Thiếu hụt lớn nhân lực chăm sóc được đào tạo bài bản

Tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc người cao tuổi được đào tạo bài bản ngày càng trở nên cấp thiết ở cả thị trường lao động trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, nhu cầu trong ngành chăm sóc được dự báo sẽ gia tăng sau đại dịch COVID-19.

Nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội.

Nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội.

Đây là nhận định từ tọa đàm trực tuyến “Nhân lực ngành chăm sóc giai đoạn 2020-2025: Rộng mở cơ hội việc làm trong và ngoài nước” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Truyền hình Thông tấn (Vnews) vừa tổ chức.

Sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 nhân viên chăm sóc

Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc về dân số già, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, chăm sóc viên, bởi vì nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước sẽ thiếu khoảng hơn 50.000 người.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội nói chung và hệ thống chăm sóc người cao tuổi nói riêng.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu nhân viên chăm sóc người cao tuổi đang tồn tại và có khả năng sẽ cấp thiết hơn trong tương lai. Nhu cầu này không chỉ với nước ngoài mà còn ngay cả trong nước.

Thực tế, tại Việt Nam, việc sử dụng nhân viên chăm sóc sức khỏe chỉ có ở một số bệnh viện, viện dưỡng lão còn việc chăm sóc chủ yếu dựa vào người trong gia đình, người quen hoặc người thuê về chăm sóc, đặc biệt tại các hộ gia đình. Nhiều người không có kiến thức, kỹ năng, đào tạo chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân, người già. Do đó, nhân lực chăm sóc viên được chuẩn hóa trong 5 năm, 10 năm hoặc về lâu dài sẽ ngày càng là nhu cầu cấp thiết.

Theo ông Đào Trọng Độ, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị về chương trình đào tạo chuẩn hóa và đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ thì sẽ không kịp. “Đây là một nghề mới, mở ra cơ hội rất lớn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta rất cần có những mô hình có thể cung ứng nguồn nhân lực này một cách bài bản từ khâu tuyển chọn, đào tạo, kết nối giải quyết việc làm”, ông Độ nhấn mạnh.

Nhìn ra thị trường lao động ngoài nước, từ năm 2018, Nhật Bản có những đơn đặt hàng, tiếp nhận các thực tập sinh hộ lý, chăm sóc viên Việt Nam sang làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão để chăm sóc bệnh nhân, người già. Nhu cầu tuyển dụng các chăm sóc viên tại các quốc gia có dân số già như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức… luôn tăng trong những năm qua.

Bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc chương trình Chăm sóc viên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cung ứng nhân lực JHL Việt Nam (JHL Việt Nam) cho biết, trong khoảng ba năm trở lại đây, nhu cầu chăm sóc viên làm việc trong các bệnh viện, viện dưỡng lão tại nước ngoài, tiêu biểu như Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Đây là ngành có số lượng thực tập sinh được tiếp nhận hằng năm rất lớn, với nhu cầu hàng chục nghìn nhân lực mỗi năm.

Mở rộng mô hình đào tạo kết hợp “3 nhà”

Theo ông Đào Trọng Độ, nhu cầu xã hội ngày càng tăng cao với nghề chăm sóc sức khỏe sẽ tạo ra cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp, người lao động, cơ sở đào tạo. “Trong thời gian qua, những mô hình kết hợp ba nhà để tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo chuyên nghiệp chăm sóc viên cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài nước đã bắt đầu được triển khai, với sự tham gia cả doanh nghiệp và cả các trường cao đẳng y tế trong cả nước”, ông Đào Trọng Độ cho biết.

Cuối năm 2019, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã hợp tác với Tập đoàn JHL Việt Nam để cùng hệ thống các trường Trung cấp/Cao đẳng khối ngành sức khỏe trên cả nước xây dựng mô hình tuyển dụng, đào tạo và cung ứng chăm sóc viên cho thị trường trong và ngoài nước. Mô hình đảm bảo tiêu chí: đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội – đảm bảo lộ trình nghề nghiệp bền vững cho người lao động trong tương lai.

Người lao động sẽ được hỗ trợ chi phí học tập, ăn ở, đi lại trong quá trình đào tạo. Khi kết thúc khóa đào tạo, người lao động sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo nghề chăm sóc viên và được JHL Việt Nam bố trí việc làm trong nước tại hệ thống các bệnh viện đối tác như: Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Lão khoa Trung ương,… với mức lương từ 6,5 đến 10 triệu đồng/tháng (mức lương sẽ thay đổi theo thâm niên và tay nghề). Hoặc phái cử sang Nhật Bản tiếp tục học tập nâng cao trình độ nếu có nguyện vọng với mức lương cơ bản trên 37 triệu đồng/tháng. Sau khi người lao động về nước, JHL sẽ tiếp tục đào tạo nâng cao và tái cung ứng người lao động vào các vị trí đa dạng với mức thu nhập xứng đáng. Dự kiến, các trường sẽ đào tạo khoảng 1.000 chỉ tiêu trong năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ cho biết, việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tập, thực tế. Chương trình có đào tạo những kiến thức y, sinh học cơ bản với các kỹ năng chăm sóc người bệnh, tâm lý của người bệnh và trách nhiệm của chăm sóc viên.

Về lâu dài, ông Đào Trọng Độ cho biết, về phía cơ quan nhà nước, cụ thể là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan chuyên ngành để xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, từng bước hướng dẫn về hình thức dạy nghề để các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp cùng chuẩn hóa mô hình này.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/thieu-hut-lon-nhan-luc-cham-soc-duoc-dao-tao-bai-ban/405702.vgp