Thiếu hơn 50% nhân lực y tế tại 26 trạm y tế xã điểm

Sau hơn chín tháng triển khai thí điểm trạm y tế xã tại 26 xã điểm thuộc tám tỉnh, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với ngành y tế. Trong đó, việc thiếu hơn 50% nhân lực y tế tại các điểm này, gần 30% trạm y tế không có bác sĩ là một trong những khó khăn để nâng cao niềm tin của người dân vào các trạm y tế xã điểm.

Thiếu hụt bác sĩ tại các trạm y tế xã khó thu hút được người dân tin tưởng khám chữa bệnh ở tuyến này.

Cuối năm 2017, Bộ Y tế triển khai Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg giai đoạn 2018 – 2020. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, có 26 xã, phường được chọn để thí triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở, bao gồm: ba xã tại Lào Cai, ba xã tại Khánh Hòa; ba xã tại Lâm Đồng; ba xã tại Long An; bốn xã tại TP HCM; bốn xã tại Hà Nội; ba xã tại Yên Bái; ba xã tại Hà Tĩnh. Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại 26 xã điểm thuộc tám tỉnh này.

Thiếu hơn 50% nhân lực tại trạm y tế xã điểm

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, các chỉ số kết quả và hoạt động cho thấy các xã được lựa chọn làm mô hình điểm trạm y tế có khá hơn so với mặt bằng chung toàn quốc. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn nhìn nhận nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai đề án này.

Đầu tiên là về cách tiếp cận, vẫn có sự nhầm lẫn giữa việc tích hợp nguyên lý y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe và mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế (TYT) xã, dẫn đến những tiếp cận chưa thực sự đúng. Hầu hết các TYT xã chưa triển khai được nguyên lý y học gia đình. Một số TYT xã ở một số địa phương còn để một phòng riêng biệt với tên là Phòng khám bác sĩ gia đình (thí dụ như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh)

Hiện nay, chỉ có 13/26 TYT xã (44,8%) có đủ nhân lực theo quy định. Chức danh hiện còn thiếu nhiều nhất tại các TYT xã là y học cổ truyền (9/16 xã, chiếm 56,3%), tiếp đến là bác sĩ (3/16 xã, chiếm 18,8%)... Tỷ lệ các TYT xã còn thiếu bác sĩ còn khá cao, gần 30% TYT không có bác sĩ.

Tỷ lệ trung bình một xã thực hiện được 64,3% danh mục các kỹ thuật so với 76 dịch vụ trong Thông tư 39. Trong số đó, có những xã đạt dưới 50% như Cốc Mỳ (Lào Cai), Yên Nghĩa (Hà Nội), Ninh Sơn (Khánh Hòa)...

Danh mục số lượng thuốc BHYT ở trạm y tế rất ít và thiếu nhiều loại thuốc. Trung bình mỗi xã chỉ đạt 30% sẵn có thuốc tại TYT theo Thông tư 39. Đây cũng là rào cản ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tìm đến các bệnh viện huyện, không chọn TYT xã.

Tại nhiều TYT xã, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến lĩnh vực y tế cổ truyền còn yếu, do thiếu nguồn nhân lực, cán bộ phụ trách, chưa huy động được cán bộ y tế từ cộng đồng tham gia. Bên cạnh đó, hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã được thực hiện nhưng cũng có vướng mắc về chế độ thanh toán BHYT.

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT của các xã điểm đạt gần 80%, trong đó đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TYT đạt trên 62%, có 16/24 TYT (66,7%) thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Gỡ vướng mắc từng phần

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, qua quá trình giám sát, lực lượng cán bộ y tế xã còn thiếu chứng chỉ đào tạo, hành nghề, đặc biệt về lĩnh vực y học gia đình. Kết quả này cho thấy cần bổ sung số lượng và hỗ trợ đào tạo nâng cao về kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho các TYT xã, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo định hướng ưu tiên của ngành.

Danh mục số lượng thuốc BHYT ở các TYT xã rất hạn chế, nhiều loại thuốc không sẵn có đang là rào lớn cản ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho người dân, ảnh hưởng nhiều đến uy tín về chất lượng các dịch vụ cung cấp tại TYT xã trong con mắt của người dân.

Việc triển khai hoạt động quản lý các bệnh không lây nhiễm ở một số xã tương đối tốt đối, đặc biệt bước đầu với quản lý với bệnh tăng huyết áp. Ở một số TYT xã, quản lý bệnh đái tháo đường còn bất cập, khó khăn do TYT xã không làm được xét nghiệm mao mạch để chẩn đoán.

Tỷ lệ suất toán BHYT khá cao diễn ra ở nhiều TYT xã do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến kê đơn thuốc không hợp lý do trình độ hạn chế, kê đơn thuốc mà chưa có chứng chỉ hành nghề, hoặc đã có chứng chỉ nhưng không được công nhận phù hợp cho thanh toán BHYT.

“Các xã Ninh Quang, Ninh Sơn, TT Ninh Hòa, Khánh Hòa đã bị xuất toán nhiều chục triệu tiền xét nghiệm vì không có chứng chỉ hành nghề là cử nhân xét nghiệm. Trạm Ninh Quang thậm chí đã có một người đã đi học xét nghiệm bốn tháng tại bệnh viện tỉnh (có chứng chỉ) nhưng không được chấp nhận thanh toán. Bên cạnh đó là các lỗi thông thường vẫn xảy ra ảnh hưởng đến thanh toán BHYT như chỉ định sai danh muc thuốc, vật tư, sai mã thẻ…”, ông Trường cho hay.

Mục tiêu của ngành y tế trong triển khai y tế cơ sở là đến năm 2020 ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã, phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để đạt được kết quả như đề án đặt ra, các địa phương cần phải đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển y tế cơ sở, phát triển dân số, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tỷ lệ bao phủ BHYT vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho y tế, trong đó có y tế cơ sở.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37946902-thieu-hon-50-nhan-luc-y-te-tai-26-tram-y-te-xa-diem.html