Thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe

Theo dự báo của Bộ Y tế, số lượng người cao tuổi tại Việt Nam cần được chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người lên tới hơn 10 triệu người vào năm 2049.

Thi nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội tại Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.

Thi nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội tại Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.

Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển việc thiếu điều dưỡng còn diễn ra trong vài thập kỷ và khó có thể đáp ứng được nhu cầu nếu chỉ dựa vào điều dưỡng trong nước…

Cơ hội của người lao động

Theo tổng điều tra dân số năm 2019, người dân Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 73,5 tuổi, so với lần tổng điều tra trước, tuổi thọ đã tăng hơn nhiều. Tuổi thọ càng cao cùng với điều kiện kinh tế tốt hơn thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. Do đó, việc hình thành một đội ngũ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong những năm tới là một yêu cầu được đặt ra.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Trong 5 – 10 năm tới, sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này sẽ càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhân viên chăm sóc sức khỏe của các nước phát triển đang rất lớn, cho thấy nhiều cơ hội rộng mở cho người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Những lao động chăm sóc sức khỏe làm việc tại nước ngoài sẽ được tiếp cận kỹ năng, kỹ thuật tiên tiến, khi quay trở lại Việt Nam họ sẽ trở thành lực lượng lao động chất lượng cao. Đặc biệt, khi Việt Nam phát triển các mô hình điều dưỡng kết hợp du lịch chất lượng cao để tiếp nhận người già trong và ngoài nước du lịch, chữa bệnh.

Dự báo, đến năm 2045, Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang giai đoạn dân số già. Vì vậy, thời điểm hiện nay được xem là cơ hội rất tốt để người lao động có thể tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tạo được nguồn thu nhập cao và ổn định.

Lợi ích cho các bên tham gia

Các quốc gia phát triển đều có chung thách thức vừa khó thu hút nhân lực vào nghề điều dưỡng vừa khó duy trì điều dưỡng làm việc lâu dài. Dự báo việc thiếu điều dưỡng còn diễn ra trong vài thập kỷ và khó có thể đáp ứng được nhu cầu nếu chỉ dựa vào điều dưỡng trong nước. Do đó, mở cửa tuyến điều dưỡng viên nước ngoài là lựa chọn của các quốc gia phát triển.

Theo TS Phạm Văn Tác – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, việc di cư điều dưỡng viên mang lại lợi ích cho cả 3 đối tác gồm điều dưỡng viên, quốc gia tiếp nhận giảm được tình trạng thiếu nhân lực, quốc gia gửi nhân lực giảm được tình trạng thất nghiệp.

Trong nước, tại các bệnh viện hiện nay đang rất cần các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Một số bệnh viện giải quyết vấn đề này theo hình thức tự phát, người nhà gia đình bệnh nhân tự thuê và bệnh viện cho vào. Những ca bệnh nhân sau tai biến, chữa ổn định tại bệnh viện thì về nhà cũng vẫn cần được chăm sóc. Chính vì vậy, nhu cầu chăm sóc liên thông từ bệnh viện đến cộng đồng là một thực tế.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu nhân lực tại Việt Nam, còn tiếp tục hướng yêu cầu sang đáp ứng nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe tại nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế với Nhật Bản, theo đó điều dưỡng viên của Việt Nam sẽ được tài trợ học tiếng Nhật, sau đó sẽ được các công ty chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản tiếp nhận. Tương tự, Đức cũng đang triển khai dự án đưa Điều dưỡng viên Việt Nam sang Đức làm việc…

Cũng theo TS Phạm Văn Tác, nhu cầu và chất lượng nguồn nhân lực y tế trong thời gian qua đã được khẳng định trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế ngành khoa học sức khỏe. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đang phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị và đề xuất xây dựng chương trình đào tạo chăm sóc sức khỏe.

Việc thể chế hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sẽ giúp cho nguồn nhân lực Việt Nam có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế, đồng thời đem lại lợi ích cho đất nước trong thời điểm dân số vàng hiện nay.

“Hiện nay, Bộ Y tế đã giao Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo Chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Trên cơ sở đó, xem xét mô tả vị trí việc làm, cơ sở đào tạo gắn với nơi làm việc mà người lao động dự kiến sẽ đến sau khi được đào tạo, gắn với các gia đình có người cần được chăm sóc… bảo đảm công khai, minh bạch giữa người thực hiện và người sử dụng dịch vụ” – ông Phạm Văn Tác cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/thieu-hut-tram-trong-nhan-luc-nganh-cham-soc-suc-khoe-mxiahsTGR.html