc tại Đà Nẵng - dư luận cũng có ý kiến trái chiều.

-Vậy thì theo ông, vai trò của người đứng đầu đơn vị, người “cầm cân nảy mực” quan trọng như thế nào?

+ Hiện dư luận cũng cho rằng, nếu chúng ta làm không khéo thì sẽ đưa những người làm được việc, thẳng thắn có khi lại bị tinh giản biên chế và những người có quan hệ gia đình, thân quen, hậu duệ… thì lại được giữ lại bộ máy. Vì thế nếu chúng ta làm không khéo thì sẽ phản tác dụng.

Tôi cho rằng, vai trò của người đứng đầu đơn vị rất quan trọng. Họ phải công tâm và đặt lợi ích chung lên trên hết. Bản thân họ phải gương mẫu. Rất nhiều cơ quan thì người thân của người đứng đầu cơ quan đứng trong tổ chức bộ máy. Nếu người đứng đầu đơn vị mà không công tâm, cách làm không dân chủ thực chất thì sẽ không đạt được yêu cầu đề ra.

-Hiện một số đơn vị đã tinh gọn bộ máy ở cấp nào đó nhưng số lượng biên chế thì vẫn giữ nguyên, thực chất là chưa giảm được số lượng biên chế. Ông nhận định như thế nào về thực tế này?

+ Đúng là vẫn có tình trạng là chúng ta sáp nhập một cách cơ học, nhiều phòng sáp nhập thành 1 phòng. Trưởng phòng xuống làm phó phòng, phó phòng xuống làm chuyên viên. Có trường hợp trưởng phòng xuống làm phó phòng và số lượng phó phòng thì vẫn giữ nguyên như vậy.

Chính vì thế, như tôi đã nói rằng cần phải có chủ trương chung để giải quyết vấn đề này. Nếu bộ máy quá đông thì sự chỉ đạo sẽ gặp nhiều khó khăn. Công việc sẽ bị cắt lát, khó có sự kết nối.

Như tôi đã nói rằng, chúng ta rất cần xác định vị trí việc làm, để rồi nếu “anh” không nằm trong vị trí việc làm thì phải chấp nhận phải nghỉ việc. Và nghỉ việc thì cũng cần có một chế độ chính sách thỏa đáng. Ví như được hưởng nguyên lương ở một khoảng thời gian nhất định, hoặc có hỗ trợ để họ tham gia bảo hiểm đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu để được hưởng chính sách…

Từ nay đến năm 2020 chúng ta không tuyển biên chế, vậy để giảm cơ học thì một số lượng cán bộ cần thiết sẽ phải được bố trí cho đi đào tạo lại để tiếp tục làm việc ở những vị trí theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Chúng ta thực hiện theo nguyên tắc chung nhưng phải đảm bảo sự linh hoạt để tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Ví dụ như ngành giáo dục đang có hiện tượng nơi thừa nơi thiếu... thì Bộ Giáo dục – Đào tạo phải tham mưu cho Chính phủ để có kế hoạch tổng thể bố trí lại lực lượng đội ngũ giáo viên trên toàn quốc. Chứ nếu chúng ta chỉ làm tại một tình, một huyện thì sẽ bị tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

-Và cơ quan lập pháp là Quốc hội cũng sẽ cải tổ lại bộ máy tại các khối như: hành chính, văn phòng chứ, thưa ông?

+ Tôi chưa nắm được kế hoạch của văn phòng, nhưng theo tôi nghĩ chắc chắn sẽ phải nằm trong tổng thể chung công tác sáp nhập. Tôi được biết hiện đang nghiên cứu thí điểm để sáp nhập văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội vào văn phòng đoàn Hội đồng nhân dân và văn phòng Ủy ban nhân dân.

Ở đây dù đang làm thí điểm thôi nhưng quan điểm của tôi là phải nghiên cứu sáp nhập. Ví như sáp nhập nếu văn phòng Hội đồng nhân dân và văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội mà sáp nhập với nhau thì phù hợp vì chức năng nhiệm vụ như nhau nhưng nếu sáp nhập với văn phòng Ủy ban nhân dân là phải tình toán vì một “anh” lập pháp, một “anh” hành pháp có chức năng tham mưu hoàn toàn khác nhau…Nếu chúng ta cứ dồn vào rồi sau này trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều bất cập thì sẽ phải tính toán tổ chức lại thì đây là việc rất lãng phí, làm chậm bước phát triển của đất nước.

Về bộ máy phục vụ thì có những chỗ có thể tổ chức lại được. Ví dụ bộ phận phục vụ chung, phục vụ hành chính… thì có thể sáp nhập. Các vụ chuyên môn đang phục vụ cho Ủy ban thì hiện đang gắn liền với Ủy ban nên muốn tổ chức lại thì phải nghiên cứu các hoạt động của các Ủy ban, gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban…

Tôi cho rằng nên tổ chức lại theo hướng một Quốc hội đổi mới và nâng cao tính chuyên nghiệp, hoạt động theo tính chuyên nghiệp như nghị viện một số quốc gia.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thieu-tuong-nguyen-thanh-hong-van-co-tinh-trang-sap-nhap-mot-cach-co-hoc-99245340.htm