Thiếu tiêu chí, khó chọn nhà đầu tư xử lý rác

Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN QUANG HUÂN (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP HALCOM Việt Nam, cho rằng một trong những điểm nghẽn về xử lý rác hiện nay là thiếu bộ tiêu chí cụ thể để chọn nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư có năng lực thực sự muốn đầu tư vào Việt Nam không có nhiều cơ hội.

Chồng chéo quản lý, thiếu tiêu chí cụ thể

PHÓNG VIÊN: - Xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay đang là vấn đề nóng của nhiều địa phương, đặc biệt là các TP lớn khi tìm nhà đầu tư cho lĩnh vực này. Ở góc độ nhà đầu tư, ông nhận xét thế nào về việc này?

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: - Sở dĩ các địa phương vẫn loay hoay tìm chọn nhà đầu tư do chưa có những tiêu chí rõ ràng về lĩnh vực này, đặc biệt công nghệ xử lý rác hiện đại còn mới mẻ ở Việt Nam. Việc này còn do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành.

Thí dụ, công ty chúng tôi cùng với 15 nhà đầu tư khác đã nộp hồ sơ về đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại cho UBND TP Đà Nẵng hơn 3 năm nay, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa được xem xét, dù xử lý rác thải sinh hoạt của Đà Nẵng đang là vấn đề nóng của địa phương.

Phía Sở Tài nguyên - Môi trường nói lĩnh vực này do Sở Khoa học - Công nghệ đánh giá, nhưng sở này nói đây là lĩnh vực đầu tư thuộc quản lý của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Đến lượt mình, Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời đây là lĩnh vực khá mới mẻ, sở chưa có đủ tiêu chí để lựa chọn, phê duyệt.

- So với công nghệ xử lý rác như lâu nay, công nghệ xử lý rác hiện đại có những ưu điểm nào vượt trội, thưa ông?

- Điểm nối bật là sau khi xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện, tỷ lệ rác cặn còn lại rất ít. Thường rác cặn khi không xử lý được phải chôn lấp. Đối với công nghệ thông thường hiện nay tỷ lệ rác cặn chiếm đến 30%, nghĩa là cứ 100 tấn rác có khoảng 30 tấn rác cặn phải đem đi chôn lấp.

Với công nghệ xử lý rác hiện đại hơn một chút, tỷ lệ này vẫn chiếm khoảng 15%. Nhưng với công nghệ xử lý rác INTEC-TCP của CHLB Đức chúng tôi đang áp dụng, tỷ lệ rác cặn sau khi xử lý chỉ còn khoảng 2%.

Thứ hai, công nghệ này không thải ra khí độc hại. Thứ ba, quy trình xử lý rác rất nhanh chóng, rác về đến đâu sẽ xử lý đến đó, không để xảy ra ô nhiễm như nước thải rỉ ra.

Thứ tư, với công nghệ này sẽ không cần dùng nguồn điện năng từ bên ngoài, nghĩa là điện tự sản xuất, tự vận hành.

Thứ năm, nguồn điện năng phát ra từ khâu xử lý rác sẽ đủ lớn để phát lên lưới điện quốc gia với công suất tương đối lớn, khoảng 200 triệu kWh/năm, với lượng rác tính sơ bộ khoảng 1.100m3.

Thứ sáu, với công nghệ mới này, khâu phân loại rác có thể bỏ qua, nghĩa là giảm được khâu phân loại đầu nguồn. Rác hữu cơ được biến thành khí, chứa năng lượng để sản xuất điện và than cốc để sử dụng trong công nghiệp luyện kim và sản xuất xi măng.

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát điện từ các nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới ở Việt Nam hiện nay, đang được cho có sức hấp dẫn nhất định với các nhà đầu tư?

