Thiếu tá lữ đoàn xe tăng hiến tạng cứu 6 người

Câu chuyện xúc động được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ khi có sự đồng ý của gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh (Yên Mô - Ninh Bình ) - một người lính đã hiến tạng sau khi qua đời ở tuổi 45, cứu sống 6 người khác, trong đó có 2 đồng đội của anh.

Lễ tôn vinh người hiến tạng cứu 6 người.Ảnh: PV

Chiều 28.3.2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức lễ tôn vinh người hiến tạng, “người hùng thầm lặng” đã góp phần viết nên kỳ tích y học với ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não ở Việt Nam.

“Anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập”

Lễ tôn vinh người hiến tạng diễn ra tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 với đầy đủ người thân, gia đình, đồng đội của thiếu tá Ninh. Nhiều người đã lặng lẽ giấu mặt lau nước mắt trong phút giây tưởng niệm người lính đã ra đi nhưng vẫn để lại sự sống cho đời.

GS-TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc BV Trung ương quân đội 108 - cho biết, thiếu tá Ninh là cán bộ thuộc Lữ đoàn tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, thiếu tá Ninh đã được tuyến trước chuyển tới BV Trung ương quân đội 108 ngày 23.2.2018 cấp cứu với chẩn đoán: Trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Anh Ninh tiếp tục được hồi sức và điều trị tích cực, nhưng tình trạng bệnh ngày càng quá nặng, Hội đồng chuyên môn đã kết luận bệnh nhân chết não (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế).

Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, với suy nghĩ muốn anh ra đi thanh thản nhưng lại vẫn muốn anh góp phần cứu sống được nhiều người bệnh, vợ anh Ninh - chị Tạ Thị Kiều thống nhất với gia đình, tình nguyện hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần. Một nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh!

“Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác, anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”- chị Kiều thầm nói vào tai chồng trước khi anh bước vào “cuộc cho đi” lịch sử của đời mình.

Sau những lời từ biệt cuối cùng, các bác sĩ đưa anh vào phòng phẫu thuật, ngày 26.2. Bệnh viện tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Nhắc lại khoảnh khắc đó, Trung tướng Mai Hồng Bàng không giấu được xúc động: “Giây phút ấy, chúng tôi không thể nào quên. Chị Kiều không chỉ muốn anh ra đi thanh thản, mà muốn anh ấy còn tiếp tục được cống hiến, được tiếp tục dõi theo gia đình, vợ con”.

Quyết định hiến đa tạng khi chồng chết não của chị Kiều đã được cả gia đình đồng lòng, ủng hộ. Anh Ninh đã cống hiến được nhiều nhất, giúp đỡ được nhiều người nhất như nguyện ước sống đẹp của anh khi còn sống. Quyết định của chị Kiều và gia đình không chỉ cứu nhiều sinh mạng mà còn giúp cho ngành y lập nên những kỳ tích mới.

1 người hiến tạng cứu 6 người khác

Ngày 24.2.2018, tại BV Trung ương quân đội 108, người nhận phổi của thiếu tá Ninh là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, (SN 1964, quê Xuân Trường, Nam Định) suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối.

Gần 40 giờ đồng hồ chạy đua với thời gian, vừa hồi sức thiếu tá Ninh - bệnh nhân chết não hiến tạng - đảm bảo nguyên vẹn, đầy đủ tiêu chí phổi ghép và các tạng ghép khác, vừa hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế với các chuyên gia ghép phổi của BV Foch - Cộng hòa Pháp, các bác sĩ BV Trung ương quân đội 108 xác định phương pháp phẫu thuật là ghép toàn bộ 2 phổi; đồng thời phối hợp với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và với một số đơn vị ghép tạng lớn trong nước để sẵn sàng tổ chức, điều phối ghép đa tạng…

Ngày 26.2.2018, các kíp kỹ thuật BV Trung ương quân đội 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới dự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp (1 phẫu thuật viên, 1 bác sĩ gây mê), 1 chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của BV Trung ương quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt - ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Sau ghép, Bệnh nhân hồi phục tốt, rút nội khí quản sau 20 giờ, chức năng hô hấp sau ghép tốt. Hiện tại sau 1 tháng, bệnh nhân tỉnh táo, tự vận động, xét nghiệm và khí máu ổn định, chức năng phổi ghép ổn định.

Cùng thời điểm thực hiện ca ghép phổi, BV Trung ương quân đội 108 đã tiến hành lấy đa tạng ghép và phối hợp ghép cho 5 bệnh nhân khác, cụ thể: Tổ chức ghép ngay 1 thận cho 1 đồng chí Trung tá, 1 giác mạc cho 1 đồng chí Đại tá; chuyển 1 giác mạc còn lại ghép cho 1 bệnh nhân tại BV mắt Trung ương; phối hợp với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, bảo quản, vận chuyển tim và 1 thận ghép cho 2 bệnh nhân khác tại BV Chợ Rẫy - TP.Hồ Chí Minh.

Điều này thể hiện trình độ chuyên môn y học cao, sự cố gắng nỗ lực của các thầy thuốc, vai trò quan trọng của sự hợp tác trong nước và quốc tế, công tác tổ chức - điều phối chặt chẽ của BV Trung ương quân đội 108, là minh chứng sinh động về kết quả hợp tác và đoàn kết quân dân y.

Đến thời điểm này, sau 30 ngày ghép tạng, sức khỏe của 6 bệnh nhân đều tiến triển rất tốt. Riêng bệnh nhân ghép phổi đang tập vận động, phục hồi chức năng. “Nhờ quyết định của chị Kiều và gia đình, giờ đây, trái tim của anh ấy đang đập trong lồng ngực anh Nguyễn Quốc Hùng - 30 tuổi, 2 lá phổi đang thở trong lồng ngực anh Trần Ngọc Hanh, 2 quả thận đang sống trong cơ thể 2 người khác nhau ở 2 miền Nam - Bắc, 2 giác mạc của anh trong 2 đôi mắt của người khác cũng vậy, vẫn đang dõi theo cuộc sống của vợ con và gia đình anh.

Hiện tại, cả 6 người được anh cho tạng ghép đều đang ổn định, dần bình phục về sức khỏe, họ đã được cứu sống một cách kỳ diệu. Một món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm”- Trung tướng Mai Hồng Bàng xúc động nói.

Chia sẻ về những thành tựu y học mà BV mới đạt được, GS Bàng cho biết: Thành công của ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại BV Trung ương quân đội 108 là sản phẩm đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ KHCN độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não”, và đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại BV Trung ương quân đội 108”.

Để có được “kỳ tích” này, những “người lính áo trắng” ấy đã làm tất cả, bằng tâm huyết của những chuyên gia yêu nghề, với phương châm không lãng phí nguồn tạng hiến và nỗ lực đến cùng cứu sống người bệnh.

THÙY LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/thieu-ta-lu-doan-xe-tang-hien-tang-cuu-6-nguoi-598693.ldo