Thiếu thương hiệu, hàng Việt khó chen chân vào kênh bán lẻ hiện đại

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+))

Tại nhiều siêu thị lớn, tỷ lệ hàng "Made in Việt Nam" vẫn chiếm ưu thế, tuy vậy, để chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người tiêu dùng trong việc mua sắm hàng Việt vẫn cần nhiều hơn nữa sự cố gắng của các doanh nghiệp.

Đây cũng là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế", do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 27/12, tại Hà Nội.

Trên 70% hàng Việt tại siêu thị

Theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các hoạt động Xúc tiến Thương mại thời gian qua đã tạo ra sức bật cho hàng Việt trên các kênh phân phối, bán lẻ.

Kết quả thấy rõ chính là người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú...

Thống kê từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương triển khai hơn 200 dự án, thiết lập hơn 90 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 52 địa phương trên cả nước và tổ chức hơn 40 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước cấp vùng, miền thu hút được hàng nghìn đại biểu với gần 1.000 biên bản thỏa thuận được ký kết.

Hoạt động này đã góp phần nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị lên đến trên 70%, đặc biệt một số siêu thị như CoopMart, BigC có tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.

Tuy vậy, theo bà Nga, do cung cầu chưa gặp nhau nên hoạt động kết nối các doanh nghiệp thời gian qua còn một số tồn tại. Cụ thể, một số tổ chức, đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững.

Nguyên nhân chính vẫn là do doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, chưa kể tính an toàn và sản lượng.

Ngược lại, một số doanh nghiệp thương mại cũng chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng, do vậy hiệu quả của việc kết nối cung cầu chưa cao.

Góp ý thêm vấn đề này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Thăng Long cho rằng, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam mặc dù chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn nhiều yếu điểm như chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt…

Đặc biệt công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Đại diện BigC Thăng Long cũng khuyến nghị các nhà sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Yếu tố quyết định là thương hiệu

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thương hiệu chính là yếu tố then chốt giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong cải tiến sản phẩm, song với trên 90% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu.

Điều này cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.

Từ thực tế này, ông Phú cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại sẽ có nhiều hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, qua đó giúp doanh nghiệp đề ra một số giải pháp hữu hiệu và các chương trình hành động nhằm đứng vững trong bối cảnh hội nhập.

Nhìn lại 8 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Cuộc vận động đã có hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ, cùng với đó là năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp cũng được nâng lên.

Dẫn chứng thêm, theo đại diện Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ chỗ ưa thích dùng hàng ngoại đến nay đã có hơn 90% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt.

Đáng chú ý, thông qua cuộc vận động năng lực của các doanh nghiệp cũng tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả năng suất, hàng hóa dịch vụ của đơn vị mình, đồng thời nghiên cứu để giá thành, chi phí sản xuất đáp ứng mong đợi và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam và nhiều thương hiệu đã vươn ra thế giới.

Tuy vậy, trong xu thế hội nhập, để giữ vững được thương hiệu của mình, bà Ánh cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa từ công nghệ, trình độ quản trị nhằm không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà tiếp tục vươn ra thế giới.

"Việc nâng cao thương hiệu Việt trở nên quan trọng và cần thiết, làm được việc này sẽ khẳng định chỗ đứng vững chắc cho doanh nghiệp trên thị trường và góp phần tích cực vào sự thành công của cuộc vận động," Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lưu ý thêm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, từ năm 2013 đến năm 2017, Bộ Công Thương đã phê duyệt 1.025 đề án Xúc tiến thương mại với tổng kinh phí 511,5 tỷ đồng. Trong đó, nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước, miền núi biên giới và hải đảo có 733 đề án chiếm 71% tổng số đề án phê duyệt với kinh phí được phê duyệt là 154,887 tỷ đồng, chiếm 30% tổng kinh phí được phê duyệt.

Trong số các đề án đã thực hiện có các đề án hội chợ vùng, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo. Các hội chợ vùng được thực hiện đã đóng góp tích cực giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, ngành hàng ngay tại thị trường trong nước.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014) đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”./.

Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thieu-thuong-hieu-hang-viet-kho-chen-chan-vao-kenh-ban-le-hien-dai/481434.vnp