Thiếu lao động, nhiều tàu cá phải nằm bờ

Nhiều tháng qua, ngư dân ở nhiều vùng biển miền Trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…đang gặp phải khó khăn khi thiếu lao động đi biển trầm trọng. Nhiều nơi ngư dân vay mượn đóng tàu cá từ 3-8 tỷ nhưng phải để tàu nằm bờ vì không tìm được thuyền viên.

Để phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Đảng và nhà nước một cách bền vững và giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển, các bộ, ngành và địa phương cần có những giải pháp căn cơ về đào tạo, hỗ trợ lao động nghề biển.

Khan hiếm lao động biển

Mấy tháng nay, chủ tàu cá nhiều làng biển ở Quảng Bình như Đức Trạch, Nhân Trạch, Bảo Ninh… buồn phiền vì phải để tàu cá nằm bờ vì thiếu người đi biển. Nhiều ngư dân chạy đôn chạy đáo tìm lao động, nhưng rồi cũng đành nhìn những con tàu trị giá tiền tỷ nằm phơi sương gối bãi.

“Chưa khi mô thiếu lao động như năm ni” ngư dân Nguyễn Đình Hoàng đứng bên con tàu trị giá 7 tỷ đồng mới đi biển được 2 lần nói với chúng tôi. Ở Quảng Bình có những làng biển truyền thống trên 500 năm người dân gắn bó với nghề đi biển, xem biển cả như quê hương, như máu thịt nhưng nay một số ngư dân phải gác chèo, cất lưới cũng chỉ vì không tìm được lao động.

Được biết, tỉnh Quảng Bình hiện có 8.157 tàu cá khai thác thủy sản trên biển và các cửa sông lớn, trong đó 1.371 tàu cá từ 90CV trở lên khai thác xa bờ. Số lượng tàu đóng mới, nâng cấp công suất lớn tăng nhanh, ngư trường khai thác chuyển mạnh sang vùng biển xa cho hiệu quả cao, giảm cường lực khai thác vùng ven bờ, vùng lộng.

Doanh thu từ nghề khai thác biển của tỉnh mỗi năm đạt hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tàu cá của ngư dân ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới có đầy đủ lao động, sau mỗi chuyến ra khơi khoảng 10-15 ngày cho thu nhập cả tỷ đồng như tàu cá các ngư dân Nguyễn Công Hoan có chuyến biển đạt trên 2 tỷ đồng (2 tàu), tàu ông Phạm Tuyển đạt trên 1,1 tỷ đồng, tàu ngư dân Nguyễn Thiết Kế có thu nhập gần 1 tỷ đồng…

Trước đây, các chủ tàu cá ở Bảo Ninh chủ yếu sử dụng lao động địa phương hoặc tìm thuyền viên ở các xã như Hải Ninh, Võ Ninh huyện Quảng Ninh, một số xã ở huyện Quảng Trạch, nhưng từ đầu năm đến nay nguồn lao động khan hiếm, nên nhiều chủ tàu đành phải để tàu nằm bờ.

Dù thời tiết tốt, nhưng do thiếu lao động nên nhiều tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình đành neo tàu nằm bờ.

Trong số các tỉnh ven biển miền Trung, Nghệ An là địa phương nằm trong tốp đầu có số lượng tàu thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Ngư dân Nghệ An đang sở hữu 687/3.905 tàu thuyền đánh bắt hải sản có công suất máy từ 400 CV đến trên 1.000 CV. Trong số 687 tàu có 222 chiếc tàu có công suất từ 700 đến trên 1.000 CV.

Có 4 xã có số lượng tàu thuyền lớn nhiều nhất là xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) 114 chiếc; xã Quỳnh Nghĩa 104 chiếc, xã Tiến Thủy 132 chiếc, và xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) 98 chiếc... Mỗi chiếc tàu đánh cá lớn nơi đây ngư dân đã phải đầu tư từ 14 tỷ đến hơn 20 tỷ đồng, thân tàu dài từ 25- 27m, rộng từ 6,5 - 7,3m…

Đi dọc theo nhiều bãi biển, nhiều âu thuyền, chúng tôi chứng kiến nhiều con tàu nằm gối bãi. Khi hỏi thăm, không ít chủ tàu lắc đầu buồn bã cho biết, tàu nằm bờ do thiếu lao động. Anh Cao Văn Bào, chủ tàu cá có công suất trên 800 CV cho biết, trung bình mỗi lao động đi biển thu nhập mỗi năm 40-60 triệu đồng, thu nhập đó không cao so với đời sống hiện nay, nên nhiều lao động nghề biển bỏ biển tìm công việc khác. Nghề biển ngoài bao nhiêu nỗi lo thì nay ngư dân có tàu lo nhất lại là thiếu lao động.

