Thiếu miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc nơm nớp lo dịch COVID lần hai

Do thiếu miễn dịch cộng đồng trong khi cuộc chạy đua phát triển vắc-xin chưa có hồi kết, Trung Quốc vẫn đang đối mặt thách thức lớn từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai – các chuyên gia hàng đầu nước này cảnh báo.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 20/1/2020. Ảnh: AFP

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 20/1/2020. Ảnh: AFP

Tiến sĩ Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn), cố vấn y tế cao cấp của Chính phủ Trung Quốc, chuyên gia đi đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại nước này, đã bày tỏ lo ngại trên trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với CNN hôm 16/5.

Thách thức vẫn rất lớn

Trung Quốc đến nay ghi nhận gần 83.000 ca mắc COVID-19 và trên 4.630 ca tử vong. Khi xảy ra làn sóng dịch kinh hoàng hồi tháng 1/2020, chính phủ đã phải ban hành lệnh cấm đi lại trên toàn quốc, phong tỏa khoảng 60 triệu dân tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bùng phát từ thủ phủ Vũ Hán. Đầu tháng Hai, Trung Quốc ghi nhận tới gần 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tuy nhiên, một tháng sau, số ca lây nhiễm trong ngày đã giảm xuống mức 2 con số. Khi dịch được kiểm soát, Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và nhiều hạn chế, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Học sinh quay lại trường học, các nhà máy, công xưởng hoạt động trở lại trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Chung Nam Sơn cảnh báo nhà chức trách Trung Quốc không nên sớm thỏa mãn, bởi nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai là rất lớn. Một số chùm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây, ở cả Vũ Hán và những tỉnh cách xa ở Đông Bắc Trung Quốc như Hắc Long Giang và Cát Lâm. Đã có những thành thị đầu tiên phải tái áp đặt lệnh phong tỏa.

“Phần lớn người dân Trung Quốc lúc này vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 do thiếu miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi vẫn đang đối mặt thách thức lớn, và tôi nghĩ tình thế của chúng tôi không tốt hơn là bao so với các nước khác vào thời điểm này”, ông Chung nói.

Chính quyền thành phố Vũ Hán tiến hành xét nghiệm toàn bộ 11 triệu cư dân sau khi phát hiện chùm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới hồi đầu tháng 5. Ảnh: AFP/Getty Images

Số liệu công bố của Chính phủ Trung Quốc là chính xác

Ông Chung Nam Sơn từng được mệnh danh là “người anh hùng chống SARS” của Trung Quốc vì những nỗ lực trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp tính nghiêm trọng năm 2002-2003. Lần này, ông là một trong những chuyên gia lãnh đạo phản ứng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát và lây lan mạnh.

Ngày 20/1/2020, chính ông Chung Nam Sơn đã xác nhận trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm giữa người với người, sau khi nhà chức trách thành phố Vũ Hán suốt nhiều tuần cho rằng không có bằng chứng rõ ràng về lây nhiễm từ người sang người, và rằng dịch bệnh “có thể ngăn chặn và kiểm soát được”.

Dẫn đầu một nhóm chuyên gia có nhiệm vụ điều tra về ổ dịch ban đầu, ông Chung đã tới Vũ Hán ngày 18/1. Trước chuyến đi, ông nhận được nhiều cuộc gọi từ các bác sĩ và cựu sinh viên cảnh báo rằng tình hình thực tế nghiêm trọng hơn nhiều so với các báo cáo của địa phương. Ông Chung Nam Sơn cho biết ông bắt đầu nghi ngờ với con số báo cáo chính thức các ca nhiễm mới tại Vũ Hán chỉ là 41 trường hợp trong hơn 10 ngày sau khi có thông báo về dịch bệnh.

Tại Bắc Kinh 2 ngày sau đó, vào 20/1, ông Chung được thông báo con số ca mắc COVID-19 là 198, với 3 người tử vong và 13 nhân viên y tế nhiễm virus. Trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ trung ương, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường vào cùng ngày, ông đã đề xuất phong tỏa Vũ Hán để kiểm soát sự lây lan của virus.

Một động thái như vậy là chưa từng có tiền lệ. Ngày 23/1, chính phủ đã ra lệnh phong tỏa Vũ Hán, hủy mọi chuyến bay, chuyến tàu và xe buýt ra vào thành phố, chặn mọi cửa ngõ đường bộ. 76 ngày sau đó, thành phố Vũ Hán mới được dỡ bỏ phong tỏa.

