Thiếu hệ sinh thái hoàn chỉnh khơi thông dòng vốn cho startup

Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ tiền vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Nhưng các doanh nghiệp trong nước thì thiếu kinh nghiệm đánh giá startup trong khi các nhà đầu tư quốc tế còn 'e dè' về quy định pháp lý phức tạp.

Startup Fintech đang ngày càng nhiều và nhu cầu gọi vốn cũng rất lớn.

Do đó, Nhà nước không nhất thiết phải đổ tiền vào các startup mà quan trọng hơn, phải xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, với quy định minh bạch, môi trường thông thoáng, để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn.

Bên lề hội thảo: "Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo" diễn ra ngày 24-8, ông Jouko Ahvenainen, nhà sáng lập và là chủ tịch của Grow Vc Group cho hay, một vấn đề trong việc gọi vốn cho startup của Việt Nam là nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước có, nhưng họ chưa đủ kinh nghiệm để lựa chọn được startup tốt.

“Nhà đầu tư trong nước chưa biết làm thế nào để đánh giá công ty, làm thế nào để hiểu họ đang làm gì, làm thế nào để hỗ trợ họ trong quá trình kinh doanh”, ông Ahvenainen nói và cho biết, đây gần như là một bí quyết mà chỉ những công ty dày dạn kinh nghiệm mới có được.

Đối với nhà đầu tư quốc tế, họ đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, có khả năng sinh lời cao. Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài cần có môi trường minh bạch và hệ sinh thái mở, không chỉ để đầu tư mà còn rút vốn về nước sau khi đầu tư thành công tại Việt Nam.

“Tôi biết rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường startup Việt Nam nhưng họ vẫn còn ngần ngại đổ tiền vào lĩnh vực này do môi trường pháp lý còn phức tạp", ông nói.

Grow Vc Group, công ty hàng đầu thế giới về các sáng kiến Fintech (công ty tài chính công nghệ), dịch vụ tài chính kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Do đó, thay vì dùng tiền đầu tư trực tiếp cho các startup, lĩnh vực mà Nhà nước không có nhiều kinh nghiệm, Nhà nước nên xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, quy định pháp lý rõ ràng để khơi thông được nguồn vốn tư nhân.

Đánh giá về hệ sinh thái của Việt Nam, người đứng đầu Grow Vc Group cho hay, hệ sinh thái của Việt Nam dù đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng đang đi đúng hướng. Để hoàn thiện được hệ sinh thái này cần thời gian và không ai có thể buộc hệ sinh thái này hoàn thiện trong thời gian ngắn.

“Hệ sinh thái cần nhiều đối tác tham gia xây dựng, trong đó, quan trọng là những cá nhân xuất sắc, có khả năng và mong muốn thành lập công ty và mở rộng công ty đó ra thị trường quốc tế", ông Jouko Ahvenainen nói.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, hệ sinh thái khởi nghiệp, theo ông Jouko Ahvenainen, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam để nhà đầu tư nước ngoài ra quyết định đầu tư dựa trên số liệu đó.

Một điểm nữa là Fintech đang ngày càng trở nên quan trọng không chỉ trong nước mà trên bình diện quốc tế.

“Tôi nghĩ đây là một thời điểm quan trọng để tận dụng Fintech khi xây dựng hệ thống tài chính”, ông Jouko Ahvenainen nói. Theo cách đó, Việt Nam có thể dẫn đầu rất nhiều quốc gia trong việc xây dựng các mô hình tài chính và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục phát triển thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, số lượng startup ngày một gia tăng tại Việt Nam, rất cần vốn để phát triển các ý tưởng kinh doanh.

Tính tới năm 2017, nước ta có khoảng 3.000 startup. Số lượng và quy mô thương vụ đầu tư cho startup đang tăng lên. Nếu như năm 2016 chỉ có khoảng 50 thương vụ và gọi được 205 triệu đô la Mỹ thì tới năm 2017, đã có 92 thương vụ và gọi vốn được 291 triệu đô la.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là giá trị đầu tư vào startup của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và rất ít doanh nghiệp thu hút được đầu tư vài chục triệu đô la. Số lượng startup Việt được mua bán, sáp nhập (M&A) không nhiều và phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) thì gần như không có. Trong khi riêng trong năm 2017, startup của các nước trong khu vực ASEAN thu hút được 7,86 tỉ đô la.

Khó khăn lớn nhất mà các startup đổi mới sáng tạo trong nước gặp phải là việc tiếp cận vốn. Các startup thành lập rồi gần như tự bơi bằng nguồn vốn tự có hoặc vay của người thân, việc tiếp cận vốn ngân hàng thì khó khăn.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277574/thieu-he-sinh-thai-hoan-chinh-khoi-thong-dong-von-cho-startup.html