Thiếu nữ tự sát sau khi hỏi thăm dò ý kiến dân mạng và lời cảnh tỉnh

Theo Selena Gomez, mạng xã hội là nơi tệ hại cho thế hệ trẻ. Và thực tế cho thấy, một thiếu nữ 16 tuổi ở Malaysia vừa tự tự sau khi hỏi ý kiến dân mạng.

The Guardian dẫn thông báo từ chính quyền địa phương cho biết, một cô gái 16 tuổi ở Malaysia đã tự tử sau khi thực hiện một cuộc thăm dò trên Instagram để nhờ cư dân mạng giúp cô lựa chọn giữa sống và chết.

Theo lời cảnh sát, cô gái đã đăng cuộc thăm dò ý kiến vào khoảng 15h ngày thứ Hai (13/5, giờ địa phương) với thông điệp: “Thực sự rất quan trọng, giúp tôi lựa chọn Chết hay Sống”.

Đáng buồn thay, 69% người tham gia đã bỏ phiếu cho “Chết”. Khoảng 5 tiếng sau đó, cô gái được tìm thấy đã chết. Cô gái nhảy từ tầng ba của một cửa hiệu ở thành phố Kuching , bang Sarawak, Malaysia, Malay Mail đưa tin.

Sau vụ việc, nhà chức trách địa phương đang xem xét trường hợp kết tội những người bỏ phiếu “Chết” trong cuộc thăm do là thủ phạm gây ra cái chết của thiếu nữ xấu sô.

Theo Reuters, kích động, xúi giục trẻ vị thành niên tự sát là một tội ác ở Malaysia, và người bị kết tội có thể phải đối mặt với án tử hình hoặc án tù lên tới 20 năm.

Luật sư Ramkarpal Singh, một thành viên của Quốc hội Malaysia, yêu cầu nhà chức trách không được bỏ qua trách nhiệm của 69% dân mạng kia trong vụ cô gái 16 tuổi tự tử.

“Cô bé có thể vẫn còn sống nếu như phần lớn cư dân mạng ngăn cản ý định tự tước đoạt mạng sống của chính mình? Cô ấy có thể đã nghe theo lời khuyên của cư dân mạng để tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp nếu họ thực sự làm như vậy? Có phải chính thái độ của những cư dân mạng này đã ảnh hưởng đến quyết định của cô ấy? Vì cố gắng tự tử là phạm tội ở đất nước này, do đó, việc xúi giục người khác tự tử cũng phải bị truy cứu.

Tôi yêu cầu chính quyền điều tra các tài khoản truyền thông xã hội của nạn nhân và các tình huống dẫn đến các chết của cô ấy, để ngăn chặn việc lạm dụng mạng xã hội trong những trường hợp tương tự trong tương lai. Điều quan trọng nhất là sự cố trên không tái diễn”, luật sư Singh phân tích.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, nhấn mạnh, thảm kịch này là hồi chuông cảnh báo cho sự cần thiết của các cuộc thảo luận cấp quốc gia về sức khỏe tâm thần tại nước này. “Tôi thực sự lo lắng về tình trạng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đất nước chúng tôi. Đây là vấn đề quốc gia cần được nhìn nhận nghiêm túc. Một cuộc họp cấp quốc gia phải được tổ chức”, ông nói.

Tháng 2 vừa qua, Instagram đã áp dụng các biện pháp an toàn mới để bảo vệ người dùng trẻ trên nền tảng này tốt hơn. Những hình ảnh, bài đăng gây hại đều bị loại bỏ một cách có hệ thống. Người dùng bị phát hiện đăng nội dung tự tổn thương thân thể hoặc liên quan đến tự tử đều được tự động chuyển thông tin đến nhóm hỗ trợ tại địa phương hoặc đường dây nóng hỗ trợ.