Nhiều làng biển ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế chúng tôi có dịp đến tìm hiểu cũng có mối lo chung như Nghệ An, Quảng Bình… là thiếu lao động biển. Hà Tĩnh hiện có 6.039 chiếc tàu cá trong đó 3.941 chiếc đã được đăng ký quản lý với đội tàu có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động xa bờ có 373 chiếc.

Những năm qua, nhờ lộc biển, nhiều làng chài ở Hà Tĩnh ngư dân đã có cuộc sống ấm no. Nhiều âu thuyền, bến cá luôn đầy ắp tàu thuyền, người mua kẻ bán hàng thủy hải sản luôn rộn rã tiếng cười bên chân sóng. Nhưng nay, cũng do thiếu lao động nên ở những làng chài, có những ngư dân phải để tàu thuyền nằm bờ. Vì thiếu lao động, bạn biển nên nhiều ngư dân neo tàu tìm công việc khác, hoặc một số ngư dân chuyển sang nghề câu mực ở gần bờ…

Tìm cách gỡ khó cho ngư dân

Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế để viết bài, chúng tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi cho ngư dân vì sao các làng chài lại thiếu lao động? Và đâu là nguyên nhân?

Ngư dân Hoàng Đình Nam ở Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, nghề biển là nghề vất vả và không loại trừ yếu tố rủi ro, thu nhập bình quân mỗi năm đối với một lao động khoảng 70 đến 100 triệu đồng. Trước đây đó là thu nhập khá nhưng nay nhiều ngành nghề mở ra, nhiều người lao động trên bờ siêng năng cũng có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng vì vậy nhiều lao động nghề biển đã chuyển nghề. Đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân thiếu lao động biển.

Nguyên nhân chính là từ Nghệ An vô đến Thừa Thiên- Huế hiện nay rất nhiều làng biển thanh niên đã chuyển hướng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Nhờ có tay nghề đi biển nên nhiều lao động khi sang các nước làm nghề đánh bắt thủy hải sản, có thu nhập cao từ 20-40 triệu đồng/tháng. Và người trước kéo người sau, đến nay có những làng biển như ở Nhân Trạch, Hải Ninh, Quảng Bình hầu như vắng bóng thanh niên vì đi xuất khẩu lao động.

Để tháo gỡ bài toán tìm nhân lực làm nghề biển cho ngư dân, đòi hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan cần sớm phải có giải pháp toàn diện như: Mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho lao động nghề biển; Cần sớm có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động nghề biển khi họ tham gia các nghiệp đoàn nghề cá.

Trong khi người lao động đi xuất khẩu lao động sang các nước làm nghề cá được bảo đảm quyền lợi bảo hiểm, song ngay tại trên quê hương mình khi đi biển, nhiều ngư dân gặp sự cố lại phải tự gánh chịu, không được bảo hiểm đó là một trong những bất cập cần sớm giải quyết để ngư dân yên tâm bám biển.

Bên cạnh đó, phải có biện pháp chấm dứt hoạt động của các tàu giã cào để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản của biển, của đất nước. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi để đánh bắt, có thu nhập cao cho chủ tàu cũng như người lao động. Nhiều người phụ trách Hiệp hội Nghề cá ở các tỉnh khẳng định, phải coi nghề cá là một nghề thật sự, nên cần có sự đào tạo, đi từ cơ giới hóa đến hiện đại hóa, chứ không chỉ là nghề cha truyền con nối.

Nghề biển chỉ yêu biển cũng chưa đủ để níu chân người lao động, mà phải có những giải pháp tạo thu nhập cao cho người lao động, nếu không chính chúng ta lại “thua” nghề đánh bắt thủy hải sản ngay trên sân nhà.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/thieu-lao-dong-nhieu-tau-ca-phai-nam-bo-520140/