Thiếu hạ tầng giao thông cho người khuyết tật

Việc Bộ Xây dựng ban hành bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình công cộng, trong đó đưa ra những quy định cụ thể nhằm bảo đảm cho người khuyết tật (NKT) có thể dễ dàng di chuyển, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Thế nhưng, thực tế phần lớn công trình công cộng tại các đô thị vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra. Việc này gây không ít khó khăn cho NKT trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có gần 8 triệu NKT, chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó, NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%. Thực tế cho thấy, NKT đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông… dẫn đến khó hòa nhập với cộng đồng. Để giúp đỡ NKT, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp thiết thực, được dư luận đánh giá cao. Nhiều địa phương tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, như: Nâng cấp chỉnh trang đồng bộ hè phố, cải tạo công viên và các không gian công cộng nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho NKT đi lại. Tuy nhiên, nhiều công trình chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đi lại của NKT.

 Đường đá nổi dành cho người khiếm thị lại dẫn thẳng tới một tủ điện trước cổng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội).

Đường đá nổi dành cho người khiếm thị lại dẫn thẳng tới một tủ điện trước cổng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội).

Ông Trần Văn Hà, trú tại phường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Tôi bị khiếm thị từ nhỏ nên mỗi khi có việc phải ra đường thực sự là điều khó khăn đối với tôi. Người bình thường, việc phải di chuyển một quãng đường dài trong những giờ cao điểm đã rất vất vả, đối với người khiếm thị, sự vất vả đó tăng lên gấp bội khi mà nhiều tuyến giao thông không có làn đường riêng dành cho NKT, thiếu các tín hiệu, ký hiệu báo đường lên xuống và những thông tin, biển chỉ dẫn về xe buýt. Điều đáng nói, nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc có vỉa hè nhưng bị chiếm dụng”.

Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, hiện tại, hầu hết các bến xe buýt đều có bảng ghi lộ trình tuyến xe buýt nhưng không có bảng hướng dẫn bằng chữ nổi hay bằng âm thanh nên NKT rất khó để xác định tuyến mình cần đi. Trong khi bậc lên xuống xe buýt và vỉa hè không ngang bằng nhau, thời gian xe dừng, đỗ tại các bến rất ngắn nên NKT gặp không ít khó khăn. Tại một số tuyến phố ở Hà Nội, khi cải tạo vỉa hè, các cơ quan chức năng đã làm đường dốc lên xuống, đường nổi giúp NKT thuận tiện trong đi lại. Tuy nhiên, quá trình thi công, do thiếu sự giám sát nên một số tuyến đường không phát huy được tác dụng. Tuyến vỉa hè dọc đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, đoạn gần Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là ví dụ điển hình. Khi triển khai việc lát đá vỉa hè, các cơ quan chức năng đã cho làm đường đá nổi để người khiếm thị có thể cảm nhận được, thế nhưng đoạn đường nổi ở đây lại dẫn thẳng tới một tủ điện.

Ông Phạm Văn Nguyên, ở phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị liệt hai chân từ bé và phải sử dụng xe lăn. Mỗi khi đi xe lăn ra đường là lại lo vì phần lớn vỉa hè không có lối để NKT tự điều khiển xe lên xuống nên thường xuyên phải đi dưới lòng đường, rất nguy hiểm. Mỗi khi cần lên vỉa hè, tôi phải nhờ người đi đường giúp đỡ. Đã thế, vỉa hè có nhiều chỗ lồi lõm, khúc khuỷu nên rất khó khăn cho NKT phải đi xe lăn. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục để tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tham gia giao thông”.

Đánh giá về sự thuận tiện của các công trình công cộng đối với NKT, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội cho rằng: “Với sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, những năm qua, nhiều công trình đã được nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại của NKT. Thực tế hiện nay, NKT vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông, ví như khi làm đường dốc để NKT đi xe lăn lên xuống, độ dốc quá lớn khiến NKT không dám đi lại, làm cho công trình bị lãng phí. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, trên xe buýt, tàu điện luôn có ghế ưu tiên cho NKT, hệ thống loa tự động thông báo điểm dừng để người khiếm thị nắm bắt thông tin, tài xế được đào tạo và yêu cầu phải hỗ trợ NKT... còn ở nước ta thì chưa có được điều đó”.

Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải) cho biết: “Để giúp NKT hòa nhập cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg, phê duyệt đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, theo đó đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Thế nhưng hiện nay, nhiều tòa nhà, trung tâm mua sắm không có lối lên xuống dành cho NKT. Để giúp NKT thuận tiện hơn trong việc đi lại, theo tôi, thời gian tới, chúng ta nên cải tạo một số công trình đã tồn tại, đặc biệt là những tuyến giao thông trọng điểm và những khu đô thị, khu đông dân cư phục vụ cho NKT. Đối với xe buýt cần lắp thêm tay vịn bám cửa xe cho NKT lên xuống dễ dàng, có chỗ ngồi riêng, có thiết bị nâng hạ bậc lên xuống, tín hiệu biển báo bằng âm thanh, bằng biển chữ sáng ở các điểm dừng và trên xe. Ngoài ra, khi thực hiện các công trình xã hội hóa, chúng ta cần đưa vào những tiêu chuẩn kỹ thuật và những khung bắt buộc phục vụ NKT để chủ đầu tư phải thực hiện”.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thieu-ha-tang-giao-thong-cho-nguoi-khuyet-tat-592981