Thiếu chặt chẽ trong quản lý kinh doanh vàng, ngoại tệ

Mua ngoại tệ phải đúng nơi quy định, kinh doanh vàng phải được Nhà nước cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, vì nhận thức của người mua, người bán chưa đầy đủ, cộng với sự vào cuộc chưa thật quyết liệt của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương nên công tác quản lý, kinh doanh ngoại tệ và vàng còn lỏng lẻo…

>> Âm ỉ thị trường “chợ đen” vàng miếng, ngoại tệ ở Hà Tĩnh

Khó thực hiện xử phạt…

Để chấn chỉnh tình trạng “đô-la hóa” nền kinh tế và thao túng thị trường ngoại tệ phi chính thức, từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm quản lý, xử phạt những hành vi vi phạm. Sau Pháp lệnh ngoại hối 2005 thì hàng loạt nghị định, thông tư khác ra đời, như: Nghị định 95/2011/NĐ-CP, Thông tư 07/2012/TT-NHNN… Ở một phương diện nào đó thì các văn bản pháp luật này đã giúp NHNN giữ được thế chủ động trong điều hành tỷ giá ngoại tệ, phù hợp với cung cầu và kinh tế vĩ mô.

Người dân vẫn giữ thói quen mua bán ngoại tệ ở tiệm vàng.

Trên thực tế, việc mua bán, thu đổi ngoại tệ ở thị trường phi chính thức vẫn diễn ra hàng ngày tại các doanh nghiệp (DN) kinh doanh, sản xuất vàng. Tuy nhiên, số lượng đó chỉ là nhỏ lẻ, xuất phát từ sự thiếu kiến thức của người dân đối với lĩnh vực tài chính này. Bà Trần Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ (NHNN) cho biết: “Đa số người dân đều cho rằng, tất cả các tiệm vàng đều được thực hiện giao dịch trao đổi, mua bán ngoại tệ. Thường thì số lượng rất ít, phục vụ nhu cầu cá nhân là chính. Do vậy, NHNN chủ yếu là nhắc nhở và tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để giúp người dân hiểu được nguy hại của việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do”.

Các hành vi vi phạm có thể bị xử lý từ 300 - 500 triệu đồng đối với các hành vi: hoạt động ngoại hối không có giấy phép, niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, tước giấy phép đại lý thu đổi ngoại tệ, giấy phép hoạt động kinh doanh vàng… “Cái khó bó cái khôn”, chế tài có nhưng việc thực hiện xử phạt đối với Chi nhánh NHNN tỉnh lại khó thực hiện khi quy định chi nhánh tỉnh chỉ được xử lý mức phạt dưới 100 triệu đồng.

Kể cả với lĩnh vực kinh doanh vàng, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) ra đời được coi như “chiếc gậy” để cơ quan chuyên môn siết chặt hơn công tác quản lý. Ngoài vướng lớn nhất là mức quy định khung hình phạt cho NHNN chi nhánh tỉnh thấp thì cơ quan chuyên môn vẫn còn “nể nả”, chưa thực sự quyết liệt trong xử lý vi phạm. Trong suốt 4 năm, từ khi nghị định có hiệu lực, toàn tỉnh chỉ mới xử lý vi phạm hành chính được 10 cơ sở kinh doanh, sản xuất vàng với mức xử phạt “nhượng bộ” 10 triệu đồng/cơ sở.

Chính quyền địa phương: Mỗi nơi hiểu một kiểu…

Kèm theo Nghị định 24 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 22/2012/CT-UBND ngày 5/11/2012 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị định 24. Theo quy định này, các tổ chức đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh (đối với hoạt động gia công trang sức, mỹ nghệ đăng ký kinh doanh tại Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện). Và, hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng thì do Sở KH&ĐT cấp phép, NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Công an tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ trên địa bàn.

Như vậy, các ngành, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chuyên môn nhằm hướng dẫn, tuyên truyền và quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương. Thế nhưng, chỉ trừ một số nơi vào cuộc như: TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh thì phần lớn còn lại là “khoán trắng” cho ngành chuyên môn. Mới đây, cuộc khảo sát, kiểm tra của Chi nhánh NHNN tỉnh và Công an tỉnh đã cho thấy, hiệu lực thực hiện các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh vàng chưa cao. Khảo sát tại thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) có đến 11 cơ sở kinh doanh, sản xuất vàng nhưng chỉ có 2 cơ sở thành lập DN. Còn lại, số thì không biết đến quy định, số thì không chấp hành.

Ông Trần Viết Sao - Trưởng phòng cấp phép kinh doanh, Sở KH&ĐT cho biết: “Tính đến đầu tháng 10/2016, thì sở đã cấp giấy phép kinh doanh, sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ cho gần 50 DN trên địa bàn. Chúng tôi đã cùng phối hợp với NHNN Chi nhánh Hà Tĩnh hướng dẫn các hộ kinh doanh để thực hiện chuyển đổi, sao gửi sang NHNN để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SXKD. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiều hộ vẫn còn lúng túng”.

Hệ quả đó là do ngay cả chính quyền sở tại cũng chưa hiểu thấu đáo quy định để thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến người dân. Rõ ràng, nghị định đã phân cấp quản lý từ tỉnh đến địa phương, ấy thế mà nhiều địa phương vẫn “qua mặt” cấp giấy phép kinh doanh cho hộ kinh doanh, sản xuất vàng, trong khi giới hạn quy định chỉ được gia công trang sức, mỹ nghệ, để rồi, khi phát hiện ra thì “lẳng lặng” thu hồi. Rõ ràng, từ sự “nhầm lẫn” của cơ quan chức năng trong việc cấp phép kinh doanh, sự thiếu hiểu biết của các chủ cửa hàng, sự thiếu quyết liệt của cơ quan giám sát, quản lý đang dẫn đến các lỗ hổng trong quản lý kinh doanh vàng, ngoại tệ như hiện nay.

Nhằm giải quyết tận gốc những lỗ hổng này, vấn đề đặt ra, các cơ quan quản lý cần cụ thể hóa lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ. Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng miếng và ngoại tệ.

Nguyễn Oanh - Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/thieu-chat-che-trong-quan-ly-kinh-doanh-vang-ngoai-te/122174.htm