Thiếu điện, Bộ trưởng Bộ Công thương: 'Cấp bách lắm rồi'!

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong hai năm 2019 và 2020; Tình trạng thiếu điện cũng sẽ kéo dài tới 2025.

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong hai năm 2019 và 2020; Tình trạng thiếu điện cũng sẽ kéo dài tới 2025. Ảnh minh họa

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong hai năm 2019 và 2020; Tình trạng thiếu điện cũng sẽ kéo dài tới 2025. Ảnh minh họa

Thiếu điện trầm trọng

Ngay sau khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị có liên quan để đánh giá hiện trạng, đồng thời đề ra giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm.

Bộ Công thương cho hay, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong hai năm 2019 và 2020; tình trạng thiếu điện cũng sẽ kéo dài tới 2025.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, dù huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện cũng sẽ không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.

Vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ sẽ đối diện với nguy cơ không có dự phòng.

Trước đó, trong các báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương nêu, do điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao nên các thủy điện không đủ tích nước khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp.

Bộ này cũng dự báo Việt Nam sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Khoảng 70% dự án điện chậm tiến độ

Về các dự án điện, thời gian qua nhiều dự án chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đến đời sống dân sinh.

Tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2018 trên toàn quốc là 2.605 cơ sở gồm: 2.111 cơ sở sản xuất công nghiệp, 11 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 73 đơn vị vận tải, 410 công trình xây dựng. Thành phố Hà Nội có 247 cơ sở; TP HCM 311 cơ sở, Vĩnh Phúc 53 cơ sở; Bắc Ninh 86 cơ sở; Quảng Ninh 135 cơ sở; Thanh Hóa 21 cơ sở; Lâm Đồng 6 cơ sở...

Thủ tướng Chính phủ giao vừa giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý; tổng hợp gửi Bộ Công thương trước ngày 1/2 hàng năm.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, giai đoạn 2016-2030, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 24 dự án với tổng công suất hơn 15,2 nghìn MW (riêng giai đoạn 2016-2020 EVN cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất trên 7,1 nghìn MW). Trong tổng số 24 dự án được giao nói trên có 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được giao đầu tư làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11,4 nghìn MW (giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án). Nhưng đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng thực hiện 4 dự án với tổng công suất gần 3.000 MW (giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án). Tuy nhiên, hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.

Ngoài ra, nhiều nhà máy trong số 19 nhà máy nhiệt điện BOT với tổng công suất 24 nghìn MW cũng đối diện nguy cơ chậm tiến độ.

Do vậy, tại cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Công thương đã yêu cầu các đơn vị đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu.

Trong trường hợp không đáp ứng được tiến độ thì giải pháp nào thay thế là gì, nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối ra sao? Nếu sử dụng năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu, có những vướng mắc khó khăn hay cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách gì...

Bộ Công thương cũng cho biết sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về nguy cơ thiếu điện, đưa ra các giải pháp về cơ chế để giải quyết.

“Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới vấn đề điện năng và trước đó là chỉ đạo tại Bộ Công thương tại buổi triển khai công tác năm 2019 và nhiều cuộc họp chính phủ khác, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất mạnh không được để thiếu điện. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, điện không phải chỉ là kinh tế mà mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện có thể bị cách chức.

Bù đắp bằng năng lượng tái tạo?

EVN vừa đã hoàn thành vượt tiến độ một số công trình giải tỏa công suất năng lượng tái tạo. Ảnh: Công trình nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm (tại Ninh Thuận) mới hoàn thành và vận hành cuối tháng 10/2019

Theo hai phương án Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đưa ra cho cung cầu điện 2021-2025.

Ở phương án 1, cân đối cung cầu điện cho giai đoạn 2021-2025 theo tiến độ các dự án như hiện nay. Với kịch bản này, tất cả các nguồn điện trên hệ thống sẽ được huy động tối đa kể cả nguồn nhiệt điện chạy dầu dù điện chạy dầu được đánh giá là khá đắt (5.000-6.000 đồng/số). Nhưng ở phương án này cả nước vẫn sẽ thiếu điện các năm 2021-2024: Năm 2021 thiếu 6,3 tỷ kWh, năm 2022 thiếu 8,9 tỷ kWh, năm 2023 thiếu 6,8 tỷ kWh, đến 2024 thiếu 1,2 tỷ kWh và phải tới 2025 mới đảm bảo đủ điện.

Với phương án 2, EVN phải bù đắp bằng nguồn điện năng lượng tái tạo đến năm 2023 với tổng công suất phong điện khoảng 6.000 MW và điện mặt trời khoảng 16.000 MW. Với phương án này, cả nước sẽ không thiếu điện.

Bên cạnh đó, với giải pháp bổ sung thêm nguồn điện từ nhà máy điện Hiệp Phước và tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống có thể đáp ứng đủ điện và không phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu trong giai đoạn 2021-2025.

Theo thông tin từ EVN, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã đạt 4.600 MW; trong đó có 41 nhà máy đã được đưa vào vận hành với tổng công suất khoảng 2.140 MW.

Về sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua, nhất là tại các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận trong khi không chuẩn bị kịp hạ tầng để giải tỏa công suất đã dẫn tới tình trạng thiếu điện nhưng điện năng lượng tái tạo tại hai địa phương này lại bị thừa và các dự án phải giảm công suất.

Tuy nhiên, đầu tháng 11, EVN cho biết đã hoàn thành vượt tiến độ một số công trình giải tỏa công suất năng lượng tái tạo tại hai địa phương trên và chủ động kiến nghị bổ sung quy hoạch một số công trình điện với mục tiêu giải tỏa hết nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2020. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, bổ sung công suất, hạn chế nguy cơ thiếu điện.

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/70-du-an-cham-tien-do-viet-nam-thieu-dien-keo-dai-toi-2025-d441705.html