Thiếu sáng tạo trong thiết kế sản phẩm: Ngành du lịch mất khoản thu lớn

Hiện mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam hiện còn mang tính tự phát, chưa được quan tâm đúng mức và chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Tại hội nghị quốc tế ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2016, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 26/10, nhiều đại biểu tham dự nêu rõ, ngành thiết kế còn đơn giản chưa có tính độc đáo, mang dấu ấn riêng nên Việt Nam đã tự đánh mất số tiền lớn từ việc bán các sản phẩm quà tặng, dịch vụ du lịch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, ngành thiết kế nói riêng và công nghiệp sáng tạo nói chung của Việt Nam còn nhiều hạn chế và đi sau nhiều nước trong khu vực. “Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tuy có chất lượng tốt nhưng giá trị thu được chưa cao, một phần do chưa có sự đầu tư thích đáng trong khâu thiết kế sáng tạo. Đây là khâu quan trọng đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định.

Hiện mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam hiện còn mang tính tự phát, chưa được quan tâm đúng mức và chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Sự quan tâm của DN mới chỉ dừng ở mức độ “lấy ngắn nuôi dài”, thiếu đầu tư dài hạn nên các sản phẩm quà tặng, lưu niệm nghèo nàn về mẫu mã, nhiều sản phẩm tương tự nhau thiếu vắng nét thiết kế độc đáo và sự sáng tạo mang dấu ấn DN. Đến từ Hàn Quốc, bà Oh Youngmi - chuyên gia thiết kế của Viện Xúc tiến thiết kế chia sẻ, từ năm 2014, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định các sản phẩm thiết kế sáng tạo hướng đến người tiêu dùng, coi người dân là trọng tâm và được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ. Hàn Quốc và công nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc đã thành công, từ đó được thị trường ghi nhận. “Đây là bài học thành công mà các DN Việt Nam nên học tập rút kinh nghiệm” - bà Oh Youngmi nói.

Nhằm khắc phục những bất cập của ngành công nghiệp sáng tạo, ông Đặng Kông Ngoãn - Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Thiết kế mẫu và Sáng tạo mỹ thuật Việt Nam (VDAS) nêu rõ: Thời gian tới, cần có sự liên kết giữa các DN để làm ra các sản phẩm tăng giá trị thặng dư cho ngành du lịch. Đồng thời bản thân DN trong quá trình thiết kế mẫu mã sản phẩm nên tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó thiết kế những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, đặc biệt là khách du lịch.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thieu-sang-tao-trong-thiet-ke-san-pham-nganh-du-lich-mat-khoan-thu-lon-271297.html