Thiếu than, thiếu điện và kiểu truyền thông thiếu trách nhiệm

Cần lắm cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ, với các yêu cầu công khai, minh bạch.

Hơn một tuần qua, dồn dập những thông tin cảnh báo tình trạng thiếu than, nguy cơ thiếu điện; tiếp đến là câu chuyện lỗ / lãi hàng nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều kịch bản cung ứng điện năm 2019… Những đồn đoán sau câu chuyện này là khả năng tăng giá điện năm 2019, cũng với khá nhiều câu hỏi đặt ra, như vì sao tăng? tăng bao nhiêu? thời gian nào sẽ tăng?

Vậy thực hư câu chuyện này là như thế nào? Phải chăng có sự nhiễu loạn thông tin? Có hay không sự truyền thông nửa vời, chưa đầy đủ ở cả chiều cung cấp, tiếp nhận và đánh giá thông tin - của một lĩnh vực khá đặc thù - một ngành kinh tế, kỹ thuật nhưng lại cho sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, tác động tới mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội?

Thiếu than, thiếu điện và câu chuyện truyền thông có trách nhiệm. Ảnh: Dân trí

Điện - sản phẩm mang nguồn sáng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Vì quan trọng thế nên điện mặc nhiên mang sứ mệnh phải “đi trước một bước”. Vấn đề đáng nói là, với một hệ thống nguồn điện hiện nay đã có tới hơn 47 nghìn MW công suất đặt, trong khi công suất đỉnh tiêu thụ của cả nước cũng chưa tới 36.000MW, vậy tại sao Việt Nam lại luôn thường trực nỗi lo thiếu điện và chưa đảm bảo an toàn, an ninh trong cung cấp điện?!

Trong những ngày vừa qua, tiêu đề một bài báo mà tôi khá tâm đắc, là “Bất ngờ thiếu than, cả nước lo mất điện”. Chỉ vỏn vẹn 9 chữ thôi, nhưng nó bao hàm khá đầy đủ về tỷ trọng nhiệt điện than và vai trò của nguồn điện này đối với việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước - khi mà hiện nay, tỷ trọng nhiệt điện than đang chiếm khoảng 45-50% công suất nguồn điện, thủy điện là 25%, nhiệt điện dầu, khí là hơn 16%, số còn lại là năng lượng tái tạo.

Trong khi thủy điện đang phụ thuộc lớn vào nguồn nước, nguồn điện dầu có giá đắt đỏ và điện từ năng lượng tái tạo chưa đáng kể, thì rõ ràng khó mà có thể có nguồn điện nào đảm bảo an ninh năng lượng của hệ thống điện như điện than!

Những ngày gần đây, mới chỉ có một nhà máy điện thiếu than do chính họ thiếu chủ động trong phương án đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, nhưng thông tin sau đó đã được truyền thông thổi bùng lên, là “bất ngờ”, rồi quy chiếu “thiếu than giữa vùng than”. Nhưng, điều đáng nói - và không phủ nhận - cái hay chính là ở chỗ “cả nước lo thiếu điện”. Cái thiếu là cảnh báo, và sẽ là nhỡn tiền, nếu không chủ động cho sản xuất!

Ngay sau đó, ngành than, ngành điện, ngành Công Thương, và cao nhất, là Chính phủ liên tiếp tổ chức họp báo, đưa thông tin về tình hình cung cấp than, khả năng cung cấp điện. Một rừng thông tin về nguồn điện (nào là thủy điện, rồi điện than, điện dầu, điện khí, rồi điện gió, điện mặt trời, điện nhập khẩu), rồi giá điện của từng nguồn… rồi hạch toán lãi - lỗ, rồi phương án cấp điện… với hàng loạt những con số, khá chi tiết và cụ thể. Thế nhưng, dường như cách thông tin đang thiếu đi tính khách quan, trung thực mà chủ yếu tập trung vào khai thác những con số “gây sốc”, muốn “làm đẹp” lòng dân - bất chấp là phiến diện, một chiều, quy chiếu, thậm chí là “ngụy tạo”.

Đơn cử như việc đả kích, phản đối kịch liệt nhiệt điện than với lý do được quy chụp là “ô nhiễm môi trường” rồi ca ngợi lên mây điện mặt trời với khẳng định chắc như đinh đóng cột đó là điện sạch, bất chấp những phản biện về công nghệ điện than đã tốt hơn, hay những cảnh báo về khả năng nhiễm độc chì hay nguồn phế thải độc hại lớn từ những tấm pin năng lượng mặt trời khi hết hạn… Xin thưa, với bất cứ nguồn điện nào, đều có đủ tính chất 2 mặt của nó. “Công nghệ nào, môi trường đó” - là điều mà các nhà khoa học đã viện dẫn, để khuyến cáo và cảnh báo đối với ngành năng lượng. Chúng ta chắc chắn sẽ thiếu điện, nếu không hiểu đúng và thông tin đầy đủ về thực trạng của ngành năng lượng Việt Nam.

Bất cứ người dân, doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức nào cũng mong muốn có đủ điện để dùng, và đương nhiên là được dùng điện sạch. Thế nhưng, với một đất nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư đang tăng cao, cần một nguồn vốn lớn, phải chịu sức ép của tỷ giá, của biến động thị trường nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí, lại đang có chính sách ưu tiên cho điện gió, điện mặt trời với mức giá mua vào cao hơn so với giá bán lẻ điện (trung bình tới 2cent Mỹ/kWh).

Sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời đã diễn ra sau khi giá mua/bán điện được công bố là 9,35 cent/kWh vào tháng 4/2017. Đến nay, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời - với hơn 7.200 MW công suất có mốc thời gian phát điện tới năm 2020 được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện. Thế nhưng, chưa thấy thông tin công bố nào về việc điều chỉnh tăng quy mô hệ thống lưới truyền tải đi theo số công suất nguồn điện này. Cũng thiếu những cảnh báo hệ thống điện sẽ ra sao nếu chủ quan, phụ thuộc lớn vào số công suất nguồn điện mặt trời, khi số giờ nắng là hữu hạn, cũng như sẽ có nguồn điện nào để bù vào, thay thế - khi điện mặt trời không thể sản sinh ra - điều mà nhiệt điện than đang “cứu nguy” cho thủy điện - vào những mùa khô, hạn?

Câu chuyện cuối cùng, có lẽ vẫn là nhiệm vụ của truyền thông. Cần lắm cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ, với các yêu cầu công khai, minh bạch. Cần lắm các cơ quan truyền thông có trách nhiệm đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng của một quốc gia. Mà trước mắt, phải thông tin để người dân và doanh nghiệp yên tâm về khẳng định của Bộ Công Thương là không thiếu điện, là bảo đảm đủ điện trong năm tới, với 4 kịch bản cung cấp điện đã được đưa ra, chứ không phải đem tới nỗi lo là 4 phương án tăng giá điện!./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/vov-binh-luan/thieu-than-thieu-dien-va-kieu-truyen-thong-thieu-trach-nhiem-847555.vov