Thiếu lao động tàu cá nằm bờ

Tàu không thể ra khơi đánh bắt hải sản vì thiếu lao động. Đó là thực trạng ở nhiều vùng biển trong thời gian gần đây. Nhiều chủ tàu buộc phải 'ngồi chơi xơi nước', trong lúc lòng nóng như lửa đốt khi không thể 'tuyển' được bạn thuyền (người lao động - theo cách nói của người làm nghề biển).

Tình trạng khan hiếm lao động khiến nhiều tàu cá nằm bờ. Ảnh: Bích Nguyên

Tình trạng khan hiếm lao động khiến nhiều tàu cá nằm bờ. Ảnh: Bích Nguyên

Tìm 5 tháng chưa đủ bạn thuyền

Đang giữa vụ cá Bắc nhưng ngư dân Vin Đình Quyền, khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vẫn ở nhà “an dưỡng” một cách bất đắc dĩ. Anh Quyền có một tàu công suất trên 500CV, làm nghề lưới vây từ vùng biển vịnh Bắc bộ cho tới Đà Nẵng. Ngồi nói chuyện trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang của mình, ngư dân có thâm niên hơn 30 năm làm nghề biển này không ít lần lắc đầu ngao ngán khi nói về tình cảnh hiện tại. “Thiếu lao động quá. Từ đầu năm tới giờ, tàu tôi chưa ra biển chuyến nào vì chưa có lao động. Để làm nghề, tôi cần 15 lao động nhưng giờ mới chỉ tìm được 7 lao động. Thời điểm hiện tại rất khó tìm người. Chắc phải chờ tới tháng 5 mới có lao động” - Anh Quyền than thở.

Cũng trong tình cảnh thiếu bạn đi biển, chủ con tàu 320CV Trần Chí Hùng, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, từng phải nghỉ đi biển vài tháng liền. Tàu của anh Hùng làm nghề mành chụp, cần từ 7-8 lao động. Mỗi chuyến đi biển của anh thường kéo dài 7-8 ngày, chuyến nào “biển đói” thì đi lâu hơn, thậm chí có chuyến tới 17 ngày mới trở về.

Anh cho biết: “Lúc nào tôi cũng phải lo kiếm bạn thuyền. Có lúc phải nhờ cả anh em, bạn bè tìm giúp mà vẫn không được. Không đủ người thì không thể ra khơi”. Do thiếu lao động, năm 2018, anh Hùng phải nghỉ đi biển gần 2 tháng. Anh chia sẻ: “Không đi làm thì không có ăn. Nhưng ra biển mà không đủ bạn thuyền cũng không thể đánh bắt cá được”.

Tình trạng tàu nằm bờ do thiếu lao động không chỉ diễn ra ở vùng biển Thanh Hóa. Ngay cả các địa phương có nghề cá phát triển như Bình Định, Phú Yên cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nhân lực biển mà chưa tìm được giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Nhiều chủ tàu lao đao vì không có đủ bạn thuyền đi biển.

Ông Nguyễn Văn Mai, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “Việc tuyển lao động rất khó khăn. Tàu nhà tôi cần 16 lao động, nhưng bây giờ chỉ tuyển được 12 người vẫn cứ phải đi, không thể nằm bờ mãi được. Tôi phải huy động con cháu, họ hàng, phải lấy thêm cả lao động ở các xã lân cận... Nói chung là phải gọi bạn tùm lum”. Chị Trà Thị Thơm, xã Mỹ Đức góp chuyện: “Thiếu lao động nên vợ chồng tôi phải kêu con cháu trong nhà ra trợ giúp. Bây giờ làm ăn khó khăn, biển no, bạn thuyền sẽ đi với mình, còn “biển đói” 1-2 chuyến là họ bỏ đi thuyền khác ngay”.

