Thiếu lợi thế cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp khó 'sống'?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhận định sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, đặc biệt ở bối cảnh kinh tế hội nhập sâu. Tuy nhiên, trong 'thế giới phẳng', nếu thiếu lợi thế cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp Việt khó 'sống' nổi, chưa nói tới phát triển.

Để có thể phát triển thời hội nhập kinh tế sâu, các DN cần xác định tốt lợi thế cạnh tranh của mình. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhìn nhận cơ hội phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế số, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) cho rằng: Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Những tác động từ cách mạng công nghệ số, internet, thương mại điện tử… sẽ giúp khối doanh nghiệp này tiếp cận thị trường thuận lợi hơn, đặc biệt là thị trường toàn cầu, xóa bỏ được những bất lợi cố hữu của doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp lớn…

Việc quốc tế hóa các đối tượng doanh nghiệp này sẽ là chiến lược của các quốc gia. Với 98% doanh nghiệp là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc chơi” đó.

Là người có nhiều kinh nghiệm, chuyên hoạt động lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử, ông Nguyễn Đình Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX phân tích thêm: Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng suất thực sự tăng khủng khiếp, cầu lại ít hơn cung.

Lúc này, giá trị người bán tăng lên. Cái quyết định thị trường không phải người sản xuất mà là người bán hàng. Đơn vị nào nắm được nguồn cầu, nắm được khách hàng, sau đó thuê gia công… sẽ là người chiến thắng.

Hiện nay, các tập đoàn lớn như Metro, BigC… đang có hiện tượng "xâm chiếm" đầu bán thông qua internet, siêu thị, toàn bộ các kênh bán hàng online, xâm chiếm toàn bộ các chuỗi bán hàng… Khi “gã khổng lồ” xâm chiếm được đầu bán sẽ "bóp chết" các nhà sản xuất.

“Chẳng hạn, khi Alibaba mua thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, họ sẽ đưa hàng của họ vào. Doanh nghiệp nước ngoài đã nắm được kênh bán rồi thì doanh nghiệp Việt Nam không thể kiểm soát. Vì vậy, cạnh tranh toàn cầu là phải xác định được lợi thế quốc gia”, ông Hùng nói.

Xuất phát từ phân tích trên, để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0, vững vàng phát triển trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu, ông Hùng cho rằng, quan trọng là doanh nghiệp cần tích lũy lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Thứ nhất là tích lũy về thương hiệu. Điều này, một doanh nghiệp nhỏ không làm được nên cần liên minh thương hiệu.

Ông Hùng dẫn chứng, chẳng hạn, sản phẩm của doanh nghiệp không bán được dù chất lượng tốt, doanh nghiệp liên minh với Alibaba, gắn thương hiệu Alibaba thì lập tức sẽ có người biết đến và có khách hàng. Nếu ở Việt Nam, chúng ta xây dựng một thương hiệu của một công ty hay hiệp hội thực sự đủ mạnh, đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh thì thương hiệu đó cũng có thể cạnh tranh toàn cầu.

Thứ hai là vấn đề liên minh về chuỗi cung ứng để giảm giá thành tăng lợi thế cạnh tranh. Trong liên minh, doanh nghiệp nào mạnh mặt nào thì làm mặt đó, sẽ có tính chuyên nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất.

Đồng tình với quan điểm của ông Hùng, một số chuyên gia bổ sung: Nếu doanh nghiệp xác định được lợi thế cạnh tranh toàn cầu, nhìn rõ mặt mạnh của mình, doanh nghiệp nên tập trung triển khai, mặt yếu có thể đi thuê, kể cả thuê doanh nghiệp nước ngoài nếu họ làm tốt.

Chẳng hạn, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đi thuê doanh nghiệp Trung Quốc làm. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là, những doanh nghiệp riêng rẽ, đặt hàng nhỏ lẻ sẽ thiếu hiệu quả. Nếu liên minh cùng đặt hàng từ đối tác Trung Quốc, doanh nghiệp Việt sẽ có giá ưu đãi, chất lượng đảm bảo…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thieu-loi-the-canh-tranh-toan-cau-doanh-nghiep-kho-song.aspx