Trên Business Insider, Ching Yee Wong – người đứng đầu bộ phận truyền thông của Instagram khu vực châu Á – Thái Bình Dương – cho biết: “Chúng tôi gửi lời chia buồn và cầu nguyện cho gia đình cô gái xấu số. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo mọi người sử dụng Instagram cảm thấy an toàn và được hỗ trợ. Là một phần trong nỗ lực của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi mọi người sử dụng công cụ báo cáo và liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp nếu thấy bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người”.

Những thay đổi trong chính sách của Instagram diễn ra sau khi Molly Russell, một thiếu nữ Anh 14 tuổi, tự tử vào năm 2017. Sau cái chết của Molly, gia đình phát hiện rằng, cô bé đã theo dõi nhiều tài khoản Instagram mô tả các cách thức tự tử. Cha của Molly phẫn nộ lên án: “Instagram đã giúp giết con gái tôi”.

Theo Business Insider, phương tiện truyền thông xã hội giúp thanh thiếu niên ý thức về cộng đồng và tiếng nói cá nhân, đồng thời nó cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của họ. Phụ huynh được khuyến khích giám sát việc sử dụng mạng xã hội của con cháu mình. Bên cạnh đó, tất cả người dùng mạng nên tự ý thức báo cáo về các bài đăng có thể gây hại hoặc mang tính chất bạo lực mà họ thấy dù ở bất cứ nền tảng mạng xã hội nào.

Lời cảnh tỉnh từ Selena Gomez

Liên quan đến ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, ca sĩ/diễn viên nổi tiếng Selena Gomez cảnh báo, các phương tiện truyền thông xã hội “kinh khủng” đối với thế hệ trẻ như cô, và khuyên mọi người nên đặt ra giới hạn thời gian cho các hoạt động trực tuyến.

Selena Gomez trong buổi họp báo tại Cannes 2019.

Selena Gomez trong buổi họp báo tại Cannes 2019.

Theo đó, tại buổi họp báo quảng bá cho bộ phim “The Dead Don’t Die” trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 hôm 14/5, ngôi sao 26 tuổi chia sẻ: “Tôi nghĩ thế giới của chúng ta rõ ràng là đang trải qua rất nhiều điều.Nhưng cụ thể đối với thế hệ của tôi, mạng xã hội thực sự rất kinh khủng. Nền tảng mạng xã hội rất hữu ích, nhưng tôi e là các chàng trai và cô gái trẻ tuổi không thực sự biết về những tin tức đang diễn ra hàng này… Nó thực sự nguy hại”.

Selena Gomez sở hữu trang Instagram với 150 triệu người theo dõi – từng giữ kỷ lục cho đến khi bị danh thủ Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo vượt mặt. Tuy nhiên, số lần đăng bài của cô rất hạn chế, khoảng 4 lần/tháng. Năm ngoái, cô từng nghỉ dùng mạng xã hội trong 5 tháng do gặp các vấn đề về tâm lý. Trước đó, không ít lần cựu ngôi sao Disney “thoái ẩn” khỏi các phương tiện truyền thông xã hội.

“Tôi rất biết ơn vì có mạng xã hội, tôi vẫn có thể chia sẻ những điều tôi đam mê. Tôi không đăng nhiều bức ảnh vô nghĩa, mà tôi muốn chúng đều có dụng ý nhất định. Tôi thấy những cô gái trẻ bị hủy hoại vì thói bắt nạt và không thể lên tiếng đấu tranh. Mạng xã hội có thể tuyệt với trong những khoảnh khắc, nhưng tôi sẽ cẩn thận và tự đặt ra giới hạn thời gian về việc sử dụng các nền tảng này”, cô trải lòng.

Được biết, trong tác phẩm mới “The Dead Don’t Die”, Selena Gomez vào vai một cô gái bị “cuồng” Internet.

Tú Oanh

Theo Business Insider, SCMP, BBC

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/thieu-nu-tu-sat-sau-khi-hoi-tham-do-kien-dan-mang-va-loi-canh-tinh-1417081.tpo