Thiếu trường lớp vì chậm triển khai dự án

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên giải trình về quy hoạch, thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên - cây xanh trong đồ án phân khu trên địa bàn thành phố do HĐND TPHCM tổ chức ngày 27/11.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại phiên họp. Ảnh T.D

Nhiều nghịch lý trong quy hoạch

Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho biết, tổng diện tích quy hoạch chức năng giáo dục theo các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã phê duyệt trên địa bàn thành phố là 3.306 ha. Diện tích quy hoạch phân khu theo 4 khu vực, khu vực 1 (10 quận nội thành 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) chiếm tỷ lệ 9,01% tổng diện tích; khu vực 2 (3 quận 8, Gò Vấp, Bình Thạnh) chiếm 5,87%; 6 quận mới còn lại chiếm 34%; 5 huyện chiếm 50%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện được lại hoàn toàn khác với quy hoạch. Khu vực 1 thực hiện quy hoạch đạt 64%, khu vực 2 đạt hơn 52%, khu vực 3 là 34%, khu vực 4 hơn 18%.

Ông Nguyễn Minh Nhựt – đại biểu HĐND thành phố băn khoăn: “Điều kiện ngoại thành thuận lợi phát triển trường lớp nhưng không hiểu sao việc phát triển các dự án giáo dục lại chậm hơn so với nội thành. Nội thành có thể xã hội hóa các dự án, còn ngoại thành nên triển khai dựa vào ngân sách”.

Tương tự, ông Trương Lâm Danh khẳng định: “Đối với quy hoạch phân khu, đất giáo dục không đảm bảo. Tại quận Tân phú đất dành cho giáo dục chỉ đạt 30%, quận Gò Vấp 45%, quận Bình Tân 60%. Nhìn chung đất giáo dục chỉ đạt khoảng 26% do ranh bị thu hẹp”.

Trả lời thắc mắc của các đại biểu ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng, đầu tư giáo dục nội thành không thể cao hơn ngoại thành, chẳng qua là do dân đông nên phải đáp ứng. Còn ngoại thành, đầu tư chậm hơn vì dân đang thưa thớt. Ngoài ra, có nhiều dự án bị “treo” vì giải phóng mặt bằng chưa sạch, chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính...

Không đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Trung Kiên – đại biểu HĐND thành phố nhấn mạnh: “Đang tồn tại nghịch lý phát triển quỹ đất dành cho giáo dục. Sở ngành cho rằng, dự án giáo dục phát triển nhiều trong khu trung tâm cao hơn vì dân cư đông. Điều này không đúng. Thời gian qua, các quận - huyện ngoại thành mới tăng dân số đông cho nên cần trường lớp hơn, còn nội thành đang chậm lại. Thiết nghĩ, cần có đánh giá đúng đắn hơn để việc thực hiện quy hoạch hiệu quả cao”.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng khẳng định, đất dành cho giáo dục ở các quận – huyện ngoại thành đang thiếu trầm trọng, đơn cử như: quận 12, quận Bình Tân, quận Bình Chánh,…

Xã hội hóa ngân sách đầu tư

Ngoài thiếu đất dành cho giáo dục, việc phát triển công viên cây xanh của thành phố cũng khó khăn. Theo quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đề ra, tổng diện tích quy hoạch đất công viên cây xanh trên địa bàn thành phố là 11.418 ha. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích công viên cây xanh hiện trạng trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt 491 ha, đạt tỷ lệ 4,30% so với tổng diện tích quy hoạch. Trong đó, các quận nội thành cũ đạt 55%, nội thành mới đạt 35%, còn lại khoảng 10% là công viên ngoại thành. Như vậy, mật độ công viên cây xanh vẫn chưa đến 1m2/người.

Theo Sở Giáo thông Vận tải TPHCM diện tích mảng xanh của thành phố những năm qua chủ yếu tăng thêm theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, một số ít mảng xanh được phủ rộng là nhờ vào nguồn vốn “phát triển mảng xanh”. Ngoài nguồn vốn trên, thành phố chưa có kế hoạch vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới công viên cây xanh.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trung bình một năm thành phố tăng khoảng 140 ngàn người. Đây chính là bài toán nan giải vì hạ tầng không đáp ứng đủ. Một số dự án dành cho công viên cây xanh, giáo dục chậm triển khai do thiếu vốn, thiếu mặt bằng.

Do đó để đẩy nhanh tiến độ các dự án dành cho công viên, cây xanh trước mắt thành phố sẽ thuê tư vấn, thiết kế kiến trúc mảng xanh đô thị theo đặc thù của thành phố. Về lâu dài, thành phố sẽ đôn đốc các quận huyện đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch đất dành cho công viên, giáo dục còn đang dở dang. Mong muốn việc thực hiện dự án khả thi hơn, vì vậy theo ông Tuyến, sắp tới thành phố sẽ khai thác vai trò của xã hội tròng đầu tư giáo dục cũng như mảng xanh công viên, giao dục, thay vì cứ trông chờ vào nguốn vốn ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị UBND, sở ngành, quận – huyện đổi mới tư duy quy hoạch. Đảm bảo đất dành cho giáo dục, công viên để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Không thể nói, dân phát triển nhanh quá nên không làm kịp. Thành phố phải dự báo tốt để hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển. Dân thành phố cũng như dân nhập cư.

Riêng về ngân sách thực hiện các dự án giáo dục cũng như phát triển công viên cây xanh, bà Tâm đề nghị kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thieu-truong-lop-vi-cham-trien-khai-du-an.aspx