- Hiện nay, mỗi năm Việt Nam tạo ra hơn 28 triệu tấn chất thải, trong đó có 76% chất thải được xử lý tại các bãi rác. Giải pháp tạo năng lượng từ chất thải rắn không chỉ giúp xử lý vấn đề về chất thải, còn giúp tạo ra một phần năng lượng cho tiêu dùng. Về mặt tiềm năng, Việt Nam có thể sản xuất khoảng 1 tỷ kWh vào năm 2020 và 6 tỷ kWh vào năm 2050 từ chất thải.

Chính phủ đã đặt mục tiêu cho việc thu thập, tái sử dụng và tái chế chất thải. Đến năm 2020 thu gom và xử lý 90% chất thải rắn đô thị, trong đó có 85% chất thải được tái chế và tái sử dụng. Tiềm năng của ngành năng lượng từ sinh khối (biomass) và chất thải rắn lần lượt ở mức 2.000MWp và 320MWp.

Tuy nhiên, công suất lắp đặt hiện tại ít hơn tiềm năng rất nhiều, chỉ ở mức 352MWp đối với sinh khối và 2.4MWp đối với chất thải rắn. Thực tế cho thấy, dù tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió cao hơn rất nhiều so với chất thải rắn, nhưng những dự án năng lượng từ rác thải có lợi ích gấp đôi, giúp tạo ra nguồn năng lượng và xử lý chất thải, vấn nạn hiện đang tăng theo cấp số nhân tại các đô thị ở Việt Nam.

Vốn đầu tư cao, nhưng không khó huy động

- Vốn đầu tư cần cho 1 dự án xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại, tính trung bình là bao nhiêu, thưa ông?

- Theo tính toán, 1 TP trung bình ở Việt Nam mỗi năm rác thải sinh hoạt hơn 1.000 tấn. Như vậy, 1 dây chuyền công nghệ cho nhà máy xử lý rác tương ứng cần khoảng 250 triệu USD, trong đó thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư, diện tích đất để xây dựng nhà máy khoảng 4ha.

Đến năm 2030 có thể cần 10ha với công suất 2.500-3.000 tấn rác/năm. Giá thành xử lý rác ước tính 21USD/tấn. Ngoài ra, nguồn thu của nhà đầu tư còn được bổ sung từ việc bán điện phát ra từ quá trình xử lý rác, bán các phế liệu thu được như thép, thủy tinh, sắt…

Tất cả nguồn thu này được tính toán để bù đắp cho chi phí vận hành. Với thực tế các TP của Việt Nam hiện nay, quy mô 1 nhà máy như vậy có thể thu hồi vốn đầu tư sau 13 năm. Từ năm 14 trở đi nhà đầu tư có lãi.

- Nhưng để huy động được nguồn vốn đầu tư cho dây chuyền công nghệ xử lý rác nói trên sẽ không dễ dàng, khi đây là lĩnh vực mới mẻ nên các ngân hàng cũng dè dặt khi bảo lãnh?

- Thực ra, nguồn vốn đầu tư không đáng lo ngại, bởi tôi được biết rất nhiều nhà đầu tư của Đức, Luxembourg đang sẵn sàng rót vốn đầu tư. Vì khi người ta bán công nghệ sẽ thu được lợi nhuận và tất nhiên đi kèm với công nghệ là các nhà tài chính. Hiện nay, có những quỹ đầu tư tài chính lãi suất cho vay chỉ 1-3%/năm.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn nằm ở cơ chế. Tôi cho rằng để xử lý rác được triệt để và đem lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, đòi hỏi các TP phải quyết tâm và công tâm.

Bởi thực tế khâu quản lý hiện nay của ta chưa ổn, một phần cũng do tiêu chí đặt ra để lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ, đó là chưa kể đến một số nhà đầu tư còn muốn lợi dụng kẽ hở để lách luật, trục lợi từ các dự án xử lý rác.

Ở đây cũng cần nói thêm rằng, các nhà đầu tư dù sẵn sàng đầu tư xây nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, nhưng họ rất kén chọn đối tác, buộc các địa phương phải thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và vì lợi ích lâu dài.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Quang - Hoàng Sơn (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/thieu-tieu-chi-kho-chon-nha-dau-tu-xu-ly-rac-70798.html