Người dân đeo khẩu trang đi lại bên Hồ Đông ở Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Ảnh: AFP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CCTV vào ngày 27/1, Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang thừa nhận chính quyền thành phố đã không công bố thông tin về virus kịp thời. Tới tháng 2, Trung Quốc đã sa thải một số quan chức cấp cao, trong đó có Bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế Hồ Bắc và Giám đốc Ủy ban Y tế Hồ Bắc vì tắc trách trong công tác chống dịch ở địa phương.

Mặc dù ông Chung Nam Sơn thừa nhận con số lây nhiễm virus ban đầu được báo cáo ở Vũ Hán là chưa chính xác, nhưng ông bác bỏ cáo buộc cho rằng những thống kê chính thức của Trung Quốc vẫn chưa đáng tin cậy sau khi chính phủ trung ương kiểm soát hoàn toàn phản ứng chống dịch vào cuối tháng 1/2020.

Ông Chung cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã rút được nhiều bài học từ dịch SARS 17 năm trước. Lần này chính phủ thông báo “mọi thành phố, mọi cơ quan chính phủ đều phải báo cáo con số chính xác, nếu không sẽ bị kỷ luật nặng”. “Vì thế, kể từ ngày 23/1, tôi nghĩ mọi con số là chính xác”, ông khẳng định.

Công nhân nhập cư chờ đợi ở ga tàu Quảng Châu để trở về nhà khi dịch SARS bùng phát năm 2003. Ảnh: Getty Images

Châu Âu và Mỹ sai lầm khi coi COVID-19 giống cúm mùa

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc cho biết ông đã ngạc nhiên trước số ca mắc bệnh và tử vong ở Mỹ (hiện đã vượt qua 87.000 ca tử vong), đồng thời nhận định ông cảm thấy một số chính phủ phương Tây đã không coi dịch COVID-19 là một mối đe dọa nghiêm trọng ở giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát.

"Tôi nghĩ một số nước ở châu Âu và có lẽ là cả ở Mỹ, chính phủ các nước đã coi dịch bệnh này cũng giống như cúm mùa. Đó là một sai lầm", ông Chung Nam Sơn nhận xét trong cuộc phỏng vấn với CNN.

Chuyên gia này cũng bác bỏ giả thuyết mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra rằng, virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán. Ông cho biết ông đã nhiều lần trao đổi với bà Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ), nhà virus học hàng đầu tại Viện Virus học Vũ Hán, về cáo buộc của chính quyền Tổng thống Trump cho rằng virus Corona chủng mới đã được tạo ra từ phòng thí nghiệm này và vô tình rò rỉ ra ngoài.

Các nhà nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán. Ảnh: AFP/Getty Images

“Bà ấy nói cáo buộc này hoàn toàn lố bịch, bà ấy chưa từng làm bất kỳ điều gì như vậy. Bà Thạch cho rằng dựa trên các trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, họ không thể tiến hành bất kỳ điều gì hay tạo ra bất kỳ loại virus nhân tạo nào”, ông Chung nói.

Nhà dịch tễ hàng đầu Trung Quốc cho biết vào đầu tháng 2/2020, các nhà chức trách thuộc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc đã dành 2 tuần điều tra về phòng thí nghiệm của bà Thạch Chính Lệ nhưng họ không phát hiện được bất kỳ điều gì bất thường.

Nỗ lực điều chế vắc-xin

Trong lúc thế giới vẫn ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày và con số tử vong do đại dịch đã vượt qua 300.000 ca, các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm cách phát triển vắc-xin phòng bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ba công ty Mỹ đang tiến hành thử vắc-xin trên người, tuy nhiên vẫn ở trong giai đoạn 1 hoặc 2 của quá trình thử nghiệm.

Ông Chung Nam Sơn cho biết thêm Trung Quốc cũng đang thử nghiệm lâm sàng ba loại vắc-xin nhưng một giải pháp “hoàn hảo” thì nhiều khả năng phải mất hàng năm để có được. “Chúng tôi phải thử đi thử lại, bằng cách sử dụng các loại vắc-xin khác nhau. Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào về loại vắc-xin đã sẵn sàng cho chủng virus này. Đó là lý do tôi cho rằng, việc phê duyệt lần cuối cùng cho vắc-xin phòng COVID-19 sẽ mất thời gian hơn nhiều”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thieu-mien-dich-cong-dong-trung-quoc-nom-nop-lo-dich-covid-lan-hai-20200518111759975.htm