Thiếu hạ tầng kết nối 'làm khó' logistics đường sắt

Tăng cường kết nối các phương thức vận tải, chủ động tham gia, kết nối và thực hiện chuỗi logistics là cách đường sắt đang gấp rút triển khai kỳ vọng mở rộng thị trường, tăng doanh thu.

Bốc xếp hàng tại ga Yên Viên - Ảnh: K.Linh

Chi phí vận tải đường sắt 1 đồng, chuyển tải hai đầu tốn gấp 2, 3

Đây là vấn đề được cả cơ quan QLNN và doanh nghiệp nhận thức khá rõ từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy “lối ra”, hay chính xác hơn là chưa thể triển khai.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng nói: “Bản thân cước đường sắt không đắt nhưng chi phí bốc xếp, chuyển tải đường ngắn hai đầu lớn. Như tại cảng Hải Phòng, nếu bóc đường sắt trong cảng đi sẽ mất hạ tầng kết nối, chi phí vận chuyển hai đầu tăng, tổng giá thành vận tải tăng theo. Như thế DN chúng tôi rất khó đàm phán với khách hàng, cũng chẳng cạnh tranh nổi với các phương tiện khác”.

Ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, về kết nối với cảng biển, đường sắt chỉ có tuyến đến các cảng biển khu vực Hải Phòng (cảng Hoàng Diệu, cảng Vật Cách...) và Quảng Ninh (cảng Cái Lân). Tuy nhiên, bến cảng Hoàng Diệu là khu bến chính của Công ty CP Cảng Hải Phòng lại đang di dời nên việc kết nối chưa đem lại hiệu quả cao. Trong khi đó, tại khu vực tỉnh Quảng Ninh, công tác đầu tư kết nối toàn tuyến chưa hoàn thiện nên hoạt động khai thác đường sắt tại cảng Cái Lân chưa thực hiện được.

Với đường thủy, đường sắt chỉ có 2 điểm kết nối là ga Việt Trì, Ninh Bình. Tại ga Việt Trì, do các đường nhánh vào cảng đều đã xuống cấp nên hệ thống kết nối đường sắt với cảng Việt Trì không hoạt động. Tại ga Ninh Bình, cự ly vận chuyển ra cảng ngắn nên giá thành vận chuyển cao, khó cạnh tranh với đường bộ.

Đó là chưa nói đến việc dọc các tuyến đường sắt có rất ít các cảng cạn ICD, các kho bãi, phương tiện xếp dỡ đạt tiêu chuẩn cho vận chuyển container. Hiện chỉ có Trung tâm Logistics tại ga Yên Viên, cảng ICD tại Lào Cai do nhà đầu tư ngoài đường sắt đầu tư tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics, trong đó đường sắt cung cấp dịch vụ vận tải trên đường sắt. Tuy nhiên, khối lượng vận tải còn rất khiêm tốn do giá thành vận chuyển và chi phí xếp dỡ đầu cuối cao.

Làm gì trong khi chờ đầu tư hạ tầng

Khắc phục tình trạng trên, ông Duy cho rằng, cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng dịch vụ logistics, thực hiện phân khu chức năng để tối đa hiệu quả khai thác. Cùng đó, cần nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch như: Diêu Trì - Nhơn Hội; Vũng Áng - Mụ Giạ kết nối với đường sắt Lào; cảng Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo; đường sắt vào cảng nội địa ICD Hương Canh (Vĩnh Phúc); Nam Định - Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ; đường sắt vào cụm cảng khu vực Bắc Trung bộ (Nghi Sơn, khôi phục đường sắt xuống cảng Cửa Lò)...

Ông Hà Xuân Kiểm, Phó phòng Điều độ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho rằng, giải pháp trước mắt vẫn là đẩy mạnh “kết nối mềm”, nâng chất lượng dịch vụ logistics bằng đường sắt.

“Chúng tôi đã thực hiện một loạt giải pháp nhằm phát triển các dịch vụ đầu cuối (dịch vụ giá trị gia tăng) để tăng tính cạnh tranh, đưa ra các sản phẩm vận tải tốt nhất như vận chuyển đa phương thức, từ kho đến kho, tối ưu hóa các tác nghiệp để giảm chi phí và giá thành vận tải, xây dựng giá cước cạnh tranh”, ông Kiểm nói và cho biết thêm: Công ty đã khai thác được nhiều sản phẩm vận tải mới, hứa hẹn sản lượng tốt như hợp tác với Tân Cảng Sóng Thần tổ chức tàu container lạnh Sóng Thần - Yên Viên, từ đó đi tiếp sang Trung Quốc; tàu liên vận quốc tế Yên Viên - Nam Ninh với các mặt hàng điện tử. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng liên vận quốc tế hàng hóa của công ty qua cửa khẩu Trung Quốc đạt 77.000 tấn hàng nhập, gần 100.000 tấn hàng xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho rằng, con người là yếu tố quyết định hiệu quả dịch vụ logistics. Vì vậy, doanh nghiệp này đã mời các công ty danh tiếng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics đến đào tạo hoặc gửi nhân viên đi đào tạo về nghiệp vụ, kĩ năng làm logistics. Ngoài ra, công ty còn liên doanh, liên kết với các công ty trong nước, ngoài nước khác có kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực logistics, marketing để thu hút thêm các đối tượng khách hàng yêu cầu cao, các mặt hàng đòi hỏi khắt khe về dịch vụ, chất lượng vận chuyển.

“Việc liên doanh liên kết vì trình độ quản trị của họ tốt, kĩ năng đàm phán với khách hàng tốt. Khi đó sẽ mở rộng được đối tượng khách hàng, mặt hàng, mở rộng được thị trường, nâng thị phần”, ông Thanh nói và dẫn chứng, thông qua liên kết này mà Ratraco có được hợp đồng ổn định, lâu dài với các hãng Toyota, Honda… vận chuyển ô tô bằng tàu hỏa.

Đối với dịch vụ vận chuyển, theo ông Thanh, có khách hàng có thể lựa chọn từng khâu: Chỉ vận chuyển đường sắt, chỉ vận chuyển đường bộ hay thủ tục hành chính để công ty thực hiện hoặc hỗ trợ. Có khách hàng khoán toàn bộ, chỉ quan tâm hàng đi từ A đến B là bao nhiêu tiền, thời gian bao lâu, mà không quan tâm nhiều việc công ty thực hiện theo biện pháp gì. Vì thế, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đường sắt khi tham gia vào thực hiện vận chuyển logistics phải tự nâng cao năng lực và phải rất “đa di năng”. Thậm chí, tham gia kết nối, tư vấn khách hàng trong khâu bán, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thieu-ha-tang-ket-noi-lam-kho-logistics-duong-sat-d271475.html