Nhắc tới câu chuyện tìm bạn thuyền, anh Võ Văn Minh, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức tâm tư: “Mấy năm nay kiếm lao động rất khó. Có ăn, bạn thuyền mới theo mình. Nhiều lúc ứng trước tiền rồi mà bạn không đi”. Không ít lần anh Minh “méo mặt” vì đến ngày tàu ra khơi, gọi điện nhắc bạn thuyền đi thì họ tắt máy không nghe. Có lúc cần quá, những chủ tàu như anh Minh phải tuyển cả lao động là người miền núi, chưa đi biển lần nào. Có trường hợp ra tới biển, người lao động bị say sóng không làm việc được, chủ tàu lại phải tìm cách gửi về đất liền.

Gắn bó với nghề biển gần 50 năm, ông Trần Chiến, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chưa khi nào ông thấy chủ tàu cá lao đao do thiếu bạn đi biển như hiện nay. “Ở vùng này, 70% ghe, tàu tuần trăng nào cũng phải đi kiếm bạn thuyền” - Ông Chiến nhận định. Để giữ chân người lao động, ngoài việc quan tâm, chia sẻ, chịu phần lỗ về mình, hằng năm ông Chiến đều dành một phần để thưởng cho họ.

Không muốn theo nghề biển

Trong khi những chủ tàu khác vẫn đang còn dáo dác tìm bạn thuyền thì anh Lê Doãn Thảo, chủ tàu cá công suất hơn 400CV, ở thành phố Sầm Sơn may mắn hơn, bởi có đủ lao động, nhưng cũng không giấu sự lo lắng khi nghĩ về tương lai nghề biển. “Hai năm gần đây rất khó tìm lao động. Phải trả ít nhất 8 triệu đồng/tháng, họ mới đi làm. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, để đảm bảo một chuyến biển “được ăn” là rất khó. Nghề biển đang rất khó khăn, không biết tương lai sẽ thế nào”.

Thực trạng thiếu lao động nghề biển khiến nhiều ngư dân không dám đầu tư đóng tàu lớn. “Với tình hình hiện tại và những năm trước đó, tôi không dám đóng tàu to hơn vì thiếu lao động” - Anh Quyền chia sẻ. Theo lời anh Quyền, riêng phường Quảng Cư cần khoảng 3.000 lao động nghề biển, nhưng nguồn kế cận hiện rất thiếu.

Lý giải về tình trạng thiếu hụt lao động biển, anh Quyền phân tích: “Hiện tại đang là mùa sứa. Thu nhập từ khai thác sứa có thể lên tới 15 triệu đồng/tháng, vì thế người lao động đổ dồn đi khai thác sứa. Bên cạnh đó, nhiều lao động đi làm thuê cho các tàu cá nơi khác dẫn tới thiếu lao động trầm trọng”.

Thực tế, không riêng gì Thanh Hóa, ở các địa phương biển khác đang có sự chuyển dịch cơ cấu lao động tại các làng biển. Trong bối cảnh, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, dẫn tới nhiều chuyến đi biển của ngư dân bị thua lỗ, nên nhiều lao động không “mặn mà” gắn bó với nghề. Không ít lao động có tay nghề cao bỏ nghề biển đi xuất khẩu lao động, làm nghề khác có thu nhập cao hơn hoặc làm thuê cho các tàu cá nước ngoài. Thế hệ trẻ, con cái của chính những chủ tàu có nhiều đời làm nghề biển cũng không theo nghề của ông cha. “Cả 8 anh em tôi đều đi biển theo nghề của cha. Nhưng đến thế hệ các con tôi, không đứa nào theo nghiệp biển cả. Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều nhà khác cũng thế. Bọn trẻ bây giờ không muốn làm nghề biển vì cực quá” - Anh Quyền tâm sự.

Vậy tương lai nghề biển sẽ đi về đâu? Làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động biển? Tôi mang câu hỏi này hỏi nhiều ngư dân, nhưng không phải ai cũng trả lời được.

Có thể thấy, nghề biển là một trong số nghề chịu nhiều rủi ro và khổ cực. Hiện, Việt Nam làm nghề biển chủ yếu bằng kinh nghiệm là chính, còn việc áp dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại rất hạn chế. Về lâu dài, muốn có lao động biển bền vững, Nhà nước nên tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực biển. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào khai thác thủy sản để giảm nguồn nhân công lao động trên biển mà vẫn đảm bảo khai thác hiệu quả.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thieu-lao-dong-tau-ca-nam-bo/