Thiếu Nga, Mỹ 'đấu' với Iran sẽ không dễ dàng như Triều Tiên?

Mỹ được cho là đang sai lầm khi dùng đi dùng lại một mô hình cũ, trong khi Triều Tiên và Iran là hai đối thủ hoàn toàn khác nhau.

Không có Nga, Mỹ sẽ không làm khó được Iran.

Thêm một lời cảnh báo thảm khốc

Lời cảnh báo trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một cuộc chiến thảm khốc có thể xảy ra với Iran đã khiến nhiều người nghĩ đến những lần khẩu chiến của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mà cuối cùng dẫn đến một hội nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố Iran “đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa”, Tổng thống Trump dường như đang tiếp tục ứng dụng mô hình quen thuộc này khi đề nghị một cuộc gặp với Tổng thống Iran Rouhani vô điều kiện.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận “trước cứng sau mềm” của nhà lãnh đạo Mỹ có thể phát huy tác dụng với trường hợp của Triều Tiên, nhưng với Iran lại hoàn toàn khác.

Điều này xuất phát từ việc ông Trump đã thể hiện một thái độ kịch liệt hơn rất nhiều khi đối đầu với Iran, trong đó liên tục tăng cường những tuyên bố mạnh mẽ sau khi rời khỏi thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) và áp đặt thêm biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran.

Quan trọng hơn, không giống như trong trường hợp của Triều Tiên, khi Tổng thống Trump thể hiện cách tiếp cận cứng rắn thì ở đằng sau hậu trường, đội ngũ giúp việc của ông tích cực liên hệ với Bình Nhưỡng để tìm kiếm cơ hội đàm phán.

Trong khi lần này cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton đều lao vào cuộc khẩu chiến bằng những tuyên bố sắt đá không kém gì ông Trump.

Tuy nhiên, về câu hỏi Mỹ có sẵn sàng tiến tới một cuộc chiến với Iran hay không? Nhiều nhà phân tích sẽ trả lời là không. Lý do là bởi chính quyền Trump hiện tại đang quá đơn độc khi không có được sự giúp đỡ của châu Âu và quan trọng hơn là Nga.

Mỹ không còn có thể dựa vào châu Âu

Trong thời điểm nước Mỹ được dẫn dắt bởi chính quyền Bush và Obama thì chiến tranh với Iran đã luôn là một giải pháp được cân nhắc. Nhưng đó là trước khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết. Sau khi JCPOA được đưa ra, không còn ai nghĩ đến một cuộc chiến với Iran.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đã càng làm cho mối quan hệ với đồng minh châu Âu, vốn đã xấu nay càng xấu thêm.

Đặc biệt sau những bất đồng về định hướng mới của NATO và Mỹ áp đặt thuế đối với các sản phẩm của châu Âu.

Do đó, Mỹ không còn có thể dựa vào các đối tác cũ của mình ở châu Âu để đưa ra chiến lược đối đầu với Iran. Thay vào đó, chính quyền Trump đang tìm đến Riyadh và Jerusalem - những người bạn thân nhất hiện tại - và hy vọng một chút giúp đỡ từ Moscow.

Nga chơi cờ nước đôi?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không muốn tiếp cận vấn đề Iran một cách nhẹ nhàng như Triều Tiên.

Tờ Al Jazeera nhận định, ở thời điểm này Nga đang cần tập trung vào nhiều vấn đề khác quan trọng hơn, do đó không có tâm trạng để chơi trò chơi của Washington.

Bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ, đến lúc này Nga vẫn cho rằng sự hiện diện của Iran ở Syria là hợp pháp và thừa nhận không thể sử dụng vũ lực để buộc Tehran rời đi.

Hơn nữa, Đại sứ Nga tại Iran, Levan Dzhagaryan còn đưa ra cảnh báo với Washington rằng: "Làm việc với người Iran chỉ nên dùng biện pháp thuyết phục, còn gây áp lực với Iran sẽ chỉ mang đến kết quả ngược lại".

Trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc chính là trung gian quan trọng nhất giữa Washington và Bình Nhưỡng. Còn trong trường hợp với Iran, Nga đang đảm nhận vai trò đó nhưng lại không hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ Mỹ như Seoul.

Trên thực tế, Mỹ còn đang bị phụ thuộc vào Nga ở Syria. Do không thể tự mình đáp ứng yêu cầu quan trọng của Israel, Tổng thống Trump phải yêu cầu người đồng cấp Putin đảm bảo người Iran sẽ rút lui ra khỏi mặt trận phía Nam và đi xa khỏi cao nguyên Golan.

Những cuộc khẩu chiến nguy hiểm

Mặc dù còn vướng mắc những lý do trên, không có nghĩa rằng cuộc chiến tranh giữa Washington và Tehran không thể leo thang.

Đội ngũ cố vấn của ông Trump hầu hết đều có tư tưởng chống Iran một cách cực đoan. Các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia và Israel cũng thúc giục Washington về mối lo ngại của mình.

Tuy nhiên, ông Trump được đánh giá là người có kỹ năng trong việc xoay chuyển tình hình từ căng thẳng tột cùng lại trở về sự cân bằng ban đầu.

Ông đã từng nhiều lần khẩu chiến dữ dội nhưng cuối cùng lại đàm phán thành công với những chính khách khó tính như ông Kim Jong-un và gần đây nhất là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker của EU.

Có nhiều lý do để giới quan sát hy vọng ông Trump sẽ lại có thêm một phép lạ với Iran giống như ông từng làm được với Triều Tiên.

Nhưng sự nguy hiểm ở đây chính là sức mạnh và chiến lược khó đoán của Iran. Khả năng chịu đựng được trước áp lực về kinh tế và chính trị của Mỹ trong nhiều năm qua khiến cho Tehran trở thành một đối thủ khó chịu nhất mà ông Trump từng đối đầu.

Hơn nữa, khác với Triều Tiên, cánh tay của Iran đang vươn dài ra khắp Trung Đông và chiến tranh có thể sẽ không xảy ra trực tiếp mà ở một nơi nào đó thuộc về đồng minh của nước Mỹ.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/thieu-nga-my-dau-voi-iran-se-khong-de-dang-nhu-trieu-tien-a380361.html