Thiếu hình thức xử lý vi phạm

Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Vinh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Vinh.

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, ông Võ Trọng Việt- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi như: Cấp giấy tờ xuất nhập cảnh sai thẩm quyền, không đúng đối tượng; lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để lây lan dịch bệnh cho con người, cây trồng, vật nuôi; sử dụng hộ chiếu không đúng quy định pháp luật; cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật; cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của luật này; thu phí và lệ phí trái với quy định của pháp luật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung, chỉnh lý các từ ngữ cụ thể. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý các hành vi bị nghiêm cấm, thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo luật đã chỉnh lý.

Tuy nhiên trước việc có ý kiến đề nghị tách bạch hành vi bị nghiêm cấm đối với hai nhóm đối tượng tác động. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi như: Sử dụng hộ chiếu được cấp từ việc giả mạo hồ sơ giấy tờ; sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích cá nhân; khi ra nước ngoài vi phạm luật pháp của nước sở tại; lợi dụng việc cấp giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh để trục lợi; lợi dụng lý do quốc phòng, an ninh để không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan, theo ông Võ Trọng Việt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Một số hành vi bị nghiêm cấm được áp dụng cho cả hai nhóm đối tượng tác động, nên việc thiết kế chung như dự thảo Luật là phù hợp. Việc cấp hộ chiếu từ thông tin cung cấp sai sự thật là do lỗi cố ý của người đề nghị cấp và thiếu sót của cơ quan cấp đã được bổ sung quy định tại Khoản 1 và Khoản 9 Điều này. Sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích cá nhân là trái với quy định tại Điều 25 và thuộc hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 4 Điều này. Công dân Việt Nam khi ra nước ngoài phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và đã được thiết kế thành nghĩa vụ của tại Điều 5. Các hành vi lợi dụng việc cấp các giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh đã được quy định cụ thể tại Khoản 8 Điều này.

Cũng theo ông Võ Trọng Việt, trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, nên người cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không thể lợi dụng vấn đề này. Nếu bổ sung các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan sẽ bảo đảm tính bao quát, nhưng lại thiếu rõ ràng và khó thực hiện được ngay.

Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, trong các hành vi bị cấm cần xem xét bỏ từ “cố ý”. Vì trên thực tế khó có thể xem xét thế nào là cố ý hay vô ý và dễ trở thành kẽ hở. Cho nên nếu bỏ từ “cố ý” sẽ tránh được việc lợi dụng để làm sai. Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Thanh Hải, cần bổ sung chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm. “Vì trong Dự thảo luật mới liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm chứ chưa nêu hành thức xử lý ra sao nếu vi phạm khiến cho việc xử lý sau này gặp khó khăn”-ông Hải phân tích.

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đã bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần xem xét quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh có phù hợp hay không với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhấn mạnh đến việc hiện nay Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, do đó ĐB Y Nhàn (Kon Tum) cho rằng, để phòng ngừa hành vi bỏ trốn sau khi bị thanh tra, kiểm tra, thì cần có biện pháp yêu cầu cấm xuất cảnh khi sau thanh tra, kiểm tra phát hiện nghi vấn có sai phạm chứ không phải chỉ những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mới cấm xuất cảnh.

M.Loan - H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/thieu-hinh-thuc-xu-ly-vi-pham-tintuc450966