Thiếu hợp tác trong liên kết đào tạo nghề giữa doanh nghiệp và nhà trường

Doanh nghiệp muốn sở hữu nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng ngay công việc; nhà trường muốn được doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị đào tạo và sinh viên ra trường có việc làm…

Đây là nội dung được đề cập nhiều tại các cuộc hội thảo giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, đến nay giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa có tiếng nói chung nên mối liên kết rất lỏng lẻo.

Chưa có sự thống nhất

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH "Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo", đẩy mạnh hợp tác trong chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xã hội giữa các trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp. Theo quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo. Trong đó, doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo. Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần cơ bản, các modul thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các modul kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho sinh viên. Dù chủ trương đẩy mạnh phối hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp đã được triển khai, song thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa mấy mặn mà, còn phía nhà trường vẫn thiếu chủ động trong liên kết đào tạo nghề cho sinh viên.

 Sinh viên Khoa Động lực, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ thực hành sửa chữa động cơ.

Sinh viên Khoa Động lực, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ thực hành sửa chữa động cơ.

Đối với doanh nghiệp, khi tìm hiểu về liên kết đào tạo nghề, phần lớn câu trả lời đều liên quan đến kinh phí đầu tư cao, rủi ro cũng tương đối lớn vì không phải sinh viên nào cũng có ý thức cao về nghề nghiệp. Ngoài ra, việc đào tạo của cơ sở dạy nghề còn hạn chế ở tính phù hợp với nơi làm việc, sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng thực hành, thiếu kiến thức về quy trình sản xuất, thiếu tính chủ động và biện pháp xử lý phù hợp, dễ làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hơn là mang lại hiệu quả. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Sao Tây Nam (Hyundai Tây Đô), tại TP Cần Thơ cho biết: “Doanh nghiệp rất sợ rủi ro vì nếu có vấn đề xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín và nhiều yếu tố khác. Nhưng qua thẩm định chất lượng đào tạo một số trường, chúng tôi nhận thấy chương trình học ở trường và thực tế của doanh nghiệp khác nhau hoàn toàn. Nói riêng về lĩnh vực ô tô, phần lớn trang thiết bị đào tạo của trường đã lỗi thời, trong khi đó, công nghệ ô tô chỉ sau công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác. Công nghệ hiện tại là phun xăng điện tử, nhưng hầu hết sinh viên đang học bộ tiết chế, vì thế rất khó theo kịp thực tế. Mặt khác, đối với lĩnh vực ô tô, tiếng Anh là cần thiết vì không có một hãng xe nào dịch hoàn toàn ra tiếng Việt để chỉ dẫn người thợ lắp ráp hay sửa chữa. Trong khi doanh nghiệp cần người thạo tiếng Anh chuyên ngành thì nhà trường thường chỉ dạy ngôn ngữ giao tiếp”.

Liên quan đến vấn đề này, các trường đào tạo nghề cho rằng, nhà trường và doanh nghiệp chưa có một văn bản nào ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên mà chủ yếu dừng lại ở bản ghi nhớ (hỗ trợ sinh viên thực tập, hỗ trợ việc làm). Bởi vậy, các chương trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, liên kết doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (TP Cần Thơ): Việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do yêu cầu bí mật công nghệ và yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm nên phần lớn các doanh nghiệp chế biến, công nghệ thực phẩm chỉ cho phép sinh viên đến tham quan quy trình chứ thực tập rất hạn chế. Doanh nghiệp chưa chia sẻ hết các tiêu chuẩn nghề nghiệp mà doanh nghiệp đang cần để đưa vào chương trình đào tạo tại các ngành nghề, còn phía các trường vẫn thụ động trong việc kết nối và duy trì mối quan hệ với doanh nghiệp. Nhiều trường còn thiếu thông tin về doanh nghiệp nên không biết họ cần gì trong chương trình hợp tác đào tạo. Từ đó, kết quả không như mong muốn.

Cần hợp tác chặt chẽ

Năm 2018, một trong ba khâu đột phá của giáo dục nghề nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH xác định là tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nhằm tạo việc làm bền vững cho người học sau tốt nghiệp. Để làm được điều này, theo Thạc sĩ Lương Văn Đài, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, trước mắt cần phải giải quyết những khó khăn đang tồn tại giữa doanh nghiệp và nhà trường thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể và những văn bản pháp lý rõ ràng. Cả hai bên phải có những buổi gặp gỡ và đi đến thống nhất chương trình đào tạo cũng như những yêu cầu doanh nghiệp đặt ra đối với sinh viên và nhà trường. Muốn sinh viên tiếp cận với công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu công việc thì phía doanh nghiệp phải hỗ trợ về trang thiết bị.

Ngoài đầu tư trang thiết bị cho các trường, bà Sơn Thị Thanh Châu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, đề xuất: “Cách làm tốt nhất hiện nay là gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Theo đó, doanh nghiệp tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo thông qua việc cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình đào tạo, qua đó nhà trường có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Nếu có thể, doanh nghiệp cử chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành; đồng thời tiếp nhận giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế. Trong và sau quá trình đào tạo cần kiểm tra chặt chẽ chất lượng học tập của sinh viên qua việc thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài (người sử dụng lao động) kết hợp với đánh giá bên trong (nhà trường).

Thực tế, để mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trở nên chặt chẽ và hiệu quả, một trong những giải pháp là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp để họ thấy rõ quyền và lợi ích của họ khi tham gia đào tạo nghề. Mặt khác, khi tham gia, chính họ sẽ phản hồi được về những khiếm khuyết của quá trình đào tạo, từ đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Về phía nhà trường cũng cần chủ động cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm sao cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thieu-hop-tac-trong-lien-ket-dao-tao-nghe-giua-doanh-nghiep-va-nha-truong-536611